Lao động bị oan, cả xã liên lụy

Đặng Quốc Hồng về giỗ bố mới biết mình là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: H.Phan
Đặng Quốc Hồng về giỗ bố mới biết mình là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: H.Phan
TP - Nhiều lao động đang làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc tá hỏa, khi biết mình nằm trong danh sách thống kê lao động bất hợp pháp của Bộ LĐTB&XH. Có người đã về nước xin minh oan, để người dân trong xã được dự thi tiếng Hàn vào ngày 17-12 tới.

> Về nước đúng hạn sẽ được sang Hàn Quốc làm việc

Đặng Quốc Hồng về giỗ bố mới biết mình là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: H.Phan
Đặng Quốc Hồng về giỗ bố mới biết mình là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: H.Phan.
 

Về nước mới biết bị oan

Đặng Quốc Hồng là một trong sáu lao động có tên trong danh sách cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, do Bộ LĐ-TB&XH gửi về UBND xã Cẩm Nam (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Mới đây, Hồng về nước để làm giỗ bố mới té ngửa khi biết mình nằm trong danh sách đen lao động chui. Nhiều người trong xã gặp Hồng tỏ vẻ giận giữ vì cho rằng Hồng là nguyên nhân khiến con em họ không được tham dự kỳ tiếng Hàn vào ngày 17-12 tới.

Hồng cho biết, sang Hàn Quốc làm việc từ tháng 10-2008. Trong khi đó, Hồng đã được gia hạn hợp đồng đến 27-8-2013 và vẫn đang làm việc bình thường. “Tôi đang làm việc chứ có phải sống bất hợp pháp đâu. Tôi mong sớm được minh oan để không ảnh hưởng tới các lao động khác trong xã” - Hồng nói. Để chứng minh, Hồng cho chúng tôi xem chứng minh thư dành cho lao động nước ngoài, do phía Hàn Quốc cấp. Trong đó ghi rất rõ thời hạn cư trú của Hồng là đến ngày 27-8-2013.

Không chỉ có Hồng, Đặng Quốc Thành cũng bức xúc vì bị cho là đang cư trú bất hợp pháp. Ông Đặng Quốc Sơn, bố Thành cho biết, Thành sang Hàn Quốc làm việc cùng đợt với Hồng và đã được gia hạn hợp đồng đến năm 2013. Không hiểu phía đối tác Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH căn cứ vào đâu để khẳng định là Thành đang cư trú bất hợp pháp.

Qua điện thoại từ Hàn Quốc, Thành cho biết: “Tôi mới biết thông tin vài ngày nay. Nếu Bộ LTB&XH không sớm minh oan, rất có thể, tôi sẽ phải xin nghỉ phép để về nước minh oan” - Thành nói.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam nói, từ khi nhận được thông báo về việc con em xã Cẩm Nam không được thi tiếng Hàn, do có 6 lao động của xã sang Hàn Quốc làm việc, sau đó bỏ trốn ra ngoài, xã cho người đi xác minh, mới biết danh sách lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ Bộ LĐ-TB&XH gửi cho xã là không chính xác. Khi biết việc này, cả chính quyền và người dân xã Cẩm Nam hết sức bất bình.

Còn theo ông Trần Hữu Trụ - Trưởng công an xã Cẩm Nam, ngoài những lao động bị oan, trong danh sách sáu người mà Bộ LĐ-TB&XH gửi về, có hai lao động không có hộ khẩu thường trú tại Cẩm Nam. Đó là lao động Trần Hữu Khuyên (thường trú tại Nghệ An) và lao động Nguyễn Đình Bình (thường trú tại Đắk Lắk).

Ông Trụ cho rằng, rất có thể danh sách trên bị nhầm lẫn vì lao động Khuyên và Bình vốn sinh ra ở Cẩm Nam nhưng đã thoát ly đi làm kinh tế và đã nhập hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác từ rất lâu.

Làm sai chỉ đạo

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, làm việc gì sở cũng phải căn cứ vào chỉ đạo của bộ. Một cán bộ Phòng lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết, căn cứ văn bản số 3817 của Bộ LĐTB&XH, về việc tổ chức cho người lao động đăng ký thi tiếng Hàn, khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phòng vẫn tiếp nhận hồ sơ của lao động ở ba xã Cương Gián (Nghi Xuân), Cẩm Nam (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (Kỳ Anh).

Tuy nhiên, một cán bộ giám sát tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) bắt phải loại hồ sơ lao động của ba xã này. “Họ khẳng định với chúng tôi là đã có đề án chống trốn quy định cấm cho lao động từ các xã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn, nhưng đến nay, Phòng vẫn chưa biết đến đề án đó”- cán bộ này nói.

Theo đại diện Cục quản lý lao động Ngoài nước, văn bản 3817, chỉ mang tính chất khuyến nghị các địa phương chứ không hề cấm việc tiếp nhận hồ sơ của ba xã trên của Hà Tĩnh.

Ông Trần Hữu Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam, cho biết: “Lãnh đạo xã sẽ sớm có công văn gửi lên chính quyền huyện, tỉnh cũng như Bộ LĐ-TB&XH để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng trăm con em địa phương”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Mạnh Hùng -Trưởng phòng nghiệp vụ (Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, danh sách các lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà Bộ LĐ-TB&XH gửi về các tỉnh, thành phố là do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) cung cấp.

Trung tâm sẽ cho cán bộ kiểm tra, xác minh, nếu đúng là lao động bị oan sẽ thông báo với phía HRD để bảo vệ quyền lợi cho lao động.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.