Thế giới cấm, Lâm Đồng trồng vô tư

Thế giới cấm, Lâm Đồng trồng vô tư
TP - Theo một thông tư của Bộ TN&MT, sò đo cam, một trong 100 loại sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới, chưa có mặt ở Việt Nam. Thế nhưng, chúng đang được nhân giống, trồng nhiều ở Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Cây ngoại lai xâm hại tràn lan:

Thế giới cấm, Lâm Đồng trồng vô tư

Tận diệt ngay cây mai dương!
> Cảnh báo sinh vật ngoại lai

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã cảnh báo sò đo cam (Spathodea Campanulata) là loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Thế nhưng tại Lâm Đồng, chúng được trồng ở 9/12 huyện, thành phố.

Bị liệt vào danh sách đen

Năm 2003, IUCN đưa sò đo cam (còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, phượng hoàng đỏ, đỉnh phượng hoàng, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi…) vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng đã thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới, gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.

Năm năm sau, một nhóm sinh viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) triển khai đề tài nghiên cứu Sinh vật ngoại lai xâm hại và nhận định: Tulip châu Phi là loài cây chịu bóng, màu sắc sặc sỡ, lấn chiếm các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang và khu rừng rậm. Chúng thích hợp ở những vùng ẩm và ướt từ mực nước biển đến độ cao gần 1.000m. Đây là loài xâm thực gây hại ở Hawaii, Fiji, Polynesia và Samoa. Hạt được phát tán nhờ gió và nảy mầm rất nhanh...

“Tháng 3-2010, chúng tôi đã phát văn bản cho các đơn vị liên quan đề nghị không tiếp tục phát triển loài cây xâm hại có nguồn gốc từ châu Phi này. Thế nhưng, số lượng sò đo cam không ngừng tăng cao ở nhiều huyện, thành phố”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Trần Thanh Bình nói.

Ông cho biết, đầu tháng 7 năm nay, Bộ TN&MT ban hành thông tư, trong đó sò đo cam bị liệt vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Theo thông tư này, sò đo cam được cho là chưa xuất hiện ở Việt Nam, trong khi thực tế loài cây này đã thiết lập quần thể tại Lâm Đồng.

Tác hại tương tự cây mai dương

Theo Giám đốc Cty cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc Hoàng Văn Quang, TP Bảo Lộc là địa phương đầu tiên ở Lâm Đồng thiết lập quần thể sò đo cam và chính ông trồng những cây đầu tiên bên hồ Đồng Nai năm 1997.

Hạt giống từ những cây này được ươm ra trồng trong thành phố. Sau đó, đơn vị chuyển sang sản xuất cây giống bằng cách giâm cành để nhân nhanh số lượng với cây giống khỏe hơn, phát triển nhanh hơn. Cty còn nhân giống bán hàng trăm cây sò đo cam cho TP Đà Lạt, 1.000 cây cho huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và 1.000 cây cho TP Nha Trang (Khánh Hòa) với giá 65.000 - 100.000 đồng/cây.

Chỉ trong 2 năm 2010 - 2011, 9/12 huyện và thành phố của Lâm Đồng trồng mới 5.368 cây, trong đó Đức Trọng 1.849 cây, Bảo Lộc 1.350 cây, Lâm Hà 1.050 cây, Đà Lạt hơn 430 cây…

Trả lời câu hỏi vì sao năm 2011 đơn vị trồng số lượng sò đo cam gấp 10 lần những năm trước, đồng thời bán nhiều cây giống cho các địa phương khác, ông Quang nói: “Đây là cây dễ trồng, phát triển nhanh, cho hoa đẹp, mặt khác chỉ trồng trên các tuyến đường vào khu du lịch, công viên, đường phố nên khó bị ảnh hưởng bởi tác động của sự xâm hại”.

Thế nhưng thực tế, sò đo cam được trồng nhiều ở những nơi dễ phát tán hạt, thiết lập quần thể như dọc quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn mà xung quanh có đất hoang rộng.

“Cần có những nghiên cứu bài bản để xác định mức độ xâm hại của loài cây này tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tài liệu của một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới, nước ta là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học bị đe dọa nặng nề nhất, mà một trong những nguyên nhân là do sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai. Tác hại của sò đo cam cũng tương tự cây mai dương, đến một lúc nào đó có thể chúng sẽ phát triển mạnh đến mức không khống chế nổi”, ông Bình nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG