Tai nạn tăng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh cùng bị 'trảm'?

Tàu đâm ôtô ở Đông Anh hôm 3-2. Ảnh: Minh Tuấn
Tàu đâm ôtô ở Đông Anh hôm 3-2. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Cuộc họp đầu năm với báo chí (tối 6-2) của Bộ GTVT nóng với chuyện “trảm” bộ trưởng, tai nạn đường sắt thảm khốc, đổi giờ và chuyển phương tiện giảm tải Quốc lộ 1A sang đường Hồ Chí Minh...

> Một ngày, 3 vụ tai nạn đường sắt

Tàu đâm ôtô ở Đông Anh hôm 3-2. Ảnh: Minh Tuấn
Tàu đâm ôtô ở Đông Anh hôm 3-2. Ảnh: Minh Tuấn.
 

PV hỏi: Sao Bộ trưởng dám đề xuất cách chức chủ tịch tỉnh để 3 năm liên tiếp tăng số vụ TNGT và người chết? Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nói: “Bộ trưởng nói nguyên văn nếu TNGT tăng 3 năm liên tiếp, bộ trưởng và trưởng các ban ATGT địa phương (chủ tịch hoặc phó chủ tịch tỉnh) cùng chịu trách nhiệm”. Và trách nhiệm này có thể bị kỷ luật tuỳ mức nhẹ, nặng khác nhau; cao nhất là cách chức.

Thực tế, từ năm 2003, Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về ATGT trên địa bàn quản lý. “Bộ GTVT không đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương. Bộ trưởng đề xuất những ý kiến như vậy để cùng chịu trách nhiệm với các địa phương. Đó là sự thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Bộ GTVT trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia”, Thứ trưởng Hùng nói.

Về việc liên tục xẩy ra các vụ TNGT đường sắt thảm thương sau Tết, đại diện Tổng Cty Đường sắt trả lời khá dài, nhưng tựu trung vẫn chưa biết ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý đường ngang trái phép. Trong khi đó, hạ tầng và phương tiện do Tổng Cty Vận tải Đường sắt quản lý.

Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt VN Nguyễn Đạt Tường cho biết, ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và kiềm chế tai nạn do mật độ đường ngang dân sinh dày đặc, ý thức người tham gia giao thông kém. Thứ trưởng Hùng nói: “Vụ chú rể (và mẹ, bác ruột) bị tàu hoả hất văng chết, là vì các thanh niên vội vàng dừng ven đường đi vệ sinh dẫn tới thảm cảnh ấy”.

Liên quan giải pháp đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đánh giá bước đầu giảm ùn tắc, nhưng cũng gây ra một số khó khăn cho người dân. Ông cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với Hà Nội để có những điều chỉnh hợp lý.

Về việc phân luồng chuyển 30% lượng ô tô khách từ Quốc lộ 1A sang đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội-Vinh (thực hiện từ ngày 1-2), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện với những xe chạy tuyến dài trên 1.000 km. Bởi vì, đây là chủ trương từ nhiều năm của ngành.

Hiện có một số doanh nghiệp vận tải khách đường dài phản đối vì nếu đi trên đường Hồ Chí Minh sẽ không bắt được khách dọc đường (quy định xe khách chỉ đón, trả khách tại 2 đầu bến hoặc trạm dừng chân) và không có dịch vụ sửa chữa nếu xe hư hỏng.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN đã khảo sát tính toán rằng nếu lưu thông đường Hồ Chí Minh sẽ giảm chi phí vì không mất tiền qua trạm thu phí, lưu lượng giao thông giảm (dù đoạn đường dài hơn 60km)...

Thứ trưởng Đông cũng cho biết vào ngày 20-2 tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ chạy thử chương trình cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới (hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế) tại Bắc Ninh và Đà Nẵng. Sau 1 tháng thí điểm, từ tháng 3 sẽ triển khai trên toàn quốc.

Bằng lái theo mẫu mới sẽ được làm bằng vật liệu có độ bền cơ học cao, chống ẩm, mốc, có hoa văn và sử dụng công nghệ bảo mật hiện đại; dùng song ngữ Anh-Việt...không thể làm giả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG