EVN: Đầu tư lớn, lỗ dài, lương ‘khủng’

EVN: Đầu tư lớn, lỗ dài, lương ‘khủng’
TPO - Kết quả báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, dù kinh doanh không tốt nhưng mức thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng.

> Ngày mai, giá điện tăng
> Sếp EVN đau lòng vì nhân viên lương 7,3 triệu 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đầu tư lớn, lỗ dài

Cũng theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, dù tổng số tiền đầu tư mỗi năm của EVN rất lớn nhưng hiệu quả thu lại không xứng tầm. Điển hình, tại thời điểm 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ là 49.996 tỷ đồng (không bao gồm đầu tư cho vay lại 54.717 tỷ đồng). Đầu tư vào công ty con là 44.619 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 5.176 tỷ đồng, và đầu tư dài hạn khác là 201 tỷ đồng.

Dù đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận/giá trị đầu tư rất thấp. EVN vung tiền đầu tư tới 49.996,5 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được chỉ là 541,5 tỷ đồng. Tính ra tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ ở mức 1,08 %.

Ngay trong lĩnh vực có nhiều thuận lợi nhất là sản xuất kinh doanh điện, lợi nhuận được chia là 366,5 tỷ đồng và tỷ lệ trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ đạt 0,81% so với giá trị đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh điện (45.065,9 tỷ đồng).

Mặc dù rót tới hơn 2.108,8 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính nhưng nguồn lợi nhuận thu được rất khiêm tốn, chỉ 164 tỷ đồng.

* Kết quả kiểm toán cho thấy, sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2010 lỗ 10.541 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế năm 2009 là 3.491 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính của việc lỗ nặng là do năm 2010 các nhà máy thủy điện thiếu nước nên EVN phải huy động chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán bình quân. Ngoài ra, một số nhà máy xây dựng vận hành chậm tiến độ, phải dùng nhiệt điện dầu có giá thành cao cũng là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.

* Theo Kiểm toán Nhà nước, hiện tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới nên giá thành điện có thể giảm nếu EVN có biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.

Điểm xấu nhất trong bức tranh tài chính của EVN là tình hình đầu tư vốn của Công ty mẹ vào lĩnh vực viễn thông với những khoản lỗ trầm trọng nhất.

Vốn đầu tư của Công ty mẹ vào EVNTelecom, đến 31-12-2010, là 2.442 tỷ đồng (chưa tính đến vốn đầu tư của EVN vào lĩnh vực viễn thông tại các Tổng công ty điện lực). Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 của EVN Telecom là 2.120,6 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2009.

Kết quả kinh doanh trong ba năm gần đây có chiều hướng đi xuống. Doanh thu năm 2008/2009/2010 lần lượt là 3.705,6 tỷ/3.004,4 tỷ/2.120,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2008, 2009, 2010 là 93,8 tỷ/ 8,3 tỷ và âm 1.057,7 tỷ đồng.

Lương “khủng”

Dù hiệu quả kinh doanh không tốt, nhưng mức thu nhập của cán bộ ngành điện vẫn ở mức rất cao. So với mức thu nhập bình quân 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ công nhân viên ngành điện được Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh công bố mới đây, thì thu nhập này vẫn rất thấp so với thu nhập thực được Kiểm toán nhà nước thống kê.

Theo đó, thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân khối phân phối điện 7,9 triệu đồng/người/tháng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc Công ty mẹ Tập đoàn còn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị.

Điển hình thu nhập bình quân toàn Công ty mẹ bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân cơ quan văn phòng (Công ty mẹ) cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung Công ty mẹ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG