Còn những yếu tố gây nguy hiểm

Cây xanh cụt ngọn, xe máy vô tư lưu thông Ảnh: Đức Nam
Cây xanh cụt ngọn, xe máy vô tư lưu thông Ảnh: Đức Nam
TP - Mặt đường gồ ghề, biển báo cắm bất hợp lý dễ gây nguy hiểm, trong khi phí thu cao... Đó là cảm nhận của nhiều tài xế khi đi thử đường cao tốc Cầu Giẽ (Hà Nội)-Ninh Bình vừa khai trương.

> Thông xe tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Cây xanh cụt ngọn, xe máy vô tư lưu thông Ảnh: Đức Nam
Cây xanh cụt ngọn, xe máy vô tư lưu thông. Ảnh: Đức Nam.

Rầm rộ quảng bá đây là tuyến đường cao tốc hiện đại của Việt Nam và ồn ào khai trương, nhưng 3 ngày sau, đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (được Tổng Cty Đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam-VEC khai thác tạm và thu phí với giá từ 30.000 đồng đến 140.000 đồng/xe/lượt) vẫn vắng lặng với nhiều hạng mục còn dang dở.

Nhiều người dân sau khi lưu thông thử một lần nhận xét: đường chưa xứng đồng tiền bỏ ra.

PV Tiền Phong đi khảo sát, ngay từ đầu đoạn đường, một đơn vị thi công đang hì hục xúc đất. Bên cạnh đó, 2 cán bộ thanh tra giao thông (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) đang hướng dẫn giao thông cùng 1 cán bộ của VEC.

Đường mới thông, nên thỉnh thoảng mới có vài ô tô đi lạc và dừng xuống hỏi, đa số xe máy lao như tên bắn. Nếu lưu thông từ hướng Hà Nội vào, khó ai nhận biết đó là tuyến đường cao tốc mới. Vì thế, nhiều người đi xe máy từ đường Pháp Vân-Cầu Giẽ lao vào vù vù.

Chỉ đến khi thanh tra giao thông tuýt còi và chỉ biển báo cấm (nằm sâu phía đường cao tốc mới) mới biết đường cấm xe máy, người đi bộ.

Chiều 16-11, một thanh tra giao thông (Đội 6-Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Đáng lý biển hướng dẫn phải cắm trước một đoạn để người tham gia giao thông biết, thay vì cắm sâu bên trong khiến không ít người đi vào rồi mới biết. “Chúng tôi đã kiến nghị chuyển biển báo cắm hợp lý hơn”, vị thanh tra giao thông cho biết.

Phó Tổng Giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi, nói: “Phải cắm biển báo như thế vì không thể cắm sang đất của đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (do đơn vị khác quản lý)”.

Theo nhiều lái xe, đường cao tốc khai thác tạm treo biển giới hạn tốc độ 80 km/h, nhưng thực tế, nếu ô tô con chạy với vận tốc đó rất nguy hiểm, vì mặt đường nhiều đoạn còn gồ ghề. Dải phân cách giữa đường có trồng hàng cây chống loá đèn pha, nhưng trơ trọi lá và chắc chắn không phát huy tác dụng.

Tại nhiều nơi, hàng rào cách ly đường với khu dân cư xây dựng dở dang. Theo nhiều lái xe, nếu lưu thông vào ban đêm trên đường này sẽ rất nguy hiểm vì ô tô bật đèn pha xa sẽ gây loá cho phương tiện đi ngược chiều. Thêm vào đó, mặt đường gồ ghề nên nếu chạy đúng tốc độ cho phép có nguy cơ mất lái... Tài xế sẽ phải cảnh giác vì người đi bộ có thể bất thần băng qua đường hoặc xe máy tạt ngang.

Lý giải việc này, ông Nhi nói: “Đoạn đường đang khai thác tạm. Các bạn đi hơi lắc lắc là do mặt đường chưa thảm xong (mới thảm các mặt cầu vượt và được khoảng 2km trong tổng số chiều dài-PV).

Do rào chắn người đi bộ chưa hoàn thiện, chúng tôi đã cử đội tuần tra. Hiện, chủ yếu mới nhắc nhở và làm việc với chính quyền địa phương để tuyên truyền”.

Một cây số mất 3 nghìn đồng

Hôm PV Tiền Phong đi khảo sát, suốt cả tuyến đường chỉ lác đác vài ô tô. Một tài xế đỗ xe vệ đường than thở: 20 km (lượt đi và lượt về, rẽ tại điểm nối quốc lộ 38) bị thu phí 2 lần với xe con là 60 nghìn đồng.

Tính ra, mỗi cây số, ô tô con phải chi đến 3.000 đồng, trong khi chất lượng đường kém. Đường cao tốc cấm xe máy, nhưng chiều từ Đại Xuyên đi Hà Nội, xe máy rào rào đua với ô tô.

Đại diện VEC cho biết, hiện chưa có biển cấm xe máy chiều về Hà Nội. Ngay tại trạm thu phí (giáp quốc lộ 38), công trường dưới cầu vượt ngổn ngang và bụi mù. “Thu phí cao vì chúng tôi phải đầu tư lớn. Đây là thu phí lượt.

Hơn nữa, người dân có sự lựa chọn đi đường khác với phí thấp hơn. Đi đường chất lượng cao, thông thoáng thì phải chấp nhận giá cao thôi”, ông Nhi nói. Ông Nhi giải thích cây xanh trơ trụi vì mới trồng, chưa có tán lá. Theo ông, tổng thu ngày đầu thu phí tuyến đường được khoảng 150 triệu đồng. Lưu lượng xe 2 chiều ngày 16-11 vào khoảng 500 xe (kỳ vọng phải bằng 50% lưu lượng quốc lộ 1).

Bộ trưởng GTVT không hài lòng

Ngay trong hôm khai trương thông xe kỹ thuật (13-11), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã thể hiện sự chưa hài lòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vì mặt đường nhiều đoạn còn gây xóc.

Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng yêu cầu tư vấn, giám sát, thi công đánh giá lại thiết kế, thi công của đoạn tuyến này nhằm rút kinh nghiệm. Bộ trưởng Thăng nói: “Khi hoàn thành, không thể chấp nhận tình trạng tương tự. Ngồi trên xe đi trên đường, tôi cảm thấy chưa hài lòng”.

Dự án đường cao tốc này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ từ 100 - 120km/h, giai đoạn 1 bề rộng mặt đường bốn làn xe, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, do VEC làm chủ đầu tư.


Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.