Chờ... bao cấp

Chờ... bao cấp
TP - Lúa gạo ở ĐBSCL đang được giá, nông dân phấn khởi, nhưng những người kinh doanh lại tiếng bấc tiếng chì. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kêu rằng đang có tình trạng “đầu cơ gạo quá lớn”.

> Đầu cơ gạo quá lớn

Theo ông, nhiều người trong nghề lẫn ngoài nghề kinh doanh lúa gạo “mua về để đó”, số lượng bao nhiêu thì ông “không dự báo được” chỉ đoán là “lớn”. Qua đây, càng thấy rõ hơn những yếu kém trong kinh doanh lúa gạo ở nước ta xoay quanh hệ thống kho trữ.

Trăm năm trước, kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL khi xuất khẩu ra thế giới đã có những “chành lúa” khổng lồ. Thời toàn cầu hóa, kho trữ càng không thể thiếu để chủ động nguồn hàng, đảm bảo cung cấp ổn định.

Tồn trữ đúng cách còn tăng giá trị hàng hóa, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, nếu phơi sấy và lưu trữ tốt, một năm xuất khẩu gạo có thể tăng thêm 200 triệu USD. Lượng tiền ấy đủ xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo hiện đại.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành NN&PTNT năm 2009, Thủ tướng đã chỉ đạo, trong hai năm 2009 và 2010, VFA phải xây dựng kho dự trữ lúa gạo từ 2 triệu lên 4 triệu tấn. Trong đó, lớn nhất là Tổng Cty Lương thực Miền Nam do ông Trương Thanh Phong làm TGĐ, được giao xây dựng hệ thống kho trữ một triệu tấn nhưng đến nay, mới được 300.000 tấn.

Vướng mắc chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng, do công tác đền bù, tái định cư rất chậm. Các doanh nghiệp xây kho cho rằng “chủ trương của Chính phủ nên các địa phương có trách nhiệm giải phóng mặt bằng”. Chính quyền các địa phương “luôn luôn ủng hộ”. Nhưng người dân có đất thì không chịu di dời vì áp giá bồi hoàn không thỏa đáng. Người dân nói “kinh doanh thì phải mua đất giá thỏa thuận”.

Lại nhiều dự án có đất rồi vẫn chưa có kho, vì nhà đầu tư thiếu vốn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân vốn xây kho trữ lúa với lãi suất ưu đãi một năm chỉ 11%. Năm nay, vốn ưu đãi không có nhiều, muốn vay nhiều xin mời vay thương mại như mọi hoạt động khác, thấp nhất 18,5% một năm.

Kết quả sau gần ba năm, mục tiêu xây kho trữ 4 triệu tấn lúa vẫn xa vời. VFA đang đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách riêng về vay vốn xây kho, nghĩa là trông chờ “bao cấp”. Trong khi chưa được bao cấp, chưa có kho trữ, kinh doanh lúa gạo dù tiểu gia hay đại gia, chủ yếu vẫn “mua đầu chợ bán cuối chợ”. Các doanh nghiệp tiếng bấc tiếng chì trách móc lẫn nhau đều trong vòng luẩn quẩn ấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.