Xem xét vì sao chính quyền địa phương không biết việc ngược đãi?

Xem xét vì sao chính quyền địa phương không biết việc ngược đãi?
TP - "Chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ có ai phát hiện không, đã có ai từng giúp đỡ gì em không?... Chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc và cơ quan pháp luật phải xem xét vấn đề này".
Xem xét vì sao chính quyền địa phương không biết việc ngược đãi? ảnh 1
Bà Trương Thị Mai

>> Video clip cô gái 10 năm bị đầy đoạ, nhục hình

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết như vậy chiều qua, 6/11, sau nhận được thông tin về vụ việc một em gái bị đầy đọa, nhục hình trong 10 năm trời ngay giữa thủ đô Hà Nội mà phóng viên Tiền phong chuyển đến.

Sau khi tìm hiểu những thông tin ban đầu, bà Trương Thị Mai bức xúc nói: Việc cần làm sáng tỏ là tại sao một cháu bé từ lúc 10 tuổi tới nay đã 20 tuổi, suốt một thời gian dài phải ở trong hoàn cảnh như vậy?...

Theo tôi, qua thông tin báo chí về sự việc này, chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ có ai phát hiện không, đã có ai từng giúp đỡ gì em không?...

Có thể nói, thời gian qua có nhiều trường hợp trẻ em bị ngược đãi và báo chí đã phản ánh, tạo nên tác động về mặt trách nhiệm... Nếu em Bình cũng nằm trong trường hợp như vậy, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc và cơ quan pháp luật phải xem xét vấn đề này.

Để một công dân yếu thế bị hành hạ ngược đãi ghê gớm như thế trong thời gian dài, vậy trách nhiệm thuộc về ai, thưa bà?

Ngay tại địa bàn dân cư chúng ta có khá nhiều tổ chức... Kinh nghiệm là nhiều vụ việc ngược đãi trẻ em là do báo chí phát hiện, còn nhiều khi chính quyền địa phương hay tổ dân phố ở đó thì không phát hiện được. Đó là việc phải nên xem xét lại, vì sự việc diễn ra ngay bên cạnh, ngay trong cộng đồng đó...

Trường hợp em Bình, lẽ ra tổ dân phố phải phát hiện sớm hơn. Thực ra, luật pháp đã có những quy định cụ thể, nhưng luật pháp cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề trong xã hội, mà còn là đạo đức, là dư luận xã hội...

Như vậy, phải kết hợp nhiều yếu tố. Ở đây, pháp luật không quy định người hàng xóm hay cộng đồng dân cư đó phải có trách nhiệm gì cụ thể với em Bình, mà là vấn đề đạo đức xã hội.

Còn nếu sự việc như báo chí đưa ra, kiểm tra lại thấy chính xác, thì không cần phải đơn thư gì cả, mà cơ quan pháp luật cần vào cuộc. Luật pháp đã có chế tài trong những trường hợp như vậy.

Trên báo chí có không ít thông tin về trường hợp trẻ em hoặc thiếu niên bị ngược đãi, bà nghĩ sao về thực trạng đó?

Nếu nói tình trạng này là phổ biến thì chắc không chính xác... Tôi nghĩ pháp luật thì không thiếu, vấn đề là chúng ta thực hiện pháp luật như thế nào?

Ngoài ra, còn có vấn đề trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ các cháu, hoặc của bất cứ ai trong cộng đồng dân cư, vì bất cứ ai cũng có thể đại diện cho các cháu để đưa tiếng nói tới cơ quan pháp luật, tới các cơ quan thông tin đại chúng. Như vậy sẽ có tác động rất tích cực, vừa qua nhiều trường hợp ngược đãi trẻ em đã bị xử lý nghiêm minh.  

Cảm ơn bà!

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG