Lương tâm & lương tháng

Lương tâm & lương tháng
TP - Lương y như từ mẫu. Nhưng khi đồng lương còn ít ỏi giữa lúc giá cả sinh hoạt đắt đỏ khiến một bộ phận bác sĩ đánh mất đi y đức của mình.

> Vấn nạn phong bì có thành 'văn hóa'?
> Tăng giá dịch vụ y tế để nâng chất lượng

Ai cũng biết một bác sĩ có tay nghề ít nhất phải trải qua 8 năm học tập trong trường đại học và rèn luyện ở các cơ sở y tế. Gian nan là vậy nhưng cứ nhìn vào bảng lương của họ ở các bệnh viện công đủ để thấy bác sĩ… nghèo đến nhường nào. Đó cũng là lý do vì sao dù mong muốn làm một lương y đúng nghĩa nhưng cuộc sống quá khó khăn buộc không ít bác sĩ phải nhận phong bì từ bệnh nhân.

Khi còn đương chức, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói rằng: “Bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện rồi, muốn quay lại cảm ơn bác sĩ, đó là chuyện không ai cấm cản. Còn việc vòi vĩnh bệnh nhân khi họ đến chữa bệnh là điều khó chấp nhận”. Thế nhưng giải pháp để “lương tâm” của người bác sĩ không bị “lương tháng” đè nặng lên vai vẫn chưa được ngành y tế tìm cách tháo gỡ.

Một vài bệnh viện ở TPHCM hay Hà Nội đã có nhiều giải pháp chống tiêu cực như: Cấm bác sĩ nhận phong bì trong thời gian điều trị cho bệnh nhân hay yêu cầu các nhân viên y tế giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên việc này gần như không hiệu quả khi mà cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để: Đồng lương và thu nhập quá thấp.

“Thay vì canh bác sĩ nhận phong bì, vòi vĩnh bệnh nhân để đuổi việc hay xử lý họ, bệnh viện nên tìm cách nâng cao thu nhập của bác sĩ để xứng đáng với công sức và trí tuệ mà họ bỏ ra”- một bác sĩ trong lĩnh vực ngoại khoa tâm sự. Việc cải thiện đời sống cho bác sĩ, để họ chuyên tâm với công việc cao quý này không phải là quá khó.

Nhiều chuyên gia trong ngành y cho rằng, bệnh viện làm chuyên môn giỏi, dịch vụ tốt, ắt hẳn sẽ có nhiều bệnh nhân tìm đến và khi ấy thu nhập của bác sĩ cũng tăng lên. Khi cuộc sống không còn nghèo túng, tất yếu y đức sẽ được đề cao, chuyện phong bì lót tay sẽ khó diễn ra.

Tại các bệnh viện tư hiện nay, khi người bệnh trở thành “thượng đế” thực sự, được chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ thì chuyện dấm dúi phong bì, vòi vĩnh của bác sĩ đã không còn đất sống. Còn bệnh viện công? Bác sĩ kiệm lời, hờ hững… khiến người bệnh có cảm giác bất an, sợ sệt, thậm chí van xin được cứu chữa. Dù không muốn nhưng họ bất đắc dĩ trở thành người chủ động dấm dúi phong bì để được bác sĩ ban ơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG