Hội chứng 'tước đoạt để bù đắp'

Cán bộ công chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cán bộ công chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Lương không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại cao, ngân sách chi lương lớn do đội ngũ tăng, dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ như nhũng nhiễu, tiêu cực, can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để đòi chia sẻ lợi ích.

> Lương vướng bộ máy
> Trọng chức vụ hay chuyên môn?

Cán bộ công chức. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cán bộ công chức. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lương không đủ sống

Một cử nhân tốt nghiệp đại học làm công chức tại cơ quan nhà nước được hệ số lương khởi điểm 2,34, nhân với tiền lương tối thiểu 830 nghìn đồng thì tương đương gần 2 triệu đồng, cộng thêm 10% phụ cấp công vụ, tương đương 200 nghìn đồng/tháng. Nếu là công chức làm việc ở các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện được thêm phụ cấp 30%.

Chị Nguyễn Thanh Nga, cán bộ văn phòng một Quận ủy tại Hà Nội cho biết, hiện nay tổng tiền lương nhận được hằng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng gồm: Tiền lương cơ bản 2 triệu đồng, phụ cấp công vụ và phụ cấp cơ quan Đảng 40% là 800 nghìn đồng; tiền ăn trưa 400 nghìn đồng. Chồng chị Nga cũng là cán bộ một sở tại Hà Nội với thu nhập hơn 4 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập của gia đình chỉ hơn 7 triệu đồng.

Trong khi đó, chi tiêu trung bình gia đình trẻ 3 người của chị Nga là 150.000 đồng/ngày tiền thực phẩm, mắm, muối, dầu ăn…; tiền điện, nước, gas, điện thoại 1 triệu đồng; tiền học 1 đứa con 1 triệu đồng. Tổng cộng mất 6,5 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ lo bữa ăn hằng ngày, không còn bất cứ tích lũy nào để mua sắm vật dụng gia đình, cải thiện cuộc sống.

Mặc dù vậy, chị Nga cho biết gia đình mình vẫn còn may mắn vì không phải lo tiền thuê nhà. Nếu phải thuê nhà, gửi xe, thuê người giúp việc thì số tiền một gia đình trẻ bỏ ra hằng tháng không dưới 10 triệu đồng. Rõ ràng, với tiền lương hiện nay, người CBCC không đủ sống nếu không xoay xở kiếm thêm ngoài lương.

Không chỉ cán bộ trẻ, nếu sống dựa hoàn toàn vào lương thì đến chuyên gia cao cấp, bộ trưởng cũng khó khăn. Một chuyên gia cao cấp không giữ chức danh lãnh đạo cũng chỉ được hệ số lương từ 8,8 đến 10, tương đương từ 7,3 - 8,3 triệu đồng/tháng. Đối với bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ hệ số lương từ 9,7 đến 10,3 cũng chỉ tương đương 8 - 8,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, các bộ trưởng sống tại thành phố cũng không dư dả gì.

“Tước đoạt để bù đắp lương”

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực. Hệ quả là, các giá trị xã hội của người công chức giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng.

Người công chức phải tuân thủ nguyên tắc trong nhà nước pháp quyền, chỉ được làm những điều pháp luật quy định. Nhưng thời gian qua vẫn sinh ra nhiều cản trở, phiền hà, nhũng nhiễu, làm cho uy tín của nền công vụ trong nhân dân bị giảm sút. Không đủ sống từ lương nên công chức phải “chân trong, chân ngoài”. Nguy hại hơn là một bộ phận công chức lợi dụng vị trí, quan hệ công tác để làm việc bên ngoài, thu lợi cá nhân.

TS Phúc đặt câu hỏi: “Tại sao lương như vậy mà một bộ phận công chức vẫn có xe hơi, nhà lầu, con đi học nước ngoài? Họ lấy tiền ở đâu?”. Rõ ràng có tình trạng bất chấp quy định để làm giàu cá nhân. Điều này khiến chính sách bị méo mó, đạo đức công vụ bị suy giảm.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Đoàn Cường khẳng định, tiền lương của CBCC do ngân sách nhà nước bảo đảm nhưng phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của khu vực thị trường.

TS Nguyễn Hữu Dũng đồng nhận định và cho rằng, nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ như tiêu cực, tham nhũng, can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để “đòi chia sẻ lợi ích”, làm lũng đoạn, méo mó thị trường.

Một nhóm CBCC có trình độ khác, không chấp nhận hoặc không thể nhũng nhiễu thì chuyển sang khu vực thị trường, nơi có tiền lương và thu nhập cao hơn. Điều này làm tăng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lương 10.790.000 đồng/tháng

Lần cải cách tiền lương gần đây nhất là năm 2003 và các hệ số lương vẫn được giữ nguyên từ đó đến nay. Hàng năm chỉ thay đổi tiền lương tối thiểu.

Theo quyết định 128 của Ban chấp hành T.Ư ban hành năm 2004 về chế độ tiền lương đối với CBCC, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, thì hệ số lương của Tổng Bí thư là 13 (tương đương 10.790.000 đồng), của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là 12, Ủy viên Bộ Chính trị từ 11,1 đến 11,7; Chủ tịch MTTQ từ 11,1 đến 11,7; Bí thư T.Ư Đảng từ 10,4 đến 11; Trưởng đoàn thể trung ương từ 9,7 đến 10,3…

Theo Nghị quyết 730 ban hành năm 2004 của Ủy ban Thường vụ QH, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13; Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là 12,5 (tương đương 10.375.000 đồng/tháng); Phó Chủ tịch nước có hệ số lương từ 11,1 đến 11,7; Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao hưởng hệ số từ 10,4 đến 11.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".