Sống ở thời thắt lưng buộc bụng

Sống ở thời thắt lưng buộc bụng
TP - “Năm 2011 kinh tế khó khăn, nhưng dù sao cũng đã qua. Tôi mong sang năm mới tình hình sẽ sáng sủa hơn”, anh Vũ Quốc Việt, một tiểu thương ở chợ An Đông, TPHCM, nói trong lúc đón chờ thời khắc đầu tiên của năm 2012.

Nhà anh Việt là một trong nhiều gia đình ở TPHCM hôm qua đổ về khu vực trung tâm thành phố để tận hưởng không khí náo nhiệt của các hoạt động đón năm mới. “Ế ẩm thì cũng chưa đến mức, nhưng không được sôi động như mọi năm, sức mua giảm ít nhất là 20%”, anh Việt nói về chuyện sạp quần áo của gia đình ở chợ An Đông.

Trong cái náo nhiệt, ồn ào của “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” ấy, vẫn không thiếu những nét mặt âu lo, khắc khổ. Tôi bắt chuyện với vợ chồng anh Huỳnh Tiến Hải, 43, tuổi, quê Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán dạo đồ lưu niệm.

Không có cửa hàng cố định, hai vợ chồng bày hàng trên con phố Đồng Khởi, với đủ loại đèn hoa rực rỡ. “Năm nay bán được ít nên cũng kém vui. Mấy năm trước, dịp năm mới như thế này, một tối có thể bán vài triệu đồng tiền hàng”, chị Hải nói.

Một người bạn ở Hà Nội kể, đêm giao thừa tết dương lịch năm nay, nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa nghỉ sớm. “Không giống mọi năm, mở cửa đến khuya”, anh nói. Và cũng tự đưa ra lý giải: “Lạm phát cao, kinh tế khó khăn, lương thưởng nhiều nơi chưa thấy nói gì và rất nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái thì đầu óc đâu mà nghĩ tới vui chơi, mua sắm”.

Nhưng người nghèo, chiếm đa số, cứ tiếp tục nghèo và thiểu số người giàu có vẫn chi xài hoang phí khi hàng xa xỉ như ô tô hạng sang, điện thoại đắt tiền vẫn ùn ùn đổ vào Việt Nam, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cả năm đã tăng tới 18,58% so với năm 2010.

Có lẽ cũng cần phải thừa nhận một thực tế là dân ta tuy không phải ai cũng giàu có nhưng nhiều người thích xài sang: Trong năm 2010, các dòng điện thoại thông minh, đồng nghĩa với đắt tiền, chiếm hơn 24% doanh số toàn thị trường, thì trong năm 2011, thị phần doanh số của những chiếc smart-phone này đã là gần 67%.

Trong năm mới 2012, theo các nhà kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt bài toán lạm phát, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tiền tệ trong khi vẫn phải hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác.

Tình hình sẽ còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều khả năng biến động khi nền kinh tế thế giới nói chung đang gặp khó,các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ và nhất là châu Âu đang thiếu ổn định, thậm chí chao đảo vì khủng hoảng. Trên thế giới, đâu đâu người ta cũng nói về chuyện thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu.

Tìm cách thỏa hiệp, sống chung với biến động, sống chung với lạm phát để có đối sách phù hợp nhằm duy trì sự ổn định đang là bài toán đặt ra cho mỗi người dân. Có lẽ, đối với mỗi người, thậm chí là cả nền kinh tế, việc cần làm đầu tiên là học cách chi tiêu hợp lý hơn, hạn chế ăn xài hoang phí.

Tuy nhiên, có thể chắc một điều rằng, dù người dân có phải thắt lưng buộc bụng, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng, có thể sẽ chậm hơn nhưng đảm bảo bền vững, ổn định hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG