Những bất cập khi đi hội chùa Hương

Những bất cập khi đi hội chùa Hương
TPO – Hành hương về chùa Hương bái Phật du xuân dịp đầu năm cầu bình an, tài lộc… nhưng các du khách thập phương chẳng thể thư thả nơi đất Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) khi còn những nét “xù xì”

> Hàng ngàn người trẩy hội chùa Hương 

Thịt thú vẫn treo giăng giăng bên dọc đường hành hương bái Phật du xuân
Thịt thú vẫn treo giăng giăng bên dọc đường hành hương bái Phật du xuân.

Mặc dù công tác tổ chức lễ hội chùa Hương không ngừng được cải thiện nâng cao, nhất là năm nay tiêu chí hướng tới là an toàn văn minh, nhưng vẫn còn những “sạn” ảnh hưởng đến không gian linh thiêng nơi đất Phật.

Dọc bên bờ, bến đỗ của suối Yến cho đến gần chùa, nhiều cửa hàng ăn uống vẫn trưng đủ ba bốn loại thịt thú tươi sống như hươu, nai, nhím, cầy hương… Có con còn nguyên lông, nguyên thịt, có con bị cắt thịt nham nhở, dưới đất còn cả vết máu…

Nhưng khác với những năm trước đây, phần lớn các hàng quán đều không còn “chém” là thịt rừng nữa. Một chủ hàng cho biết, tất cả đều phần lớn là thú nuôi. Nhưng giá những loại thịt này vẫn không “bèo” tí nào. Thịt hươu, nai dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg; thịt nhím từ 300.000 – 500.000 đồng/kg…

Một con nhím còn sống trên nền đất loang lổ vết máu nhỏ xuống từ những tảng thịt treo phía trên
Một con nhím còn sống trên nền đất loang lổ vết máu nhỏ xuống từ những tảng thịt treo phía trên.

Không chỉ có các món nhậu, các cửa hàng còn phục vụ những đồ ăn nhanh như bún, phở, mì tôm… So với chất lượng, giá của những đồ ăn này khá “trời ơi”. Một bát phở gần như “không người lái” cũng như bát mì tôm vài miếng thịt bò, không rau, giá 40.000 đồng/ bát. Trứng gà, trứng vịt 8.000 đồng/quả…

Không kém phần mất mỹ quan nơi cảnh chùa là sự xuất hiện tràn ngập những đồ chơi bạo lực. Nhiều cây súng loại lớn bắn đạn nhựa của Trung Quốc đủ mẫu mã, kích cỡ bày trên giá hàng. Giá dao động từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/khẩu. Điều đáng ngại là loại đồ chơi này thu hút nhiều em nhỏ và bạn trẻ chơi đùa bắn nhau.

Đồ chơi bạo lực có trên các sạp hàng lưu niệm
Đồ chơi bạo lực có trên các sạp hàng lưu niệm.

Bắt chẹt du khách

Lượng du khách đổ về trẩy hội chùa Hương tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ “hái ra tiền”. Tấp nập không kém cửa hàng ăn uống là các điểm trông giữ xe. Để gửi một chiếc xe máy qua đêm, du khách chấp nhận chi từ 15.000 – 25.000 đồng. Mặc dù biết các chủ điểm trông giữ xe “xé rào” nhưng du khách vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để yên tâm xuôi dòng suối Yến lên chùa bái Phật du xuân.

Chưa thể đủ khi chưa quy định giá trông giữ xe trong khu vực lễ hội
Chưa thể đủ khi chưa quy định giá trông giữ xe trong khu vực lễ hội.

Các nhà nghỉ, phòng trọ gần khu vực lễ hội cũng “cháy phòng”. Một nhân viên của nhà khách Công Đoàn cho biết, đến ngày khai hội không còn phòng trống. Nhiều phòng, khách đã gọi điện đặt từ trước.

Chính mức độ “khan” điểm nghỉ này mà không ít phòng trọ, nhà nghỉ khá mạnh tay về giá. Tùy chất lượng và từng nhà mà giá phòng nghỉ dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/đêm. Nhiều hộ dân cũng tranh thủ mùa lễ hội thu vén cho khách trọ qua đêm với giá “mềm" hơn từ 50.000 – 150.000 đồng/đêm.

Cùng với nhu cầu đi lại của du khách thập phương về lễ hội chùa Hương, dịch vụ taxi, xe ôm cũng tận dụng để chèn ép “móc túi”. Giá xe ôm cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Không chỉ những tài xế taxi “dù” mà ngay lái xe của hãng taxi lớn cũng "nước đục thả câu”. Đoàn bảy người của chị Giang (Láng Hạ, Hà Nội) không khỏi bức xúc khi gọi một chiếc xe taxi chính hãng, chở từ chùa Hương – về Hà Nội, tài xế hét "giá trên trời": 1,2 triệu (trong khi cùng đoạn đường như trên và cùng hãng, nhóm Giang đi trước đó giá có 780.000 đồng).

Theo Viết
MỚI - NÓNG