Ngập lụt nặng khắp miền Trung

Ngập lụt tại Tân Hóa (Quảng Bình)
Ngập lụt tại Tân Hóa (Quảng Bình)
TP - Mưa lớn trong mấy ngày qua khiến nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng.

> Hỗ trợ gần bảy tỷ đồng cho đồng bào bị lũ lụt
> Mưa lớn hoành hành, lũ tiếp tục lên

Ngập lụt tại Tân Hóa (Quảng Bình)
Ngập lụt tại Tân Hóa (Quảng Bình) .
 

Tại Quảng Bình, theo báo cáo của Ban PCLB và TKCN Quảng Bình, đến 16 giờ ngày 16-10, mưa lớn khiến nước sông Gianh tại Mai Hóa xấp xỉ báo động III, nước trên sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang là 14,40m, vượt báo động III là 1,40m.

Đã có hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó có hơn 2.200 ngôi nhà bị ngập sâu hơn 1m. Các tuyến giao thông như: Quốc lộ 1A, 12A, 15, đường Hồ Chí Minh bị ngập nhiều đoạn khiến giao thông bị ngưng trệ. Mưa lũ ở Quảng Bình đã làm 1 cháu bé bị chết, 1 người mất tích và 1 cụ già bị thương.

Cháu bé xấu số bị chết trong lũ là Dương Ngọc Quân (3 tuổi, thôn 7B, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch). Tai nạn xảy ra khi cháu Quân đi chơi cùng bố vào sáng 16-10. Do không để ý, cháu đã bị sảy chân xuống dòng nước dữ và đuối nước ngay sau đó. Đến khoảng 12h cùng ngày, người dân xã Đồng Trạch đã tìm thấy thi thể của cháu Quân.

Theo ghi nhận của PV, ngập nặng nhất là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy với hơn 5.000 ngôi nhà bị ngập. Ông Dương Đệ Quang, Trưởng phòng NN&PTNT cho hay, nếu mưa còn kéo dài thì mực nước tại sông Kiến Giang sẽ lên trên mức báo động III khoảng 3m, hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu, nhiều tuyến đường sẽ bị chia cắt.

Nước đã ngập 10 cồn nổi trên sông Gianh thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch. Hơn 1,5 vạn dân sông trên các cồn nổi này bị cô lập hoàn toàn do thuyền bè không thể đi lại trên dòng nước chảy xiết.

Lãnh đạo huyện Minh Hóa cho hay, đã có 3 xã bị ngập là Tân Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Ngập nặng nhất là rốn lũ Tân Hóa, có đến hơn 500 ngôi nhà bị ngập, có nơi sâu đến 4m. Người dân Tân Hóa tiếp tục lại phải di dời lên nhà bè hoặc chạy vào hang đá để tránh lũ.

Quảng Trị: Hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ

Đến cuối chiều 16-10, lượng mưa đo được tại Hải Tân (Quảng Trị) lên đến 651 mm, Hải Sơn 626mm, Đông Hà 480 mm; mực nước trên các sông lớn như Ô Lâu, Thạch Hãn, Bến Hải vượt báo động 2 và 3. Hiện mưa vẫn rất to, nước trên các sông đang lên nhanh. Mưa lũ không chỉ làm ngập vùng đồng bằng của huyện Hải Lăng mà còn ngập ở các xã gò đồi như Hải Trường, Hải Chánh, Hải Lâm.

Trước tình hình nước lũ lên cao, chính quyền xã Hải Sơn phải phá một đoạn đập cho thông nước để tránh nguy cơ vỡ đập. Giao thông từ trung tâm huyện Hải Lăng về các xã vùng đồng bằng hoàn toàn bị cô lập do nước lũ, nhiều nơi đường bị ngập hơn 1m.

Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Trị, chiều 16-10, nước lũ bắt đầu tràn vào nhà dân. Đường vào vùng Ba Lòng ở huyện rẻo cao Đakrông bị tắc do nước lũ ngập cầu tràn; toàn bộ 3 xã Hải Phúc, Ba Lòng, Triệu Nguyên thuộc vùng chiến khu xưa Ba Lòng bị cô lập trong lũ; hàng ngàn hộ dân ở đây đã được di dời lên nhà ủy ban, trạm xá và ở những điểm cao để tránh lũ.

Tại hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, nhiều xã mới bắt đầu thu hoạch lúa hè-thu nên số diện tích còn lại rất lớn chưa kịp gặt đã bị ngập sâu trong nước, nhiều gia đình nông dân trắng tay.

Tại huyện Vĩnh Linh, theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền, 10 người dân làm ăn trong rừng thuộc khu vực xã Vĩnh Ô bị lũ bao vây đã được chính quyền địa phương giải cứu đưa về nơi an toàn; 3 người dân ở xã Vĩnh Chấp trên đường đi làm về bị mưa lũ cuốn trôi sáng 16-10, song đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ kịp thời đưa lên bờ.

Thừa Thiên - Huế: Nhiều vùng bị chia cắt

Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, đến 17 giờ 30 chiều 16-10, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn đã bị ngập lũ gây chia cắt giữa các thôn, xã như tuyến Quốc lộ 49B (từ Phong Hòa đi Điền Hương), Tỉnh lộ 11 (An Lỗ - Phong Sơn), Tỉnh lộ 4 (Phong Chương - Ưu Điềm), Tỉnh lộ 6 (Phò Trạch - Phong Chương), Tỉnh lộ 17 (thị trấn Phong Điền - Phong Mỹ)…

Mức nước hồ thủy lợi Hòa Mỹ vượt tràn 0,5m, lũ trên sông Ô Lâu đoạn qua xã Phong Bình vượt trên báo động 3 là 0,15m và tiếp tục lên nhanh. Chiều tối 16-10, nhiều xã vùng trũng thuộc hạ lưu sông Ô Lâu như Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, thị trấn Phong Điền và các xã ven phá Điền Lộc, Điền Hòa… khẩn trương sơ tán dân.

Mưa lớn còn gây thiệt hại khoảng 200 ha sắn nguyên liệu đến kỳ thu hoạch. UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học tránh lũ kể từ sáng 17-10.

Tại huyện Phú Vang, mưa lớn gây chia cắt giữa nhiều xã, thị trấn dọc theo tuyến Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 10 như Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Đa… UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng kêu gọi hơn 1.100 tàu thuyền đánh bắt trên biển và đầm phá về nơi trú tránh an toàn.

Người dân phải ngồi trên bàn (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy
Người dân phải ngồi trên bàn (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Đà Nẵng: Nước ngập nửa nhà dân

Từ sáng qua, 16 - 10, mưa lớn, kéo dài làm gần 20 hộ dân tổ 14 (phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê, Đà Nẵng) ngập nửa nhà. Anh Phạm Quý Dũng (30 tuổi), hộ dân tổ 14 kể: hơn 8 giờ nước bắt đầu lên nhanh, chưa đầy 30 phút, nước đã lên nửa nhà, làm ngập, hư hại nhiều vật dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Được: Các hộ dân đều sống ngay cạnh sông Phú Lộc nhưng do hệ thống thoát nước không đảm bảo khiến nước mưa bị úng ứ cả ngày. Đến 20 giờ, gần 20 hộ dân vẫn bị ngập nặng phổ biến 1-1,3m.

Cty thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng huy động 2 máy bơm để cứu úng các hộ dân đến tận tối muộn. Ông Mai Mã - GĐ Cty cho hay: Do thiết kế cửa xả thoát nước không phù hợp. Lượng nước lớn không kịp qua cửa xả làm ngập úng nhiều hộ dân. Đơn vị yêu cầu chủ đầu tư dự án cải tạo sông Phú Lộc hạ thấp cửa xả.

Theo UBND phường Thanh Khê Tây: nhà các hộ dân này thấp hơn nhiều so với tuyến đường ven sông mới được cải tạo, nâng cấp. Trước đó, ngành chức năng hỗ trợ nâng nền nhà nhưng do mức hỗ trợ thấp (5 triệu/1 hộ ảnh hưởng) nên nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để cải tạo, làm mới nền nhà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG