Những chiêu 'xài tiền như nước' của Đề án 112

Những chiêu 'xài tiền như nước' của Đề án 112
TP - Chi sai 247,19 tỷ đồng (trong 1.159,6 tỷ đồng đã sử dụng) của Đề án 112. Con số này vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chính thức kết luận. Đằng sau các con số này là các “chiêu” có thể coi là “hình mẫu” trong cung cách “xài  tiền” vô tội vạ của Nhà nước!
Những chiêu 'xài tiền như nước' của Đề án 112 ảnh 1

Chi 1.159 tỷ đồng, thu về những gì?

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được duyệt cho cả giai đoạn (2001-2005) của Đề án 112 là 3.836 tỷ 85 triệu đồng. Tổng kinh phí đã được cấp phát là 1.534 tỷ 325 triệu đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng cho Đề án là 1.159 tỷ 636 triệu đồng. Thế nhưng, sản phẩm của Đề án 112 đến thời điểm kiểm toán đã thu được những gì?

Theo đánh giá tổng quát, sau 5 năm triển khai, kết quả Đề án mới dừng ở bước đầu! Đó là: Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và hình thành bước đầu hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (mạng cục bộ-LAN, trang thông tin điện tử...) nhưng chưa có hoặc chưa rõ nét một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo điều hành trong quản lý hành chính Nhà nước.

Đến nay ở một số địa phương chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật tin học, đặc biệt là các cơ quan hành chính cấp huyện. Trong khi đó, hầu hết các mạng LAN của các bộ, ngành đã được thiết lập để kết nối nội bộ.

Nhiều mạng LAN đã kết nối với mạng diện rộng của Chính phủ (CPNet) nhưng nội dung thông tin trao đổi trên mạng chủ yếu là tra cứu, giao nhận các văn bản, do vậy chưa thể hiện và đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ lựa chọn 48 phần mềm dùng chung, bao gồm cả 5 cơ sở dữ liệu quốc gia.  Đến nay mới có 3 phần mềm dùng chung được triển khai diện rộng trên 64 tỉnh, thành, nhưng kết quả kiểm toán cho thấy, các phần mềm đưa vào sử dụng kém hiệu quả.

Quy trình thiết kế, xây dựng phần mềm dùng chung còn dựa vào những quy trình thủ tục hành chính cũ, truyền thống, chưa chuẩn hóa được các hệ thống thông tin trước khi xây dựng phần mềm.

Về hệ thống thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được hệ thống thông tin điện tử cấp bộ, tỉnh trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật tin học của Đề án 112. Tuy nhiên, hệ thống thông tin hoạt động còn kém hiệu quả, chủ yếu được xây dựng là để phục vụ trao đổi thông tin nội bộ.

Riêng về hạ tầng mạng tại Văn phòng Chính phủ, đã xây dựng được Trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng đáng tiếc lại không có cơ sở kết nối, không chuẩn hóa được thông tin... nên Trung tâm này không hoạt động.

Mạng cục bộ (LAN) của Văn phòng Chính phủ không kết nối được với mạng diện rộng của Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của Đề án 112. Các mạng LAN của các bộ, ngành, địa phương không kết nối với mạng thông tin của Đảng (Đề án 47) do đó việc thống nhất chủ trương, đường lối, điều hành giữa các cơ quan Đảng, Chính phủ còn hạn chế.

Nếu xét đúng về thực chất có lẽ kết quả đáng chú ý nhất của Đề án là: Làm chuyển biến nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức về ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước nói riêng; bước đầu tạo được hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính Nhà nước ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. 

Nhưng mặt khác, khi thực hiện Đề án thì hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tài sản thấp, một số bộ, ngành lại có biểu hiện lãng phí, có khả năng thất thoát ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.

Những kiểu  xài tiền… “chóng mặt”!

Những chiêu 'xài tiền như nước' của Đề án 112 ảnh 2
Giáo trình đào tạo tin học của Đề án 112 này còn hàng trăm ngàn cuốn lưu kho, mục nát

Trong gần 250 tỷ đồng sử dụng sai, chi sai của Đề án 112, có hơn 55,7 tỷ đồng chi sai mục đích, sai phân cấp; 146,673 tỷ đồng phải giảm quyết toán do chi sai chế độ; 21 tỷ đồng phải thu hồi, nộp lại NSNN do chi không đúng nhiệm vụ chi; 22,45 tỷ  chưa sử dụng phải thu hồi nộp ngân sách; và 1,3 tỷ đồng chi sai chế độ phải nộp lại ngân sách địa phương.

Việc chi sai này, theo KTNN, hầu hết được thực hiện “ồ ạt” trong 3 năm (2004-2006) do việc phân bổ vốn theo kiểu giải ngân… “tốc hành”! (trước đó,  2 năm 2002-2003 giải ngân cực chậm).

Các đơn vị  không cần lập kế hoạch vốn đầu tư của dự án để tổng hợp và dự toán hàng năm theo quy định, mà chỉ căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư XDCB được giao hàng năm là có tiền  thực hiện.

Dường như thay vì phân bổ vốn theo dự toán và quyết định đầu tư thì Ban điều hành 112 Chính phủ đã phối hợp với Bộ KH&ĐT “cho” các đề án ở tỉnh, bộ ngành thực hiện “cơ chế”: nơi nào tiêu tiền nhanh sẽ được cấp thêm tiền!?

Thậm chí, năm 2006, khi giai đoạn I Đề án đã kết thúc, dù chưa có dự toán tổng thể và từng năm cho giai đoạn kế tiếp, Bộ KH&ĐT vẫn phân bổ 150 tỷ đồng vốn cho Đề án.

Bởi thế, nhiều đơn vị (như Đại học Quốc gia TPHCM, Quỹ Hỗ trợ phát triển, Hội Cựu chiến binh...) không có đề án hoặc có đề án nhưng chưa được duyệt cũng được nhận tiền. Tiếp theo là, không cần có sản phẩm cũng chi tiền, không có đơn giá cũng bán hàng, không có dự án cũng giao vốn… kể cả việc tự “vẽ” ra các sản phẩm, hạng mục để chi tiền rồi xếp xó! Dự án xin ít nhưng lại được cấp nhiều.

Có đơn vị được cấp nhiều tiền quá không biết chi vào đâu nên chi lung tung và thành ra... vi phạm. 43/116 đơn vị đầu mối (thuộc bộ, ngành, địa phương) được cấp vốn vượt mức tổng đầu tư của đề án được thẩm định. Số tiền được “ấn xuống” nên “buộc phải” nghĩ cách tiêu ở các đơn vị này  lên đến hơn  109 tỷ đồng.

Tiền của dự án “đổ” về ồ ạt, khiến  các đơn vị cơ sở  phải nghĩ “chiêu” để “xài tiền” Nhà nước.  Đầu tiên là khâu đấu thầu mua sắm thiết bị, tài sản. Chẳng cần chấp hành quy chế, các đơn vị cứ chỉ định thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu trước khi phê duyệt bổ sung dự án, phê duyệt bổ sung thiết kế kỹ thuật tổng dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

Trước khi ký kết các hợp đồng chỉ định thầu, không làm thủ tục đấu giá, báo giá hoặc chào hàng cạnh tranh, thậm chí còn không xét đến tư cách pháp nhân của đơn vị nhận thầu, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực (như trường hợp ở Bộ GD&ĐT và Yên Bái).

Hết giai đoạn thầu, đến phần mua sắm. Ban điều hành 112 Hải Phòng ký hợp đồng với Cty tin học ISA cung cấp thiết bị trị giá 1,154 tỉ đồng do Mexico sản xuất, nhưng khi kiểm tra lại là của Đài Loan.

Có tiền các đơn vị thoải mái chi, kể cả mua những sản phẩm để... bỏ đi. Đó là các khoản tiền đào tạo, in ấn, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, văn phòng phẩm tại 64 tỉnh thành vượt định mức, trái quy định tới hơn 16,3 tỷ đồng.

Như việc chi in tài liệu cho cán bộ lãnh đạo hết  354 triệu đồng nhưng rồi tài liệu đó không sử dụng, rồi chi 265 triệu đồng in giáo trình đào tạo ứng dụng tin học nay vẫn tồn kho, dần mục nát!?

Kỳ tới: Ban Điều hành Đề án 112 CP  và 167 tỷ đồng chi sai

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN):

Khoản chi xây dựng cơ bản từ ngân sách T.Ư của Đề án, KTNN đã phát hiện, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách: 55 tỷ 702 triệu đồng chi sai nguyên tắc (các bộ, ngành, địa phương phải bố trí dự toán ngân sách cấp mình để hoàn trả ngân sách T.Ư) .

Trong khoản chi thường xuyên từ ngân sách T.Ư (do Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ thực hiện) có khoản 43 tỷ 553 triệu đồng chi sai nhiệm vụ, không có dự toán, định mức đơn giá,  chi nhưng không có sản phẩm...  trong đó phải xuất  toán (42,82 tỷ đồng) và  thu hồi nộp NSNN (727,9 triệu đồng).

Nguồn kinh phí vay Ngân hàng ADB  có 103 tỷ 848 triệu đồng phải giảm trừ quyết toán cũng có tình trạng như trên; và 20,32 tỷ đồng phải thu hồi nộp NSNN do chi sai nhiệm vụ.

Nguồn ngân sách địa phương có 1 tỷ 315 triệu đồng  phải xuất toán thu hồi nộp NSNN do chi vượt định mức, sai chế độ…

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...