Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán 27 nghìn dân tránh bão

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán 27 nghìn dân tránh bão
TPO - Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 4, UBND tỉnh Hà Tĩnh lên phương án sơ tán hơn 27 nghìn người dân; dốc toàn bộ lực lượng giúp dân thu hoạch lúa hè thu trước khi bão đổ bộ vào.

> Bão số bốn sẽ vào Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế

Người dân vội vàng thu hoạch lúa trước bão
Người dân thu hoạch lúa trước bão. Ảnh: Minh Thuỳ
 

Theo quan sát của PV Tiền Phong, tại một số vùng biển như Thạch Kim, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), chiều 26-9, trời bắt đầu mưa, gió nhẹ. Toàn bộ tàu thuyền tại vùng biển này đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, đến chiều 26-9, có 3.800 tàu cá đang hoạt động trên biển đã nắm bắt được thông tin về bão số 4 và về nơi trú ẩn an toàn.

Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với hướng đi của bão hiện nay, Hà Tĩnh sẽ bị ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, với lượng mưa mấy ngày vừa qua kèm ảnh hưởng của cơn bão, dẫn đến nguy cơ mưa lớn ảnh hưởng tới vụ lúa hè thu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới thu hoạch được khoảng 50% toàn vụ lúa hè thu.

Cũng trong sáng nay, 26-9, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho toàn bộ học sinh THPT trong toàn thành phố Hà Tĩnh nghỉ học hai ngày 26, 27-9, để giúp gia đình thu hoạch lúa hè thu. Hiện toàn TP Hà Tĩnh có bảy nghìn ha lúa hè thu chưa thu hoạch.

Bão số 4 cách bờ 230km

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 230 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 4 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).

Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.

Từ đêm nay (26-9), vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ngày mai, siêu bão giật cấp 15 vào Biển Đông

Hồi 13h ngày 26-9 vị trí tâm bão Nesat (bão số 5) ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cường độ mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km một giờ, như vậy khoảng chiều tối và đêm mai (27-9) bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.

Ảnh vệ tinh vị trí cơn bão Haitang và Nesat. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương
Ảnh vệ tinh vị trí cơn bão Haitang và Nesat. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều mai (27-9) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Theo Viết
MỚI - NÓNG