Ai Giữ thương hiệu

Ai Giữ thương hiệu
TP - Nguy cơ Việt Nam mất thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc đang hiện ra trước mắt khi chỉ trong 8 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 2.000 lao động bỏ trốn trong tổng số hơn 4.000 người được đưa sang Hàn Quốc làm việc.

> Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Tỷ lệ bỏ trốn, phá hợp đồng của lao động Việt Nam lên đến 50%, một tỷ lệ mà không thị trường nào có thể chấp nhận được.

Hiện tượng lao động nước ta đơn phương phá bỏ hợp đồng với đối tác nước ngoài, bỏ trốn ra ngoài sống và lao động bất hợp pháp vốn đã không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, để đến lúc phía bạn chính thức từ chối tiếp nhận lao động Việt Nam thì đó thực sự là một sự xấu hổ. Không chỉ công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hưởng mà hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế cũng xấu đi trông thấy.

Việt Nam đã có ít nhất 30 năm kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu lao động. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi vượt qua định kiến “chế độ ta không có người thất nghiệp” chúng ta đã dần quen với khái niệm xuất khẩu lao động. Dù ban đầu còn được gọi bằng cụm từ “hợp tác lao động với nước ngoài”. Sau hơn 30 năm, đến nay số lao động nước ta đi xuất khẩu lao động luôn ở mức trên 5 vạn, làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm đem về nhiều tỷ USD.

Nhưng kể từ khi xuất hiện hình thức xuất khẩu lao động cũng là lúc nảy sinh những chuyện không hay của lao động nước ta như vô kỷ luật, phạm pháp, bỏ trốn… Trong khi chúng ta luôn tự hào về đội ngũ lao động có tay nghề, thông minh, nắm bắt công việc nhanh, không thể phủ nhận một thực tế là lao động của nhiều nước, thậm chí của những nước láng giềng, trình độ phát triển như chúng ta nhận định là không có gì hơn ta, đang dần chiếm lĩnh “trận địa”. Việt Nam từng là nhà cung cấp lao động nước ngoài số một cho Hàn Quốc, nhưng giờ đây tụt xuống vị trí thứ ba, nhường vị trí số một cho Campuchia.

Một láng giềng khác là Philippines. Khoảng 1 triệu lao động Philippines ra nước ngoài làm việc mỗi năm, tính ra mỗi ngày gần 3.000 người rời đất nước đi xuất khẩu lao động.Theo thống kê chính thức của Chính phủ Philippines, từ năm 1990 đến 2001, riêng số tiền kiều hối gửi về chiếm 20,3% thu nhập xuất khẩu của cả nước. Thời điểm cuối tháng 12-2008, khoảng 9 triệu người, chiếm gần 10% dân số Philippines đang sống và làm việc ở 140 nước.

Chỉ tính riêng năm 2007, kiều hối gửi về qua các kênh chính thức là 14 tỷ USD, đóng góp 10% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của nước này, vượt qua cả tiền viện trợ phát triển hay đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Philippines.

Công tác tuyển lựa người lao động xuất khẩu ở Philippines phần lớn do khu vực tư nhân thực hiện nhưng Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và ngăn chặn tuyển người bất hợp pháp, đảm bảo thực thi nghiêm túc lệnh cấm công dân ở quá hạn visa và thường xuyên cập nhật danh sách những công nhân bị cấm trong các hợp đồng lao động xuất khẩu trong tương lai.

Đây là một phần nỗ lực để giữ “thương hiệu” về xuất khẩu lao động… Nói như vậy để thấy rằng, danh tiếng của lao động không dễ dàng có được và vai trò của cơ quan quản lý là cực kỳ lớn.

Trong khi ở ta, khi xảy ra chuyện, cơ quan chức năng, một phản xạ, tìm cách đổ lỗi cho địa phương, cho…cò, hoặc cho chính người lao động mà không thẳng thắn thừa nhận: để mất thị trường, trách nhiệm của họ không nhỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.