Trẻ con không được…

Trẻ con không được…
TP - Khúc chiến ca của mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother) - cuốn hồi ký chân thực một cách tàn nhẫn về giáo dục con cái của Amy Chua - một phụ nữ Mỹ gốc Á vừa xuất hiện đầu năm nay, đang khiến các bậc làm cha mẹ trên thế giới sôi sục.

> “Khúc chiến ca của mẹ hổ” sắp ra mắt

Hai cô con gái của bà mẹ tuổi Nhâm Dần ấy (nay đã 18 và 14 tuổi), cuối cùng cũng thành những thần đồng về âm nhạc và học tập sau chuỗi tuổi thơ khổ sai không thể hà khắc hơn bởi những luật lệ và hình phạt sắt đá từ người mẹ. Không được xem tivi, không chơi game; không được tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường;

không được có điểm dưới A và phải đứng đầu các môn, chỉ trừ hai môn thể dục và đóng kịch; không được chơi nhạc cụ nào khác ngoài piano và violin … Hai cô con gái bị buộc luyện hai loại nhạc cụ này như những cỗ máy, bất kể ốm đau mệt mỏi hay ngày nghỉ ngày lễ. Xin nói thêm, Amy Chua hiện là giáo sư luật Đại học Yale (Mỹ), và vừa được tạp chí Time chọn vào top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2011.

Một cậu học sinh lớp 2 ở miền Trung không chịu chép bài, bị cô giáo dùng thước đánh vào tay. Được cô giáo mời đến lớp trao đổi về chuyện học của con, thấy tay con mình bầm tím, vị phụ huynh liền lớn tiếng rồi xông vào… tát cô giáo ngay trước mắt mấy chục học trò.

Cả hai bên đều đã sai, và đang được xử lý. Thế nhưng một vị giáo sư, chủ một ngôi trường phổ thông dân lập có tiếng ở Hà Nội bỗng đưa ra bình luận trên báo chí. Rằng nếu sự việc phụ huynh tát giáo viên xảy ra ở trường ông, ông sẽ… đuổi luôn em học sinh đó !

Trên website của mình, Amy Chua thừa nhận: “Nếu có một nút bấm phép thuật để lựa chọn giữa hạnh phúc hoặc sự thành công cho các con tôi, tôi sẽ chọn ngay hạnh phúc”. Cuộc cạnh tranh khốc liệt để vươn lên bằng mọi giá của những người nhập cư nghèo khổ trên đất Mỹ có thể lý giải cho đường lối giáo dục cực đoan duy ý chí của những người mẹ gốc Á như Chua. Nhưng sự cực đoan trong suy nghĩ và phát ngôn của một nhà giáo dục khi đòi đuổi học em bé 8 tuổi thì thật không hiểu nổi.

Tâm lý xem thường quyền cũng như ý thức, suy nghĩ và tâm tư tình cảm của con trẻ, ở một khía cạnh nào đó kiểu như “trẻ con không được ăn thịt chó” vẫn tồn tại ngay trong môi trường giáo dục. Học trò, con trẻ chỉ là đối tượng để người lớn áp đặt, ra mệnh lệnh và trừng phạt.

Ngày khai trường nay đã không còn tạo cảm xúc thiêng liêng cho tuổi học trò, bởi chỉ còn là buổi lễ khai giảng mang tính hành chính tổ chức sau mấy tuần học với những dòng khẩu hiệu và những lời phát biểu, báo cáo thành tích quen thuộc.

Nhà vệ sinh trong các trường học phần lớn bê bết nhớp nhúa ít được đoái hoài, vì có lẽ ai đó cho rằng đó chỉ là chuyện … trẻ con ! Những chiếc cặp đầy sách vở nặng hàng chục cân đè nặng trên lưng trẻ con, vẫn là chuyện bình thường?! …

Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con/ Muốn trẻ con được tắm/ Sông bắt đầu làm sông/ Khi trẻ con tập đi/ Đường có từ ngày đó …”. Mong thật nhiều những khúc ca dịu dàng thế này như của nhà thơ Xuân Quỳnh đặt trẻ con cao hơn trái đất. Chứ không phải những khúc chiến ca…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).