Khiếu nại tố cáo đông người tăng 32%

Khiếu nại tố cáo đông người tăng 32%
TP - Thảo luận công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri tại phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 28-9 cho thấy: Nhiều đơn thư bị chuyển lòng vòng, gần 70% thuộc lĩnh vực hành chính, số lượt đoàn khiếu nại tố cáo đông người tăng 32%.

> Cho ý kiến về nhiều báo cáo của Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp.
 

Năm qua, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các ban của UBTVQH chuyển 1.765 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 1.187 văn bản trả lời, đạt gần 67,3%. “Việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đạt tỷ lệ thấp; công tác theo dõi, đôn đốc, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn, thư đã chuyển chưa được thường xuyên”, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện nhận định.

Dù lượt công dân KNTC, kiến nghị năm 2011giảm so cùng kỳ năm trước (giảm 5.992 lượt người, gần 49,3%), giảm 606 vụ việc (20%), nhưng số lượt đoàn KNTC đông người lại tăng 32%. Phần lớn là các vụ việc kéo dài từ những năm trước, liên quan lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng làm khu đô thị, khu công nghiệp, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phan Trung Lý cho rằng, trong khi khiếu nại chung giảm mà khiếu nại đông người gia tăng là “đáng lo”. Cơ quan tiếp dân của QH cần nghiên cứu đưa ra hướng giải quyết, nếu cần có thể xem xét sửa luật.

Theo ông Lý, người dân đã phải đến tận nhà ông đưa đơn, vì không biết phải gửi đơn ở đâu, sau khi gõ cửa khắp nơi. Có vụ việc, người dân gửi đơn đến Ủy ban Pháp luật, mấy năm nhưng không giải quyết được, sau khi đã chuyển lòng vòng tới các ủy ban khác. “Các cơ quan này cùng toà nhà, chỉ từ tầng 2 lên tầng 3 mà đi lòng vòng mất cả năm trời”, ông Lý nói.

Gần 70% KNTC thuộc lĩnh vực hành chính

Phân tích của Ban Dân nguyện từ 20.462 đơn, thư của dân cho thấy, KNTC thuộc lĩnh vực hành chính chiếm 69%; 7% lĩnh vực tư pháp 30,3%; KNTC về bầu cử ĐBQH khóa XIII, bầu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 chiếm 3,5%.

Khiếu nại về hành chính chủ yếu liên quan việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đòi lại đất cũ; khiếu nại về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất trước đây.

Đơn, thư KNTC gửi đến các đoàn ĐBQH tập trung vào các chính sách về nhà đất: chiếm tới 79%. Trong đó, chủ yếu là tố cáo cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Về lĩnh vực tư pháp, người dân chủ yếu khiếu nại bản án, quyết định của TAND các cấp, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (chiếm 58,9%), còn lại là tố cáo tham nhũng, sai phạm của cơ quan điều tra, bồi thường thiệt hại do bị oan.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận, đơn thư nhiều, nhưng giải quyết còn chậm. Có khi chỉ trả lời là đã nhận đơn của dân, không nêu kết quả giải quyết. Có lĩnh vực chỉ giải quyết được 6-8% là rất thấp. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, cán bộ tiếp dân, giải quyết đơn thư thiếu tận tâm, còn thờ ơ, yếu kém dẫn đến sai sót.

“Phải tổng kết, làm rõ vì sao đơn thư gửi đi gửi lại năm này sang năm khác, gây ách tắc. Cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tránh mạnh ai nấy làm”, bà Doan nói. Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, cơ quan nhà nước cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong quá trình xử lý, giải quyết đơn thư của dân. Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi để có cơ chế giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Các khoản thu cao hơn cả học phí

Báo cáo công tác giải quyết kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện trình UBTVQH sáng 28-9 nêu thực trạng lạm thu các khoản đóng góp trong nhà trường. Tại 39 tỉnh thành có báo cáo và 12 địa phương mà đoàn công tác đến làm việc, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền để tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường. Khoản đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh còn cao hơn nhiều lần mức thu học phí.

Nhiều nơi lạm dụng quy định đóng góp tự nguyện, huy động kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo... Việc thu, chi không công khai, minh bạch.

Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, phải qui định trong điều lệ Hội cha mẹ học sinh theo hướng để tổ chức này có thể hoạt động độc lập. Các khoản thu tự nguyện có thể phải đưa ra bỏ phiếu kín, để thực sự là tự nguyện, tránh việc ban phụ huynh gợi ý, áp đặt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG