Vòng luẩn quẩn

Vòng luẩn quẩn
TP - Đã thành thông lệ, mỗi năm ngành y tế lại phát động một tháng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tháng ấy, sẽ có những đợt ra quân, thanh tra, kiểm tra, sẽ có lập biên bản, thu giữ tang vật… Việc “ra quân” là rất cần thiết, vì vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn là một trong những chủ đề gây bức xúc cho người dân nhiều năm nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 5.000 người phải nhập viện liên quan đến ngộ độc thực phẩm, hơn 50 trường hợp tử vong. Riêng năm 2010, trong 368.000 cơ sở sản xuất thực phẩm được thanh tra thì có gần 150.000 cơ sở vi phạm. Nhưng những tác hại của thực phẩm bẩn chắc chắn còn ảnh hưởng lâu dài và không dừng lại ở những con số nói trên.

Tại lễ phát động Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức tại Bình Dương sáng 9-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi mà còn tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, thương mại, du lịch, an ninh an toàn xã hội và uy tín quốc gia.

Và rồi cũng như mọi năm, trong tháng cao điểm đã có nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm bị phát hiện làm ăn gian dối, bị đình chỉ hoạt động. Nơi này, nơi kia thanh tra đột xuất, tìm thấy thực phẩm bẩn. Các đơn vị, cơ quan chức năng và người dân đều tỏ rõ sự sốt ruột đối với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong những ngày ra quân của các đơn vị chức năng, những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm đi. Nhưng người tiêu dùng chắc một điều, sau tháng “cao điểm”, tình trạng làm ăn ẩu tả, bất chấp sức khỏe, tính mạng của cộng đồng sẽ trở lại, vì đây không phải lần đầu chúng ta phát động Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn thế, những việc xã hội đang làm là đúng, nhưng chắc chắn chưa đủ và ở một góc độ nào đó, mới chỉ giải quyết phần ngọn.

“Ăn uống sạch, ngon thì ai chả muốn”, chị Liên, một công nhân ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TPHCM) nói. Nhưng lương tháng của vợ chồng chị được 4 triệu đồng, một gia đình công nhân sao dám vào siêu thị để mua ký thịt heo với giá hơn trăm ngàn. Mua ngoài chợ cóc chỉ 60-70 ngàn/ký, dù “biết có thể không đảm bảo nguồn gốc như siêu thị thì vẫn phải mua, phải ăn”. Đó là tâm sự rất thật của những công nhân nghèo.

Trong khi ấy, hệ thống siêu thị đâu phải đã đủ sức vươn xa tới những khu công nghiệp, nơi tập trung đông đảo lao động thu nhập thấp. Hàng hóa trong siêu thị cũng chưa thể phong phú và có giá chấp nhận được đối với đa số người tiêu dùng.

Đơn cử, ngành chăn nuôi, đánh bắt thủy sản thời gian qua đang vật lộn với việc tăng giá thức ăn, dịch bệnh cùng những tầng nấc trung gian trong phân phối sản phẩm. Chuồng trại đình đốn, tàu cá nằm bờ trong khi giá thịt, giá cá tại các chợ tăng vùn vụt. Đó là điều kiện thuận lợi để thực phẩm bẩn trôi nổi, nhập lậu được “tút tát”, tẩm ướp rồi tới tay người tiêu dùng nghèo với giá rẻ. Lại một vòng luẩn quẩn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG