Buýt đường sông giải vây ùn tắc trên bộ

Buýt đường sông giải vây ùn tắc trên bộ
TP - Mới đây, lãnh đạo TPHCM giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu dự án xây dựng hai tuyến buýt sông đầu tiên, trình UBND TPHCM xem xét trong tháng 12-2011.

 > Nên hạn chế taxi và ôtô để giảm ùn tắc

Sơ đồ tuyến buýt đường sông số 1 dự kiến sẽ bắt đầu khai thác từ đầu năm 2012
Sơ đồ tuyến buýt đường sông số 1 dự kiến sẽ bắt đầu khai thác từ đầu năm 2012.

100 tỷ đồng cho thí điểm hai tuyến

Theo Sở GTVT, TPHCM có gần 1.000km sông rạch trong đó tuyến đường thủy nội địa có tổng chiều dài 574,1km; tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia là 16 tuyến với chiều dài 252km và các tuyến hàng hải dài 146,8km.

Hệ thống sông rạch ở TPHCM có luồng lạch tự nhiên rất thuận lợi phát triển giao thông thủy. Cụ thể: Phía Đông có sông Sài Gòn chạy dọc chiều dài TPHCM rồi hợp lưu với sông Đồng Nai, Lòng Tàu nối TPHCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phía Tây TPHCM có trục kênh Tẻ - kênh Đôi đổ ra sông chợ Đệm, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc có sông Sài Gòn, kênh Thầy Cai, rạch Tra, kênh Xáng - An Hạ đổ ra sông Vàm Cỏ Đông ở phía Bắc và kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn ở phía Nam.

Có nhiều tiềm năng song đến nay, chức năng chủ yếu của sông rạch TPHCM là tiêu thoát nước và vận tải hàng hóa, khoảng trống mênh mông bị bỏ quên, trong khi các phương tiện đường bộ chen chúc để lưu thông.

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, hơn 10 năm trước, TPHCM đã thí điểm một tuyến buýt đường thủy lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) về bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhưng sau đó thất bại nên ngưng cho đến nay.

Theo các chuyên gia, nếu TPHCM thu hút được người dân chuyển sang sử dụng buýt sông thay phương tiện giao thông cá nhân đường bộ thì mỗi ngày sẽ tiết kiệm gần 1,5 triệu USD/do nạn kẹt xe gây ra. Để triển khai quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, TPHCM cần khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Cty TNHH Thường Nhật, cho biết đã đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận thí điểm xây dựng hai tuyến buýt đường sông, chiều dài khoảng 11km/tuyến, thời gian vận chuyển khoảng 30 phút/chuyến. Kinh phí thực hiện dự án là hơn 100 tỷ đồng.

Tuyến số 1 có lộ trình từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) với 8 bến lên xuống và hai bến đầu - cuối. Tuyến số 2 xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực gần cầu Lò Gốm (quận 8) trên đường Võ Văn Kiệt với 5 bến lên xuống và hai bến đầu cuối.

Dự kiến đến đầu năm 2012, khi hoàn thành việc nâng tĩnh không cầu Kênh Thanh Đa, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ được đưa vào hoạt động. Trong thời gian đầu, Cty Thường Nhật đầu tư 8 tàu loại 80 ghế (mỗi tuyến 4 tàu). Trong giờ thấp điểm, công ty đưa các tàu nhỏ hơn sẵn có vào phục vụ hành khách.

Hằng ngày, buýt đường sông hoạt động từ 7 đến 18 giờ với ba hình thức: Cắm cờ xanh sẽ đi qua tất cả các bến; cắm cờ vàng đi qua một nửa số bến và cắm cờ đỏ chỉ dừng ở hai đầu trạm để hành khách lựa chọn. Do chi phí vận hành phương tiện giao thông thủy cao hơn đường bộ nên giá vé buýt đường thủy cao hơn xe buýt. Theo tính toán, nếu được Nhà nước hỗ trợ, giá vé buýt đường sông sẽ dao động từ 10.000-15.000 đồng/lượt, gấp 2-3 lần xe buýt.

Nhiều đơn vị mua tàu, thuyền đưa đón công nhân

Vừa qua, Cty Cổ phần Tứ Hải cũng đã được UBND TPHCM chấp thuận cho nghiên cứu dự án đầu tư vận chuyển hành khách công cộng bằng buýt đường sông với tổng số vốn nghiên cứu là 5 tỷ đồng. Đại diện công ty này cho biết, sắp tới sẽ khảo sát các địa điểm và nhu cầu của hành khách và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các ban ngành trước khi lập dự án đầu tư chi tiết báo cáo UBND TPHCM phê duyệt.

Theo Phòng quản lý đường thủy Sở GTVT, TPHCM sẽ khảo sát 3 tuyến đường sông để triển khai loại hình buýt đường sông. Các tuyến được khảo sát gồm: tuyến bến Nhà Rồng - sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - cầu An Lộc (khu vực đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp); tuyến bến Nhà Rồng - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ ra ngã ba sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh); tuyến xuất phát từ bến Nhà Rồng - sông Sài Gòn - cảng Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi (khu vực cầu Chữ Y, quận 8)…

Theo ông Trần Thế Kỷ, tuyến buýt sông đầu tiên thất bại vì không có các điểm đón khách; tàu chạy từ đầu đến cuối tuyến nên ít người đi. Sắp tới, các tuyến buýt đường sông sẽ xây nhiều trạm đón khách cách nhau từ 500-700m, khả năng thành công rất cao bởi hiện nay một số chủ đầu tư cũng mua tàu, thuyền đưa rước công nhân trên các tuyến sông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.