Dẫn độ thuyền phó giết thuyền viên Việt Nam

Dẫn độ thuyền phó giết thuyền viên Việt Nam
TP - Lực lượng Tuần tiễu ven biển Đài Loan đã áp giải về đến sân bay Đào Viên (Đài Loan) một người tình nghi là hung thủ sát hại một lao động mang quốc tịch Việt Nam làm việc trên tàu cá.
Dẫn độ thuyền phó giết thuyền viên Việt Nam ảnh 1

Hung thủ tình nghi giết thuyền viên Việt Nam bị áp giải về Đài Loan (phải). Ảnh: Báo Liên Hợp

Ngày 30/10, tin từ Đài Bắc cho biết, lực lượng Tuần tiễu ven biển Đài Loan sau khi được Cục Cảnh sát thuộc Bộ Nội chính Đài Loan thông báo, đã áp giải về đến sân bay Đào Viên một người tình nghi là hung thủ sát hại một lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam làm việc trên tàu cá.

Vụ án mạng xảy ra trên vùng biển Đại Tây Dương ngày 16/10, thuộc hải phận quốc tế giáp Bờ Biển Ngà (châu Phi). Thuyền phó Đài Loan tên là Trần Văn Cẩm, 45 tuổi, quản lý một tàu cá viễn dương của Nhật mang tên “Phúc Thần Hoàn số 15” (Fukujin Maru) đã sát hại một lao động thuê từ Việt Nam đang làm việc trên tàu.

Được biết lao động này họ Nguyễn. Trong lúc xung đột, thuyền phó Trần Văn Cẩm đã rút khẩu súng lục tự động cỡ đạn 9mm giấu trong người bắn chết thuyền viên.

Tuy nhiên tin từ Chinatimes thì cho rằng, có thể thuyền viên Việt Nam bị đánh đến chết. Tàu cá này rời Cape Town bắt đầu hành trình đánh bắt ở vùng biển quốc tế từ hôm 5/8.

Lúc 8 giờ 30 phút sáng 16/10, do mâu thuẫn dẫn tới xô xát, Trần Văn Cẩm đã cầm gậy đánh đập tàn nhẫn lao động tên Nguyễn. Các lao động khác, trong đó có các lao động Việt Nam, đã cố gắng khuyên can nhưng không kết quả. Nguyễn bị đánh vào đầu, mặt, thân thể và tay chân đều có vết thương, khớp đầu gối bị đánh biến dạng, xuất huyết trong lồng ngực rồi tử vong.

Thi thể thuyền viên Việt Nam được đặt trong hầm đông lạnh của tàu cá. Vì trên tàu chỉ có thuyền phó là người Đài Loan, còn lại là 23 thuyền viên Trung Quốc và 4 thuyền viên Việt Nam, thuyền trưởng lo ngại một cuộc bạo động nổ ra trên tàu nên đã báo về cho chủ tàu Nhật Bản và quay tàu về Bờ Biển Ngà.

Sau khi vụ án xảy ra, tàu cá cập cảng Bờ Biển Ngà báo án và cảnh sát địa phương đã bắt Trần Văn Cẩm để điều tra. Hung thủ khai, khẩu súng và số đạn được mua tại Nam Phi trước lúc tàu khởi hành với giá 150 USD.

Bộ Ngoại giao và phía cảnh sát Đài Loan đã phải mất nhiều công sức và thời gian thương lượng mới áp giải được hung thủ về Đài Loan. Tang vật thu được gồm khẩu súng gây án, 7 viên đạn chưa sử dụng và một số hung khí như dao, gậy. Hung thủ đã được áp giải từ Bờ Biển Ngà quá cảnh ở sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Pháp) rồi bay thẳng về Đào Viên.

Ngày 30/10, ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, cho đến hôm nay vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể gì về trường hợp thuyền viên Việt Nam thiệt mạng này.

Các lao động Việt Nam làm việc trên tàu cá dưới sự quản lý của các thuyền trưởng, phó người Đài Loan thuộc đối tượng thuyền viên tàu cá xa bờ. Đối tượng lao động này do Nha Ngư nghiệp Đài Loan quản lý, không thuộc diện Uỷ ban Lao động Đài Loan cấp phép, quản lý. Đồng thời, thuyền viên tàu cá xa bờ không qua thẩm định hồ sơ tại Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc.

Thậm chí lao động thuyền cá của Việt Nam rời Việt Nam sang một nước thứ ba rồi lên tàu chứ không đến Đài Loan. Bởi vậy mỗi khi có vấn đề nảy sinh với thuyền viên Việt Nam, Ban Quản lý Lao động cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình giúp đỡ bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Theo số liệu thống kê, mấy năm trước thuyền viên Việt Nam đã từng chiếm tới 3/4 số lao động nước ngoài làm việc trên thuyền cá Đài Loan. Được biết, các lao động Việt Nam làm việc trên thuyền cá Đài Loan thường gặp các vấn đề về ngôn ngữ và cách đối xử.  

MỚI - NÓNG