Quản lý lao động nhập cư

Quản lý lao động nhập cư
TP - Vấn đề của thời toàn cầu hóa, rất khó khăn, phức tạp. Nhiều quốc gia hiện đại còn đau đầu trước hàng loạt vấn đề đặt ra, có những chính phủ đã chao đảo trước tình trạng lao động nhập cư trái phép.

> Góc tối Cái Tàu 

Nói như thế không có nghĩa buông lơi quản lý. Mà ngược lại, cần tăng cường quản lý bằng những phương cách thích hợp, có hiệu quả, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo quá trình chuyển dịch hàng hóa sức lao động quốc tế thuận tiện, góp phần khai thác tốt nguồn nhân lực đa dạng phục vụ phát triển.

Có nhiều việc phải làm và có thể không bao giờ mỹ mãn. Nhưng dư luận có quyền lo lắng khi các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm tỏ ra chưa tròn trách nhiệm. Công trình xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau mở ra từ giữa năm 2008 đến nay đã gần xong, các cơ quan chức năng địa phương mới quýnh lên với hơn nghìn lao động Trung Quốc không phép và đang “bàn biện pháp chấn chỉnh”.

Một cán bộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau nói “trục xuất lao động trái phép nhưng họ chấp hành như thế nào thì chẳng biết”. Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Cà Mau: “Công an quản lý an ninh trật tự và tạm trú chứ không nắm được lao động có phép hay không phép”.

Ở tỉnh Đắc Nông, công trình xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) cũng có gần 60% không phép trong số hơn 300 lao động Trung Quốc. Nhiều người được đăng ký là công nhân kỹ thuật cao nhưng làm việc phổ thông và một phó tổng giám đốc hạng mục công trình Nhà máy alumin Nhân Cơ, giải thích chung chung “xác nhận được là người có kinh nghiệm”.

Tình hình như thế, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau vẫn khẳng định “đã làm hết trách nhiệm theo quy định”. Trong lúc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa “chưa nhận được báo cáo về vụ việc”.

Để duy trì trật tự xã hội, an ninh quốc gia, không chấp nhận có lao động nhập cư không phép. Trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý. Làm thế nào, bằng phương tiện gì thì người ăn lương của dân phải tính, không thể buông lơi thêm nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG