Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
TP - Chiều 30/10, Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chính thức công bố, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện rải rác ở các tỉnh, thành phố với 36 người mắc, bao gồm: Hà Nội 30 ca, Hà Tây 4 ca và Vĩnh Phúc 2 ca.
Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ảnh 1
Mắm tôm, mắm tép là loại thực phẩm được tiêu thụ khá nhiều ở Hà Nội

Người mắc bệnh chủ yếu ở lứa tuổi lao động, đã ăn mắm tôm, mắm tép sống, tiết canh, gỏi cá; nhưng rất may đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.

Bước đầu các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện từ nguồn mắm tôm và thực phẩm tươi sống ở các vùng bị ngập lụt ở Thanh Hóa vừa qua, bị ô nhiễm, do các tư nhân chuyển ra bán lẻ tại các địa phương, trong đó có Hà Nội.

Hà Nội nỗ lực ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp

Trước tình trạng bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng bất thường trong vòng một tuần qua, ngày 30/10, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, xác nhận, trong vòng một tuần qua (từ ngày 24/10), Hà Nội đột ngột có tới 27 bệnh nhân phải nhập viện do mắc tiêu chảy cấp. Số bệnh nhân này nằm rải rác ở nhiều quận nội thành Hà Nội. Trong đó, quận Đống Đa có 6 trường hợp, Hoàng Mai 5 trường hợp, Thanh Xuân 4 trường hợp.

Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần, mất nước…

PGS. TS Lê Anh Tuấn cho biết, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tiêu chảy cấp, trong đó có thể tính đến yếu tố thời tiết hoặc cơ địa từng người. Tuy nhiên, các trường hợp nói trên được xác định là do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

90% số bệnh nhân nói trên mắc tiêu chảy cấp sau khi ăn thịt chó mắm tôm, số còn lại ăn lòng lợn, tiết canh, rau sống, gỏi hải sản… Phần lớn các thực phẩm trên đều là thức ăn đường phố, nhà hàng, chưa xác định được nguồn gốc. Thậm chí, một bệnh nhân nam bị tiêu chảy nặng còn ăn thịt chó, mắm tôm kèm dưa chua.

Theo các bác sỹ, ngay cả khi thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sự phối hợp ba loại thức ăn trên cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Các bệnh nhân hiện đã và đang điều trị rải rác tại các bệnh viện Bạch Mai, Đống Đa, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia…

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết: “Hiện chúng tôi mới chỉ ghi nhận 27 trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện và chưa xác định được loại vi khuẩn gây nên tình trạng trên. Do đó, chưa thể xác định được đây là bệnh tả, bệnh lị hay thương hàn… Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo lên Bộ Y tế, tạm thời xác định đây là bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và đưa ra những khuyến cáo khẩn cấp để người dân phòng tránh”.

Cũng theo PGS.TS Tuấn, các ổ dịch tiêu chảy cấp hiện đã được khống chế và không có bệnh nhân thứ phát. Người nhà bệnh nhân cũng đã được cách ly và cho uống thuốc dự phòng.

Cục Y tế Dự phòng hôm qua (30/10) cũng ra văn bản khẩn, khuyến cáo cộng đồng phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và xác định bệnh này “lây lan nhanh và dễ tử vong”.

Cảnh báo các bệnh lây lan qua thực phẩm

Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ảnh 2
Trong thời gian có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, hãy thận trọng với món mắm tôm và lòng lợn sống. Ảnh minh họa (vabiotechvn.com)

Sáng 30/10, có mặt tại chợ Hàng Bè, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy rất nhiều loại mắm tôm, mắm tép được bày bán. Phần lớn các chai mắm sống đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và được đóng thô sơ trong các vỏ chai nước suối.

Mức giá bán lẻ khá rẻ, chỉ khoảng 7.000 đồng/chai 500ml mắm tôm sống, 20.000 đồng/chai mắm tép. Trên nhiều tuyến phố, rất dễ gặp những gánh hàng bún đậu mắm tôm. Đây được coi là loại hình kinh doanh thực phẩm khó kiểm soát nhất.

Theo Sở Y tế, Hà Nội không có cơ sở sản xuất mắm tôm, mắm tép sống. Nguồn hàng này chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền Trung và Hà Nội là thị trường tiêu thụ lượng lớn các loại mắm này. Tới đây, đoàn thanh kiểm tra liên ngành Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố sẽ thắt chặt kiểm soát chất lượng các sản phẩm trên.  

Trong khi chờ đợi các cơ quan chuyên môn xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm này, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã quyết định đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến, kinh doanh của các cửa hàng ăn, siêu thị và dịch vụ thức ăn đường phố trên toàn thành phố.

Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm các quận, huyện, xã, phường  phải chỉ đạo thanh kiểm tra thực hiện quyết định trên và có báo cáo kết quả hàng ngày về Ban chỉ đạo cấp thành phố. Nếu địa phương nào để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý. 

4 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng Việt Nam

1. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Gia đình có người bị bệnh phải tiến hành sát khuẩn nhà tiêu bằng vôi bột hoặc Cloramin B. Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin… Hạn chế ra vào vùng có dịch

2. Ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, uống nước lã và các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi, tiết canh, nem chua.

3. Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ. Nước ăn uống phải được sát khuẩn hóa chất Cloramin B. Cấm đổ chất thải, nước rửa, giặt và đồ dùng người bệnh xuống ao, hồ, sông.

4. Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, người nhà phải nhanh chóng báo cho cơ sở y tế nơi gần để được điều trị kịp thời và khống chế dịch bệnh.

MỚI - NÓNG