Lương tâm chức nghiệp

Lương tâm chức nghiệp
TP - Viện phí đang rập rình tăng vào năm tới. Người nghèo lo hơn cả. Bởi phần lớn người nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Mỗi khi bệnh tật, họ lại giật mình thon thót, sợ vào viện. Đã nghèo, sẽ nghèo hơn.

> Tăng hay hợp thức hóa?

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế, một tuần sau thời điểm nhậm chức, đã nhấn mạnh việc làm quan trọng trong nhiệm kỳ của bà là tăng chất lượng dịch vụ y tế. Chất lượng dịch vụ tăng dẫn đến viện phí tăng. Tuy nhiên, ngay cả với những dịch vụ y tế được coi là tốt đang tồn tại ở các thành phố lớn, thử hỏi đã có bao nhiêu công chức (chưa nói người nghèo không có bảo hiểm) dám vào thăm khám? Và trong lúc cả nước đang mang chung từ khóa “thắt lưng buộc bụng”, đưa ra thông điệp tăng phí cho một dịch vụ thiết yếu liệu có hợp lý không?

Mặt khác, người ta quan tâm viện phí tăng có hạn chế hay diệt trừ được tiêu cực trong ngành y không? Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, người ta bán nhân thủy tinh thể của Mỹ cho bệnh nhân, nhưng khi phẫu thuật lại thay nhân thủy tinh thể của Singapore giá rẻ bằng một phần ba cho bệnh nhân đấy thôi.

Lại có nơi người ta phẫu thuật đặc biệt mà không cần tới bác sỹ phụ mổ, khi duyệt chi thì ghi khống hai người phụ mổ. Cả một vài bệnh viện quốc tế ở Việt Nam cũng phủi trách nhiệm khi để bệnh nhân chết oan.

Như vậy, sản phẩm tốt, thuốc tốt, phương tiện tốt, nhưng nằm trong một bệnh viện tồi về y đức thì không thể có chất lượng dịch vụ y tế tốt.

Nhìn rộng hơn, ở bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần công chức làm đúng phận sự, theo lương tâm chức nghiệp thôi thì mọi việc sẽ khác. Cảnh sát giao thông làm đúng luật thì pháp luật được thượng tôn, tai nạn giảm đi. Nhà băng tuân thủ quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tín dụng không nhiễu loạn, lạm phát được kìm giữ, đồng tiền Việt Nam tăng dần giá trị.

Giáo viên làm đúng thì trẻ con được cảm nhận và sống trong sự công bằng từ lúc nhỏ, không phải chứng kiến bố mẹ chạy trường, không phải chứng kiến bạn nhiễm bệnh nan y nên bị kỳ thị.

Ở đất nước này, còn nhiều trẻ không được đến trường, không được khám chữa bệnh vì nghèo và vì sự vô tâm của người lớn. Trường học, bệnh viện và cái tâm của những người làm trong hai ngành này, được coi là thiết yếu. Nâng viện phí, tăng học phí có lẽ là việc chẳng đặng đừng.

Nhưng khi việc nâng việc tăng ấy nếu chưa chắc là phục vụ lợi ích của số đông, đặc biệt là những người đang khó khăn nhất, đang trông mong vào chính sách an sinh xã hội của chính phủ; nếu chưa chắc là giúp gì được cho việc giữ gìn lương tâm chức nghiệp của người có trách nhiệm thì có quyết nên làm?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG