Trên 260 điểm trông xe quận Hoàn Kiếm cấp phép thu phí sai quy định

Hà Nội : Một quyết định 'băm nát' cả triệu mét vuông vỉa hè

Hà Nội : Một quyết định 'băm nát' cả triệu mét vuông vỉa hè
TP - Hàng triệu mét vuông vỉa hè Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục bị “băm nát” vì Quyết định 227 ngày 12/12/2006 của UBND thành phố Hà Nội.
Hà Nội : Một quyết định 'băm nát' cả triệu mét vuông vỉa hè ảnh 1

Mặc dù có biển cấm để xe ở lòng đường vỉa hè, nhưng phố Đinh Liệt (phường Hàng Bạc - Hoàn Kiếm) vẫn ngập tràn xe máy đỗ. Ảnh: Phùng Sưởng

Nhu cầu để xe máy trên vỉa hè tại một số tuyến phố Hà Nội là có thực. Song, tổ chức hoạt động này sao cho đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và giữ nghiêm kỷ cương là việc cần được thành phố Hà Nội xem xét lại.

Bài 1: Đua nhau “làm thịt” vỉa hè

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ngàn mét vuông vỉa hè của 4 quận nội thành (cũ) của Hà Nội đã biến thành hàng trăm điểm trông giữ xe máy, xe đạp.

Sắp tới, hàng chục ngàn mét vuông vỉa hè tại các quận này sẽ tiếp tục bị “xẻ thịt” làm các điểm kinh doanh ăn uống. Vỉa hè Hà Nội - một kết cấu của hạ tầng giao thông đô thị - đang bị biến tướng thành miếng mồi kinh doanh béo bở.

Vỉa hè thành bãi đỗ xe!

Phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống vốn đã nhỏ bé bởi “đất chật - người đông”, nay càng thêm chật chội bởi phố này có đến 4 điểm trông giữ xe máy lấn hết phần vỉa hè cho người đi bộ.

Bên phải cổng Bệnh viện Việt Đức (hướng từ viện trông ra đường) là bãi đỗ xe, được cấp phép của chính bệnh viện này. Theo giấy phép, Bệnh viện được cấp 144m2 (40mx3,6m). Và về lý thuyết, đoạn hè này còn gần 1m rộng (hè rộng 4,5m) dành cho người đi bộ. Nhưng, đơn vị tiện thể để xe tràn 4,5m rộng vỉa hè và chiều dài vỉa hè cũng không dừng ở 40m.

Tương tự, bên trái Bệnh viện này, một bãi đỗ xe khác của ông Nguyễn Duy Thắng (số 19 Hàng Điếu) choán nốt 15 m dài vỉa hè. Mặc dù hai bãi đỗ xe được cấp 55m dài vỉa hè nhưng thực tế người sử dụng đã “nối dài, mở rộng” hơn.

Hai bãi đỗ xe “bu” chặt lấy cổng bệnh viện với hàng ngàn lượt xe máy ra, vào mỗi ngày. Là nơi thường xuyên đưa đón bệnh nhân bị TNGT ra vào viện, nhưng chính cổng bệnh viện này lại là cái bẫy TNGT khi hàng ngày có hàng ngàn người nhà và bệnh nhân “tung tăng” dưới lòng đường trong nơm nớp lo sợ!?

Một phường nhỏ như phường Hàng Trống nhưng gần một năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp cho 15 đơn vị, cá nhân kinh doanh trông giữ xe máy, xe đạp trên vỉa hè với diện tích trên 500m2.

Theo điều tra của chúng tôi, gần một năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp phép cho trên 260 điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên toàn quận với diện tích khoảng 8.000m2. Hiện quận này tiếp tục “quy hoạch” và chuẩn bị cấp phép cho khoảng 100 điểm trông giữ xe đạp, xe máy mới.

UBND quận Hoàn Kiếm thu phí trái quy định

Quyết định số 37 ngày 15/3/2004 của UBND TP Hà Nội về việc thu phí sử dụng lề đường, bến bãi trên địa bàn thành phố quy định: Việc sử dụng lề đường, bến bãi để trông giữ xe máy, xe đạp trên các tuyến phố chính, tuyến phố văn hóa ẩm thực: 35.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến phố còn lại và ngoại thành: 25.000 đồng/m2/tháng; Phí đỗ xe ô tô: 5.000 đồng/m2/tháng. Để vật liệu xây dựng: 50.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm đã tự quy định phí sử dụng hè đường làm bãi trông xe tại tuyến phố chính là 45.000 đồng/m2/tháng; tuyến phố còn lại là 35.000 đồng/m2/tháng; phí đỗ ô tô: 10.000 đồng/m2/tháng.

Như vậy, tổng số điểm trông giữ xe đạp, xe máy mà quận Hoàn Kiếm đã và sẽ cấp phép lên tới con số 365 điểm.

Có nhiều tuyến vỉa hè có mật độ điểm đỗ xe dày đặc như: Lý Thường Kiệt (19 điểm), Ngô Quyền (9 điểm), Trần Hưng Đạo (8 điểm), Quang Trung (7 điểm)...

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội và Sở Giao thông Công chính Hà Nội thì trong gần 1 năm qua, trên địa bàn 4 quận nội thành cũ (Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình) có 627 điểm trông giữ xe máy, xe đạp đã và sắp được cấp phép. Trong đó, Hoàn Kiếm có con số cao nhất với 365 điểm.

Quán ăn lấn vỉa hè

Tại phố Tăng Bạt Hổ, một trung tâm bia hơi của Hà Nội, từ lâu người ta không còn lạ gì với cảnh khách uống bia ngồi trên vỉa hè, xe máy, ô tô đỗ dưới lòng đường.

Người tham gia giao thông thì lại nem nép ngại ngần như phải đi nhờ đường của hàng bia! Tại các phố Giảng Võ, phố Láng Hạ và hàng chục con phố khác, phần vỉa hè dường như đã thuộc về các chủ nhà hàng ăn uống.

Đặc biệt, trên phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa chưa hoàn thành, đã xuất hiện hai “trung tâm” bia hơi. Vào buổi trưa, buổi chiều, vỉa hè trước cửa hai “trung tâm” này đã biến thành bãi đỗ xe.

Khi trời nhá nhem, cũng là lúc đoạn phố ngắn này rực sáng bởi đèn của trên chục quán ăn bày la liệt trên vỉa hè kinh doanh. Vỉa hè Hà Nội về đêm bỗng chốc biến thành “của riêng” của hàng ngàn hộ kinh doanh ăn uống!

Tại Quyết định 227, thành phố Hà Nội cho phép các cá nhân, tổ chức được phép sử dụng hè phố để kinh doanh ăn uống. Các chủ hộ kinh doanh chỉ cần làm đơn nộp ra phường là được xét cấp và bố trí vào nơi thích hợp. Các chủ kinh doanh phải tuân thủ bán hàng từ 5 giờ đến 8 giờ sáng và từ 19 giờ đến 24 giờ. Quyết định 227 đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn hộ dân kinh doanh trên vỉa hè.

Hà Nội : Một quyết định 'băm nát' cả triệu mét vuông vỉa hè ảnh 2
Bãi đỗ xe đường Phủ Doãn (phường Hàng Trống) do quận Hoàn Kiếm cấp phép đã lấn hết vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: Phùng Sưởng

Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả các phường của 4 quận nội thành đều không cấp giấy phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh ăn uống.

Mặc dù vậy, hàng ngàn quán ăn trên toàn thành phố vẫn kinh doanh tấp nập trên vỉa hè từ gần một năm trong sự “buông lỏng” quản lý.

Các hàng quán này lợi dụng Quyết định 227 để lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, kinh doanh kéo dài thời gian (ban ngày quá 8 giờ sáng, ban đêm quá 24 giờ) làm méo mó bộ mặt đô thị.

Tại quận Hoàn Kiếm, theo khảo sát của quận thì có trên 500 điểm kinh doanh ăn uống, hàng nước trên vỉa hè... Quận này hiện cũng đang xúc tiến việc chuẩn bị cấp phép cho các hàng quán này.

Điều này có nghĩa là có thể hàng trăm hàng quán vi phạm sắp được hợp thức hóa tại Hoàn Kiếm. Nếu tính trung bình tại mỗi quận nội thành cũ của Hà Nội có 500 điểm kinh doanh ăn uống trên vỉa hè thì Hà Nội có tới 2.000 điểm kinh doanh trên vỉa hè. Và vì thế hàng chục ngàn mét vuông vỉa hè vốn đã bị “xẻ thịt” và nay tiếp tục bị “xẻ thịt”. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Trên 260 điểm trông xe quận Hoàn Kiếm cấp phép thu phí sai quy định

Quyết định số 45 ngày 15/3/2004 của UBND TP Hà Nội quy định việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố là: Ban ngày: xe đạp là 500 đồng/lượt; xe máy là 1.000 đồng/lượt. Ban đêm: xe máy là 2.000 đồng/lượt; xe đạp là 1.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thu phí: Ban ngày: Xe đạp là 1.000 đồng/lượt, xe máy là 2.000 đồng/lượt; Ban đêm: xe đạp là 2.000đ/lượt, xe máy là 3.000 đồng/lượt.

Việc thu phí trái quy định của thành phố đã gây bức xúc dư luận.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".