Một lượng tiền lớn bị quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch

Một lượng tiền lớn bị quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch
TP - Một số tiền lớn trong các nguồn tài chính ngoài ngân sách của ngành giáo dục được quản lý khá lỏng lẻo, thiếu minh bạch, chủ yếu do lãnh đạo các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục các cấp tự quyết định...
Một lượng tiền lớn bị quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch ảnh 1
Nếu các nguồn tài chính chi cho giáo dục được quản lý tốt, học phí bậc phổ thông từng bước được miễn, giảm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bên cạnh ngân sách Nhà nước và nguồn vốn ODA, các nguồn thu chính thức của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) còn là khoản thu từ học phí và lệ phí, tiền đóng góp xây dựng trường sở, tài trợ của tổ chức, cá nhân, đóng góp từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học và dịch vụ...

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong các năm từ 2001 đến 2005, tính riêng số kinh phí từ học phí và lệ phí, từ đóng góp xây dựng trường sở là (làm tròn số): Năm 2001 là 2.538 tỷ đồng (và bằng 12,95% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục). Năm 2002 là 2.812 tỷ đồng (12,44% ngân sách nhà nước). Năm 2003 là 3.233 tỷ đồng (12,44% ngân sách nhà nước). Năm 2004 là 4.224 tỷ đồng (13% ngân sách nhà nước) và năm 2005 là 4.608 tỷ đồng (11,14% ngân sách nhà nước).

Các khoản này là đóng góp chính thức, trực tiếp của người học ở các trường công lập được quy định trong các quyết định về mức thu của UBND cấp tỉnh đối với giáo dục mầm non, phổ thông và theo quy định của liên Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đối với các trường khối giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Đây được coi là khoản bổ sung ngân sách trực tiếp cho các cơ sở giáo dục, nhằm hỗ trợ cho việc trả lương và nâng cao đời sống giáo viên, chi cho các hoạt động phục vụ học tập, giảng dạy và cải tạo, sửa chữa, tăng cường trang thiết bị cho nhà trường.

Quản lý lỏng lẻo

Một số tiền lớn trong các nguồn tài chính ngoài ngân sách được quản lý khá lỏng lẻo, thiếu minh bạch, chủ yếu do lãnh đạo các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục các cấp tự quyết định.

Điều này được thể hiện một phần trong báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9/2007. Qua kiểm toán niên độ ngân sách năm 2004, có trên 700 tỷ đồng tiền học phí (tức bằng khoảng 1/5 tổng số thu) được ghi thu, ghi chi chưa đúng các quy định.

Việc sử dụng các khoản phí chưa tuân thủ các quy định hiện hành, thí dụ, theo quy định phải để tối thiểu 45% học phí thu được cho tăng cường cơ sở vật chất, nhưng nhiều trường chủ yếu dùng chi cho hoạt động quản lý, phúc lợi của trường và thù lao giáo viên, nhất là khối các trường đại học.

Chẳng hạn, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là những trường có nguồn thu rất lớn từ học phí, lệ phí nhưng chỉ để lại 12% - 15% số tiền này cho tăng cường cơ sở vật chất, chưa đạt 1/3 so với quy định.

Gánh nặng cho người học và gia đình …

Ngoài khoản học phí, lệ phí và đóng góp nói trên, một học sinh đi học, gia đình còn phải chi các khoản đóng góp cho trường, lớp (thông qua quỹ hội cha mẹ học sinh), mua quần áo đồng phục, mua sách giáo khoa, vở và dụng cụ học tập, học thêm, các khoản quỹ đoàn đội, bảo hiểm và các khoản chi khác (mà theo thống kê có tới từ 12 đến 15 khoản thu trong các nhà trường phổ thông).

Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2004, chi giáo dục đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng trong cả nước, theo các vùng miền trong tương quan với thu nhập bình quân đầu người trong năm theo giá thực tế như sau.

Với mức học phí như năm 2004, tỷ lệ giữa chi giáo dục bình quân so với thu nhập bình quân của 1 người dân trong cả nước đã là 14,21%, trong đó tính riêng thì khu vực thành thị là 15,71%, khu vực nông thôn là 13,27%.

Nếu tính theo vùng thì tỷ lệ này thấp nhất là ở vùng Tây Bắc là 9,22%, cao nhất là ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là trên 17%.

Vì thế, nếu tăng học phí dù ở mức nào thì Bộ GD&ĐT làm cách nào để bảo đảm được học phí chỉ chiếm tỷ lệ trong khoảng từ 4% đến 8% thu nhập bình quân của người dân như tuyên bố của lãnh đạo ngành?

Và có chắc gánh nặng học phí sẽ lại không đè nặng nhất lên những vùng khó khăn nhất, những nhóm người có thu nhập thấp nhất?

Thay cho lời kết

Loạt bài viết của chúng tôi gồm các bài: “Sử dụng ngân sách cho GD&ĐT: Hơn 10.000 tỷ đồng đi đâu?” và “Nhiều dự án không thành công” đăng trên các số báo Tiền phong, nhằm cung cấp một thực tế là việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính khổng lồ cho giáo dục này đang có rất nhiều vấn đề bất cập.

Nếu ngành giáo dục, các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước quản lý tốt, có hiệu quả, thực sự thực hành tiết kiệm, không để thất thoát, lãng phí và nhân dân được tham gia giám sát việc sử dụng các nguồn lực này, thì chắc chắn giáo dục nước nhà có đủ nguồn lực cho nhu cầu phát triển, đời sống nhà giáo được nâng cao, từng bước có thể miễn, giảm học phí ở phổ thông, trước hết là ở các cấp học phổ cập.

MỚI - NÓNG