Tăng tải cho phụ huynh

Tăng tải cho phụ huynh
TP - Ở vùng thôn quê nghèo huyện Phù Mỹ - Bình Định có Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Dã năm nay vừa tròn 120 tuổi (sinh năm 1891), có cả thảy 15 người con.

Vậy mà từ người con gái đầu nay đã 95 tuổi, các con trai, con dâu ít tuổi nhất cũng đã ngoại thất tuần, cho đến hàng trăm cháu chắt chít, đều vẫn ngoan ngoãn vâng lời Mẹ. Lời dạy của người mẹ sống qua 3 thế kỷ cả đời hầu như không bước ra khỏi cánh đồng làng ấy, đơn giản chỉ là phải chăm chỉ lao động, làm người chân thật, biết thương yêu mọi người.

Nên cảm thông với việc một cô giáo ở Hải Phòng tự soạn ra những bài giảng đạo đức cho học trò trong trường mình quản lý. Một số lời lẽ, cách diễn đạt trong bài giảng có thể chưa chỉn chu, thậm chí còn bị coi là “ấu trĩ” so với lứa học sinh lớp 10, đang dẫn đến những phản ứng trái chiều. Nhưng những bài học đạo đức tưởng như sơ đẳng, ấu trĩ ấy, thử hỏi tất cả những bậc phụ huynh đã áp dụng được cho chính bản thân mình trong mọi ứng xử xã hội, cũng như để rèn giũa, giáo dục con cái, giữ gìn hòa thuận, hiếu lễ trên dưới trong gia đình?

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, sách giáo khoa thư dạy về Luân lý cho lớp đồng ấu, mà cho đến nay những nhà giáo dục và các bậc cao niên vẫn còn lấy làm tâm đắc, không xem là lạc hậu. Trong khi thời nay tràn ngập sách dạy làm người, các thế hệ học sinh cũng luôn phải gánh hàng loạt sách giáo dục công dân, bài giảng về đạo đức, lý tưởng. Tuy nhiên cái đọng lại là sự hời hợt trong nhận thức và thái độ việc làm của đa phần học trò.

Trong lúc ngành giáo dục mở đầu năm học với quan điểm “giảm tải”, loại bỏ việc nhồi nhét các kiến thức trùng lặp gây nhàm chán, giúp học sinh có thêm thời gian rèn kỹ năng sống, đào luyện nhân cách, thì ở Đà Nẵng vừa ra đời mô hình giảm tải trước hết từ chính các bậc phụ huynh.

Lớp học làm cha mẹ ấy đơn giản giúp các bậc cha mẹ hiểu rằng, ép con cái học nhiều, luôn phải giành điểm số tuyệt đối, chưa chắc sẽ có được những thiên tài, mà nhiều khi đón nhận hậu quả ngược lại. Không chỉ về sức khỏe, tâm sinh lý, mà còn ảnh hưởng tới đạo đức, lối sống của con cái về lâu dài.

Giảm tải, nhưng thực ra cuối cùng cũng chính là sự “tăng tải” đối với bậc cha mẹ. Đó là không thể chỉ bỏ tiền rồi phó mặc con mình cho hết gia sư này đến lớp học thêm khác, phó mặc cho nhà trường, thầy cô. Mà phải cùng học, cùng chơi, từng bước theo sự trưởng thành của con cái, từ kiến thức tới nhân cách.

Như những lời dạy đơn giản, nôm na của bà mẹ 120 tuổi nơi vùng quê nghèo. Đại gia đình con cái cháu chắt hơn trăm người ấy, dù ít người giàu có, nổi danh nhưng lại thành đạt về mặt nhân cách, trở thành mẫu mực cho làng trên xóm dưới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG