Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn

Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn
TP - Vùng lõi của Phong Nha- Kẻ Bàng cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng săn bắt thú rừng cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Tiếng kêu cứu từ di sản - Kỳ 2:

Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn

> Tiếng kêu cứu từ di sản

Nhan nhản quán thịt khỉ

Thoát khỏi vùng mỏ đá đầy ẩn họa, ra đến đường Hồ Chí Minh, nhân mối gợi ý đi ăn đặc sản rừng: “Không phải tôi tham thanh, chuộng lạ mà tôi muốn cho nhà báo biết ở đây người ta đang ứng xử với di sản như thế nào thôi” - anh ta thanh minh.

Nhà hàng mà chúng tôi vào có cái biển khá to mang tên Hiền Trang, nằm dọc đường Hồ Chí Minh, ngay trung tâm xã Phúc Trạch. Quán khá rộng, trưng bày nhiều gốc cây to đã được đẽo gọt rất nghệ thuật. Cô nhân viên dẫn chúng tôi ngồi vào chiếc bàn được đặt ở góc tối vì quán đã chật kín thực khách. Bàn bên cạnh là nhóm khách du lịch nói giọng Bắc. Một người đàn ông trong đoàn gợi ý: “Ăn cháo khỉ nhé, tôi nghe nói cháo khỉ rất bổ nhưng ở đây lại rất rẻ”.

Thì ra đặc sản rừng ở đây nổi tiếng ra tận ngoài Bắc. Tôi giả vờ vào bếp gọi đồ ăn, ngay lập tức được bà chủ quán người thấp đậm, chừng 50 tuổi đon đả chào mời: “Bàn chú ăn cơm hay nhậu? Đặc sản nhé, ở đây rẻ lắm chứ không phải như những nơi khác đâu”. Không đợi tôi trả lời, bà chủ quán đến bên chiếc tủ lạnh chuyên dụng to đùng mở nắp, hơi lạnh bay lên nghi ngút. Bà chủ quán nhanh tay lần lượt xách lên mấy xâu thịt, giới thiệu: “Đây là thịt nai, đây là thịt heo rừng, còn đây là thịt khỉ... Những loại thịt này nấu kiểu gì cũng ngon, dùng để ăn cơm hay nhậu đều tốt”.

Tôi đến bên tủ lạnh, ghé mắt nhìn vào. Bên trong chất đầy ắp toàn những thớ thịt tươi rói. Giả vờ quan tâm đến món thịt khỉ, bà chủ liền xách lên chiếc đùi khỉ chừng 1kg, phần da được thui qua lửa vàng ươm đưa về phía tôi. Theo chủ quán, nếu muốn ăn thịt khỉ hầm thì đã có sẵn phía đằng kia, còn không bà sẽ dùng chiếc đùi này để làm món xào sả ớt, hoặc nướng lá lốt. Thấy khách có vẻ chần chừ, bà chủ nhanh nhảu: “Chú thấy rứa chứ không đắt đâu, cái đùi cả cân ni chỉ có 150 ngàn đồng thôi. Thịt khỉ ở đây là rẻ nhất trong các loại thịt đặc sản đó. Hắn rẻ hơn thịt lợn nhiều. Cân thịt lợn rừng giờ đã 350 ngàn đồng rồi đó”.

Công khai ghi những món đặc sản rừng vào hóa đơn thanh toán tiền
Công khai ghi những món đặc sản rừng vào hóa đơn thanh toán tiền.

Viết thì viết, làm chi được tui

Thấy tôi không đụng đũa mà ngồi nhìn đĩa thịt khỉ xào sả ớt thơm phức qua làn khói bốc lên nghi ngút, nhân mối động viên: “Sợ à, ăn đi một miếng cho biết. Nói là thịt khỉ chứ chưa chắc đã là khỉ đâu. Ở đây người ta không phân biệt giữa vượn hay khỉ, sách đỏ, sách đen bất biết, miễn có tiền là được. Nhiều loài vượn quý họ bắt về, còn sống thì bán cho người ta làm cảnh, còn chết rồi thì thành khỉ hết, giá bán
như nhau”.

Theo nhân mối, sở dĩ ở đây thịt khỉ rẻ hơn những thứ khác là vì họ bắt được quá nhiều. Những loại động vật khác thi thoảng mới có một con nên đắt hơn. Kể từ ngày cây huê (sưa) trong vùng Phong Nha - Kẻ Bàng bị đào tận gốc, trốc tận rễ, người dân trong vùng tập trung nhiều hơn vào việc săn bắt các loài thú rừng. Người ta thường đi thành từng nhóm, vào rừng tùy theo địa hình để có cách bắt thú khác nhau. Cách đây hơn một tháng, có 2 chú cháu ở thôn Na, xã Sơn Trạch đã bị chết ngạt khi bắt thú rừng. Nhóm này có ba người trong một gia đình. Khi đuổi được bầy vượn chui vào hang đá, họ liền lấy củi khô hun khói ngay cửa hang. Đến khi chắc chắn bầy vượn đã chết và khói bắt đầu tan, người chú chui vào hang. Mãi không thấy chú ra, đứa cháu tiếp tục chui vào... vẫn không ra. Ý thức được điều chẳng lành, người còn lại chạy về nhà gọi làng xóm. Khi vào hang, mọi người phát hiện cả hai chú cháu đều bị chết ngạt, nằm la liệt cùng với bầy vượn cũng đã bị chết ngạt.

Bữa cơm xong sớm nhưng chúng tôi cố tình nán lại để c ó cơ hội hỏi chuyện chủ quán. Mang hóa đơn tính tiền ra, với đầy đủ các danh mục, bà chủ cười toe toét: “Chú thấy rẻ mà ngon không? Cái đùi khỉ đó tui cắt một nửa xào cho chú đó, xem này, có trăm ngàn chứ mấy”. Nghe khách ngỏ ý muốn mua một con khỉ sống đưa về xuôi, bà chủ quán đồng ý ngay nhưng bảo phải đợi để sai người về nhà mang ra. “Chú đợi khoảng mươi phút thôi. Ngày xưa có phải khổ ri đâu chú, khỉ nhốt đầy quán mà có ai hỏi han chi mô. Mả cha cái thằng Hoàng Nam. Cái thằng nhà báo ấy, không biết hắn vô đây ăn khi mô, năm ngoái hắn viết một bài rứa là anh em kiểm lâm lên làm tui đến khổ”.

Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết.

Theo bà chủ quán, sau bài báo, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình vào cuộc, kiểm tra các nhà hàng trong vùng liên tục. Tuy nhiên, không có một nhà hàng nào ở đây bị phạt hay bị đình chỉ kinh doanh. “Nghe nói thằng Hoàng Nam ấy có mấy thằng bạn ở đây, hay lên chơi lắm, tui mà gặp thì hắn chết với tui. May mà anh em kiểm lâm ở đây quen biết cả, cứ có đoàn mô dưới tỉnh lên kiểm tra là anh em báo trước. Hắn viết thì viết chớ làm chi được tui... Chú thông cảm đợi tí thôi, anh em họ dặn là nên kín đáo một tí. Mả cha cái thằng nớ” - bà chủ bức xúc chửi ra rả.

Lợi dụng bà chủ quán quay vào bếp, chúng tôi lặng lẽ rút lui. Trên đường từ xã Phúc Trạch về đến Trung tâm du lịch Phong Nha, nhân mối chỉ cho tôi cả chục nhà hàng nằm hai bên đường Hồ Chí Minh, tất cả đều buôn bán đặc sản từ rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tháng 12-2009, Tiền Phong có bài Lại hành quyết “hậu duệ Lão Tôn” giữa lòng di sản, phản ánh tình trạng săn bắt, buôn bán và sử dụng thịt khỉ ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, phía Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định không có chuyện săn bắt hay buôn bán khỉ, mà thi thoảng người dân ở đây mua khỉ từ huyện Minh Hóa về ăn trong gia đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG