Miền Trung chạy bão

Miền Trung chạy bão
TP - Miền Trung lại cấp tập chạy bão số 4. Trong khi đó, hôm nay, bão số 5 hình thành trên biển Đông.

Các địa phương khẩn trương phòng chống bão lũ
> Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán 27 nghìn dân tránh bão

Nhiều tàu gần bờ gặp nạn

Hôm qua, hầu hết tàu đánh bắt ở miền Trung đều được khẩn trương kêu gọi vào bờ hoặc nơi trú tránh an toàn. Hiện vẫn còn 35 tàu/488 ngư dân đang hoạt động tại Hoàng Sa.

Trong đó, Quảng Ngãi 23 tàu/333 người, Quảng Nam 12 tàu/155 người. Được biết, hiện các tàu trên đã vào trú bão tại các đảo Bạch Quy, Trụ Cẩu, Đá Lồi, Trung Sa và Bông Bay (Hoàng Sa).

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), đã có gần 600 tàu thuyền của Quảng Ngãi, Bình Định... vào trú tránh bão số 4. Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Ban PCLB thành phố cho hay, đến nay, tất cả các tàu Đà Nẵng đã an toàn. Mặc dù vậy, đã có một số tai nạn trên biển do ảnh hưởng của bão số 4. Lúc 11h30 trưa qua, tàu SAR 412 của Da Nang MRCC đã lai dắt và cứu hộ thành công một thuyền cá 24CV (chưa biển kiểm soát) của 3 ngư dân Trần Văn Long, Trần Văn Tranh và Trần Văn Phú (cùng trú thôn 6 Vĩnh Thạnh, Phú Vang, TT Huế). Theo ngư dân Trần Văn Long, tàu anh bị hỏng máy lúc 8h30 sáng 25-9 do sóng to gió lớn. Qua một đêm vật vã giữa biển cách bờ 20 hải lý, đến sáng qua, 3 ngư dân đã đói lả, kiệt sức, được tàu SAR 412 ra ứng cứu kịp thời. Thiếu tá Nguyễn Xuân Sơn – cán bộ Đồn BP 236 (Lăng Cô – TT Huế) cho biết, việc quản lý tàu thuyền gần bờ nằm tại các bãi ngang là rất khó khăn, bởi các tàu này đi không hề xin phép, nên khi gặp nạn, công tác liên lạc cứu hộ thường phức tạp. Lực lượng biên phòng mấy ngày qua đã vận động bà con ngư dân có các tàu gần bờ, tàu không số không được ra khơi, nhưng nhiều tàu vẫn bất chấp ra biển đánh bắt.

Chiều qua, theo Trung tá Nguyễn Văn Thương – Hải đội phó Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng), đơn vị đã điều tàu BP 081102 tìm kiếm từ buổi sáng nhưng cho đến cuối chiều vẫn chưa thể tìm ra tàu ĐNa 00234 của Cty trục vớt tàu Quang Thọ (Đà Nẵng) trên đường từ Cù Lao Chàm vào thì bị hỏng máy, hiện tàu và 4 lao động đang trôi dạt trên biển Đà Nẵng. Cũng sáng qua, tàu QNg 95337 với 14 lao động bị hỏng máy trên biển, đã được tàu QNg 55850 lai dắt về cảng Sa Kỳ an toàn.

Quảng Nam: Một cháu bé bị lũ cuốn trôi

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tuyến đường dẫn vào Đồn BP 645 (A Nông, Tây Giang) qua suối A Sò đã bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ gây cô lập. Chiều 24-9 cháu A Lăng Thạch (7 tuổi, ở xã Bha Lê, huyện Tây Giang) theo bố mẹ đi xúc cá dưới suối đã bị nước lũ bất ngờ đổ xuống cuốn trôi mất tích chưa tìm được thi thể.

Hiện mực nước các hồ thủy điện tại Quảng Nam đang lên. Các hồ thủy điện lớn như A Vương, Sông Tranh 2, ĐakMi 4 mực nước đến ngưỡng tràn, chưa phải xả lũ. Riêng thủy điện A Vương còn khoảng 15 mét nữa sẽ xả; Sông Tranh và ĐakMi 4 cửa xả tràn chưa hoàn thiện, đang mở tự do. BCH PCLB tỉnh đã làm việc với Cty Thủy điện Sông Tranh, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp địa phương tổ chức sơ tán 14 hộ dân đang ở lòng hồ trên khi mực nước dâng cao.

BĐBP tỉnh đã chỉ đạo 3 Đài thông tin tìm kiếm cứu nạn liên tục phát bản tin về đường đi, diễn biến của bão số 4 và kêu gọi 106 tàu/440 lao động đánh bắt gần bờ vào đất liền và đảo Lý Sơn để trú ẩn.

Hà Tĩnh: Trắng đêm gặt lúa

Những cơn gió mạnh, kèm theo mưa táp vào mặt đau rát như muốn cuốn bay, xô ngã tất cả... nhưng những nông dân miền Trung vẫn ra đồng trong đêm tối, cố vớt vát những gì có thể trước khi cơn bão số 4 ập vào.

Đã 23 giờ đêm, gia đình của nông dân Nguyễn Văn Phúc ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đánh vật với đống lúa to đùng vừa chuyển từ đồng về. 6 người, cùng chiếc máy tuốt làm việc hết công suất, với hi vọng hoàn thành công việc trước khi cơn bão số 4 đổ bộ rạng sáng 27-9.

Ông Phúc cho biết, vụ hè - thu này gia đình ông làm 4 mẫu ruộng lúa nước. Lúa chín trĩu bông cả tuần nhưng trời cứ mưa hoài nên gia đình chần chừ chưa gặt. Cơn bão số 4 diễn biến quá nhanh, hầu hết nông dân trong vùng trở tay không kịp. Làm quần quật 2 ngày nay, gia đình ông vẫn còn gần 1 mẫu nữa chưa gặt xong.

Vợ ông Phúc than thở: “Số còn lại ngoài đồng thì coi như mất trắng rồi, nhưng số đưa về đây chưa chắc đã được ăn mô. Mưa bão mà gây lũ lụt dài ngày thì không biết phơi lúa ở đâu. Chỉ cần vài ba ngày không có nắng để phơi là mọc mầm, thối hết”.

Anh Hoàng Văn Tùng, một nông dân ở Quảng Trạch (Quảng Bình) người ướt sũng, nhấn hết ga chiếc máy tuốt lúa trong ánh điện leo lét: Lúa nhà anh gặt xong từ chiều nhưng do thuê máy tuốt không được, mãi đến nửa đêm người ta mới mang máy đến.

1 giờ sáng, dọc tuyến QL 1A từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình tiếng máy tuốt lúa vẫn nổ bì bạch xen lẫn trong mưa bão.

Ông Nguyễn Khắc Hảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Sở đã cho toàn bộ khối học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên được nghỉ học, với mục đích phụ giúp gia đình thu hoạch lúa mùa chạy bão. Theo quyết định trên, Hà Tĩnh có gần 200 ngàn học sinh các khối trên được nghỉ học trong hai ngày 26 và 27-9.

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 4, UBND tỉnh Hà Tĩnh lên phương án sơ tán hơn 27 nghìn người dân. Dốc toàn bộ lực lượng giúp dân thu hoạch lúa hè thu trước khi bão đổ bộ vào.

Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh mới thu hoạch được khoảng 50% toàn vụ lúa hè thu.

Tại Quảng Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh đã thông báo, kêu gọi được 4.266 tàu thuyền với 18.631 ngư dân vào bờ tránh, trú bão an toàn. Hiện còn 17 tàu gồm 168 người đã di chuyển đến trú tránh tại đảo Bạch Long Vỹ.

Ngư dân Trần Văn Thành đang được kiểm tra sức khỏe trên tàu SAR 412
Ngư dân Trần Văn Thành đang được kiểm tra sức khỏe trên tàu SAR 412. Ảnh: Nam Cường

Bắc Tây Nguyên: Mưa lớn, hàng trăm ha cây trồng bị ngập

Những ngày qua một số nơi ở Tây Nguyên mưa kéo dài trên diện rộng, có nơi mưa to, đã xuất hiện lũ nhỏ trên các sông suối. Mưa lớn làm ngập úng trên 70 ha lúa nước tại Pleiku, hàng trăm ha cây trồng và hoa màu trên địa bàn Chư Prông, Đak Đoa, Ia Pa và Chư Pah (Gia Lai)… bị bồi lấp và ngập úng.

Tại Kon Tum, nước lũ đã làm bồi lấp, ngập úng trên 40ha lúa nước tại các huyện Đắc Hà; Đắc Tô và Kon Rẫy. Nước sông dâng cao, cầu Đắc Câu ở xã Đắc Pxi, huyện Đắc Hà bị ngập, nhiều cầu treo trên sông Pô Cô bị sạt đất, sập mố phương tiện đi lại khó khăn. Đường đi vào khu sản xuất Tân Cảnh- Đắc Ji Zốp của huyện Đăk Tô bị sạt lở dài khoảng 15m, rộng 6m. Hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, như Đắc Trít, Đắc Yên, Bang Thượng, Ia Đắc Lót…đều cao hơn cao trình xả lũ từ 0,1m đến 4,5m.

TT-Huế: Đánh bắt cá trong mưa lớn, hai vợ chồng chết đuối

Sáng 26-9, sau một đêm nỗ lực tìm kiếm, thi thể hai ngư dân chuyên nghề chài lưới trên sông Đại Giang (TT- Huế) đã được lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy phát hiện, đưa về gia đình an táng. Trước đó, tối 25-9, anh Phạm Thăng (50 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Chung (42 tuổi, cùng trú phường Thủy Lương, Hương Thủy) đi đánh cá bất ngờ gặp mưa to gió lớn gây lật ghe rơi xuống sông Đại Giang. Nghe tiếng kêu cứu, dân hai bên sông triển khai ứng cứu và báo cho cơ quan chức năng. Dù huy động 6 ghe lớn, 2 ca nô của công an tìm kiếm suốt đêm, nhưng do trời tối, mưa to, nước sông chảy xiết, nên công tác cứu hộ vẫn không có kết quả. Đến trưa 26-9, thi thể chị Chung, anh Thăng lần lượt được phát hiện nổi trên sông Đại Giang vào khoảng 11 giờ và 11 giờ 30. Theo chính quyền địa phương, gia đình anh Thăng có 4 con nhỏ, thuộc diện khó khăn.

Mưa to trong nhiều ngày qua đã làm sạt lở trên 70 km dọc đôi bờ các con sông lớn trên địa bàn như sông Bồ, sông Hương, Truồi, Ô Lâu…; uy hiếp đời sống của 2.419 hộ dân nhiều huyện. Hơn 500 hộ dân ven sông đã phải di dời. Do ảnh hưởng của mưa bão, trên 8km bờ biển tại địa bàn TT- Huế cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Chiều 26-9, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương tại TT- Huế tổ chức di dời xong trên 5.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt trượt đất, ảnh hưởng sóng to, gió bão… Huyện miền núi A Lưới dự trữ 20 tấn gạo, 50.000 gói mì tôm, 10.000 lít xăng, 8.000 lít dầu diezel và dầu hoả phục vụ phòng chống mưa bão. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Sơ tán dân vùng trũng, ven sông, ven biển và bảo đảm lương thực cho huyện miền núi A Lưới (dễ bị chia cắt, cô lập do mưa bão) phải được ưu tiên hàng đầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG