Công chức con bạc

Công chức con bạc
TP - Dư luận cả nước lại tập trung về tỉnh Sóc Trăng. Mới tháng trước, ở đó có ông thẩm phán nằm võng trong quán cà phê ôm vợ người khác là cấp dưới, còn nay xôn xao chuyện hai quan chức ngành GT-VT đánh cờ tướng ăn tiền, mỗi ván 1-5 tỷ đồng.

> Quan đánh cờ bạc tỷ: “Nổi tiếng” với các vụ tranh chấp đất

Hóa ra, quan chức ở tỉnh nghèo như Sóc Trăng mà rất giàu tình cảm lẫn tiền bạc. Cái sự giàu và thể hiện giàu có như thế thật đáng lo hơn đáng mừng.

Quan chức đánh bạc bị phát hiện, trước nay vốn không hiếm. Dạo tháng 9-2010, truyền thông đã nêu một vị lãnh đạo Viện KSND tỉnh Quảng Bình đánh bài ăn tiền và Viện trưởng Phạm Hồng Tâm thừa nhận, vị ấy “đam mê cờ tướng và phỏm”.

Cũng trong tháng 9-2010, Công an thành phố Hà Tĩnh bắt quả tang một phó cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh đang đánh bạc với mấy lãnh đạo doanh nghiệp tại một khách sạn.

Vụ lãnh đạo Viện KSND tỉnh Quảng Bình đánh bạc, ông Viện trưởng lúc đó nói với truyền thông: “Cán bộ như vậy thì không còn gì để nói nữa”. Thế nhưng, xử lý lại chẳng đâu vào đâu. Cái sự nhờn pháp luật trong xã hội thường được tích tụ từ những việc đơn lẻ, rời rạc, ngỡ không liên hệ với nhau nhưng thực ra có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Quy luật phát triển hành vi, luôn đi từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn.

Trong quá trình tha hóa công chức, sự nuông chiều của cấp trên trực tiếp lãnh đạo và quản lý thường có ý nghĩa quyết định. Sai phạm mà không bị xử lý hoặc xử lý “giơ cao đánh khẽ” thì sai phạm không biết chỗ dừng.

Ở tỉnh Sóc Trăng, đã ba ngày trôi qua sau khi hai quan chức đánh bạc đã bị tạm giữ hình sự, nhưng lãnh đạo ở mọi cấp liên quan đến công tác quản lý cán bộ, trả lời truyền thông đều rất mềm mỏng nhưng… né tránh. Họ đều nói “chờ kết luận của điều tra” cứ như toàn bộ trách nhiệm quản lý công chức đã giao hết cho cơ quan cảnh sát điều tra!

Khi mà tất cả không dám công khai bày tỏ quan điểm thẳng thắn, thì dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Phải chăng hai vị đánh bạc ấy là “đệ tử” của ai đó? Hẳn nhiên, người giàu có lại là phó giám đốc sở và giám đốc trung tâm mà làm “đệ tử” thì phải với người có quyền lực lớn hơn nhiều lần.

Công chức say máu đỏ đen bất chấp luật pháp đã đáng lo, nhưng nếu vì có sự bao che, nâng đỡ của cấp trên thì còn đáng lo hơn. Hành vi của công chức lúc đó không chỉ mang tính chất cá nhân, mà còn là vấn đề kỷ cương phép nước.

Nhân dịp lễ Nô-en và nhớ lại đám cưới của Hoàng tử William bên nước Anh, dạo tháng 4-2011, lấy cô Kate Middleton. Truyền thông cho biết, sau khi trở thành vợ của Hoàng tử, cô Kate Middleton sẽ không được làm 10 điều dân thường tự do làm.

Một trong đó là không được chơi Monopoly, cờ tỷ phú, một trò chơi kiểm tra trí tuệ rất vui vẻ nhưng có ăn tiền. Vì vui vẻ mà có ăn tiền là “khắc nghiệt”, thành viên Hoàng gia không được chơi, dễ mất đi sự trang nghiêm cao quý. Nhắc điều này với những công chức nước ta say mê đỏ đen thì xem ra phù phiếm, nhưng với những người có trách nhiệm quản lý công chức hẳn cũng không thừa. Công chức không thể là con bạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG