Hà Nội giữ nguyên phí trông giữ xe máy

Hà Nội giữ nguyên phí trông giữ xe máy
TP - Cuối chiều qua, các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết không thông qua tờ trình tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, nhưng đồng ý tăng kịch trần phí trước bạ, đổi biển và phí trông giữ đối với ôtô.

> Chuyện không của riêng ai
> Hạ tầng quá tải, giải pháp nửa vời
> TP Hồ Chí Minh: “Nóng” ùn tắc, ngập nước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tờ trình về việc tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, UBND TP cho hay, đề xuất tăng giá trông giữ xe lần này ngoài mục đích khuyến khích doanh nghiệp xây dựng bãi đỗ còn nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.

Xung quanh đề xuất tăng kịch trần phí trước bạ và phí đổi biển ô tô, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại sẽ gây nên nhiều hệ luỵ. Một số đại biểu cho rằng do chênh lệch mức thu trước bạ khá cao giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, sẽ dẫn đến đua nhau chuyển xe đăng ký biển số ngoại tỉnh.

“Cùng một chiếc ô tô trị giá 1 tỷ đồng nếu đăng ký ở Hà Nội sẽ phải trả thêm 100 triệu đồng so với đăng ký ngoại tỉnh. Tương tự, xe máy có giá từ 40 triệu đồng trở lên cũng có mức chênh khá cao”-một đại biểu so sánh.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói, khi Hà Nội tạm dừng đăng ký xe máy trước đây đã xảy ra tình trạng né quy định, nên việc chuyển sang đăng ký biển số ngoại tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương là hoàn toàn có thể. “Thứ hai, nếu lệ phí đăng ký chênh lệch quá cao so với các tỉnh rất dễ dẫn đến việc người mua ô tô đăng ký biển kiểm sát ngoại tỉnh. Theo tôi giải pháp cơ bản nhất của việc giảm ùn tắc giao thông là vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch như việc không xây dựng nhà cao tầng, giãn dân ra ngoại thành, tăng quỹ đất dành cho giao thông”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Sở GTVT), thì cho rằng biện pháp tăng kịch trần phí trước bạ, phí đổi biển, phí trông giữ đối với ô tô là cần thiết nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Trước nhiều ý kiến không đồng tình với hai phương án tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy do UBND TP đề xuất, HĐND TP đã biểu quyết và kết quả là không thông qua việc tăng phí đối với hai loại phương tiện này. Các đại biểu đồng ý thông qua việc tăng kịch trần phí trước bạ, đổi biển và phí trông giữ ôtô.

HĐND TP Hà Nội cho biết, phiên chất vấn sẽ diễn ra sáng nay, tập trung hai nhóm vấn đề chính là giao thông và an sinh xã hội.

Đua xe, rải đinh, ô nhiễm…đều nhức nhối

Ngày 8-12, kỳ họp HĐND TPHCM “nóng bỏng” với phiên chất vấn. Theo đại diện Ban quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp (Hepza), người dân tại KCN Lê Minh Xuân (Bình Chánh) còn bức xúc về ô nhiễm trên kênh rạch, còn người dân ở KCN Vĩnh Lộc B (Bình Tân) bức xúc về xả thải của công ty Hưng Thái.

Cả hai KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng có DN chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải khi có mặt đoàn kiểm tra. Đại diện Hepza thừa nhận có một số DN có hệ thống xử lý song vẫn lén lút xả thải ra môi trường.

Đại biểu Phạm Văn Bá thắc mắc: C49 (Bộ Công an) kiểm tra phát hiện công ty dệt Thái Tuấn xả thải trái phép. Công ty này thuộc diện di dời, bao giờ thì chấp hành? Đại biểu Thái Tuấn Chí, Tổng Giám đốc Thái Tuấn phân bua và xem đây là khuyết điểm của DN, nhận trách nhiệm trước các đại biểu.

Đại biểu Cao Thanh Bình chất vấn: “Cử tri rất bức xúc với nạn rải đinh. Vì sao công an không bắt được “đinh tặc”, phải nhờ các “hiệp sỹ đường phố” ra tay? Bắt quả tang rồi thả không xét xử có khiến “đinh tặc” ngày càng lộng hành?”.

Vì sao Bình Dương xử được còn TPHCM thì không? Trả lời chất vấn của một số đại biểu, đại tá Phan Anh Minh, PGĐ CA TPHCM trần tình: “Xử lý đối tượng rải đinh chỉ vận dụng một trong hai tội danh. Nếu là “cản trở giao thông” thì phải gây hậu quả nghiêm trọng như gây tai nạn, làm nạn nhân chết hoặc tổn hại trên 30% sức khỏe. Còn “hủy hoại tài sản” thì thiệt hại phải từ 2 triệu đồng”.

Theo đại tá Phan Anh Minh, CA rất vất vả với nạn tụ tập đua xe vì việc xử lý đối tượng không đủ sức răn đe. Không chỉ CSGT, cả CSHS, CSCĐ, lực lượng đặc nhiệm,…đều phải tung quân chống đua xe.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh hỏi: “Xử lý chưa nghiêm là do cán bộ, chiến sỹ hay do các quy định về chế tài?”. Ông Minh nói: “Xử không nghiêm do các quy định không còn phù hợp. Vừa qua, CA đề nghị đưa 3 vụ đua xe ra xét xử. Vụ ở quận 7, Viện KSND từ chối phê chuẩn. Hiện nay, lực lượng CA đang tạm giữ rất nhiều phương tiện vi phạm nhưng không được phép tịch thu. Vì vậy, các bãi xe đều quá tải, có xe bị giam nhiều tháng chưa có người đến nhận”.

Hôm nay, kỳ họp sẽ bế mạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG