Y đức và phong bì

Y đức và phong bì
TP - Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm việc 5 bệnh viện đầu tiên của cả nước cùng ký cam kết “nói không với phong bì”. Người dân kỳ vọng đây không chỉ là những lời nói suông.

> Năm bệnh viện cam kết không nhận phong bì
> Ở nơi bác sĩ “tự làm khổ”

Khác nhau chuyện đưa trước, đưa sau?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh viện có chế độ quản lý rất nghiêm ngặt. Nếu cán bộ, bác sĩ đó bị bắt quả tang nhận hối lộ khi đang điều trị cho bệnh nhân sẽ bị đuổi việc.

Đây là hành động kiên quyết của ban giám đốc Bệnh việt Việt Đức hưởng ứng cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức tại Hội thảo tập huấn “Lập kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức”. Cùng với Bệnh việt Việt Đức còn có 4 bệnh viện khác là Bạch Mai, Phụ Sản T.Ư, Bệnh viện K và Bệnh viện E ký cam kết nói không với phong bì. Y bác sĩ phải có lời chào thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo cho bệnh nhân và tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…

Tuy nhiên, nói về việc bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, ông Quyết chia sẻ quan điểm, phải phân định nếu đó là phong bì mà bác sỹ, điều dưỡng vòi vĩnh, đòi bệnh nhân đưa rồi mới khám hay chăm sóc thì cần xử lý nghiêm khắc nhưng nếu phong bì tiền được bệnh nhân hay người nhà đưa khi bác sĩ đã hoàn thành trách nhiệm khám và điều trị cho bệnh nhân lại là chuyện khác.

Ông Quyết không phủ nhận chuyện có những bệnh nhân sau khi xuất viện quay lại cảm ơn bác sĩ bằng phong bì, khi đó kể cả bác sĩ có nhận cũng không thể xử phạt được vì bác sĩ không đòi hỏi bệnh nhân mà bệnh nhân tự nguyện biếu khi được chữa khỏi bệnh.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định tại cuộc hội thảo mới đây, quy tắc ứng xử nâng cao y đức vừa thuộc phạm trù đạo đức vừa thuộc phạm trù pháp luật. Hơn nữa hành vi của người thầy thuốc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Một bộ phận thầy thuốc thực tế đã lạm dụng quyền lực này để vòi vĩnh bệnh nhân.

Ông Đoàn Hữu Đủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng đối với việc kiểm soát y đức trong thực hiện chuyên môn nghiệp vụ chỉ có đồng nghiệp mới có thể hiểu rõ.

Đồng tình với ý kiến của ông Đủ, TS Lê Hoài Chương, Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, y đức không chỉ là cư xử nhã nhặn, thân thiện với bệnh nhân mà còn bao gồm cả việc nâng cao trình độ chuyên môn để giúp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh tật, giảm tải để để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi điều trị tại bệnh viện.

Ngay sau khi Bệnh viện Phụ sản T.Ư ký cam kết với Bộ Y tế, Ban giám đốc bệnh viện đã có cuộc họp truyền tải những nguyên tắc ứng xử với bệnh nhân tới từng cán bộ công nhân viên chức tại bệnh viện. Công đoàn, Đảng ủy, Ban giám đốc sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết của toàn bộ cán bộ của bệnh viện.

TS Chương cũng thừa nhận một số y bác sĩ vẫn còn có thái độ chưa được nhã nhặn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên TS Chương cho rằng với lượng bệnh nhân quá đông và sức ép công việc lớn có thể nảy sinh những thái độ chưa đúng mực của nhân viên y tế.

Lập đường dây nóng

Không ký cam kết như 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng tại TPHCM, nhiều bệnh viện thành lập đường dây nóng để bệnh nhân và nhân viên y tế cùng giám sát việc thực hiện y đức.

Bác sĩ khám bệnh ân cần là thể hiện y đức
Bác sĩ khám bệnh ân cần là thể hiện y đức.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó GĐ BV Nhân dân 115 cho biết, nhiều năm nay BV Nhân dân 115 đã quyết liệt về vấn nạn bác sĩ vòi vĩnh, nhận phong bì của bệnh nhân. Các khoa của bệnh viện đều có hòm thư góp ý, chúng được mở ra xem thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh hành vi lệch lạc của nhân viên y tế.

“Hiện, Ban giám đốc bệnh viện cũng có đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ, công khai. Bệnh nhân có thể gọi bất kỳ lúc nào khi phát hiện bác sĩ hay nhân viên y tế có hành vi làm khó với bệnh nhân”- bác sĩ Phú nói.

Theo bác sĩ Phú, nếu phát hiện y, bác sĩ vi phạm lần đầu, sẽ nhắc nhở toàn khoa, vi phạm lần 2 có thể không cho làm chuyên môn, không cho tiếp xúc với người bệnh…Cách đây 4 năm, bệnh viện này đã luân chuyển một bác sĩ, không cho tiếp xúc với bệnh nhân sau khi phát hiện người này đã “cầm tiền” của một người bệnh với lý do đi mua dụng cụ y tế giúp!?

Tại các bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Từ Dũ… ngoài việc tuyên truyền quy tắc ứng xử trong bệnh viện trong các cuộc họp khoa, nội dung “bác sĩ không nhận phong bì” cũng được nhắc nhở thường xuyên.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh- GĐ BV Từ Dũ cho biết, ngoài cấm bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân trong quá trình điều trị, chúng tôi còn yêu cầu các nhân viên y tế giám sát lẫn nhau.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh- GĐ BV Ung bướu TPHCM cho biết nếu giải quyết được “cái gốc” của vấn đề có là đời sống của nhân viên được cải thiện thì “cái ngọn” cũng vững vàng hơn. “Thu nhập của nhân viên y tế được nâng lên thì sẽ hạn chế tình trạng thiếu y đức do cơ chế thị trường” - bác sĩ Minh cho biết.

Việc đưa ra các cam kết để phục vụ bệnh nhân tốt hơn là cần thiết. Nhưng cam kết đó có thực sự đi vào cuộc sống hay không, chỉ có bệnh nhân mới có thể cảm nhận được đầy đủ nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.