Hà Nội : Báo động vệ sinh bếp ăn nhà trường

Hà Nội : Báo động vệ sinh bếp ăn nhà trường
TPO - 3 học sinh của các trường tiểu học Định Công, Đặng Trần Côn và Trung cấp Nông nghiệp đã phải nằm viện vì tiêu chảy. Khảo sát một số trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy khâu vệ sinh trong các bếp ăn còn nhiều vấn đề.
Hà Nội : Báo động vệ sinh bếp ăn nhà trường ảnh 1
Các học sinh trong trường tiểu học Tây Sơn trong giờ ăn trưa. Ảnh: Hải Yến

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp đang lan rộng, nhiều trường tiểu học bán trú đã thay đổi khẩu phần hằng ngày của học sinh. Thay vì ăn cua, cá, hải sản như ngày thường, nay thực đơn chủ yếu là thịt lợn, thịt gà, thịt bò, đậu phụ.

Cô Phan Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng trường tiểu học Tây Sơn cho biết: “Những đồ uống dễ gây tiêu chảy như sữa chua, đậu nành cũng không còn trong thực đơn hằng ngày của các cháu. Tất cả đều uống nước đun sôi để nguội. Nhà trường đã kết hợp với chính quyền phường dẹp các hàng ăn gần cổng trường”.

Hầu hết lãnh đạo các trường đã có ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, nhưng thực tế khảo sát của phóng viên cho thấy, có nơi việc đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến vẫn chưa được nhiều nhân viên nhà bếp chú trọng.

Tại trường tiểu học Bạch Mai, ngay sau khi vào cổng trường, phóng viên đã thâm nhập ngay thực tế bộ phận làm bếp.

Có sáu nhân viên nấu ăn, trong đó bốn người mang áo đồng phục còn hai người không. Một chảo thịt lớn đang được xào rất kỹ nhưng nhân viên nhà bếp lại không găng tay, khẩu trang. Phía sân sau của bếp có một dây phơi găng tay, chúng tôi không hiểu đó là loại găng tay gì, tất cả đều cáu bẩn, đen ngòm một màu.

Bên trong bếp, bốn thùng đựng nước canh được đặt dưới nền nhà. Khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh ra thì các nhân viên chụm nhau lại đề nghị đừng chụp để đưa các chảo canh lên đúng chỗ quy định, nhân viên lau bát, thìa thì vẫn ung dung không găng tay.

Khi chúng tôi hỏi các giáo viên thực phẩm được mua từ đâu và có hợp đồng hay không thì hầu hết đều nói rằng, đã có hợp đồng hẳn hoi. Nhưng khi được đề cập xem các hợp đồng đó thì đa số đều không đồng ý và vặn lại chỉ cơ quan có chức năng mới được xem.

Ngoài cổng trường Giáp Bát, Nhân Chính, Bế Văn Đàn, Quang Trung… đang tồn tại nhiều quán hàng bún, bánh rán, xúc xích, thịt nướng… Chiều 8/11, chúng tôi chứng kiến học sinh của trường PTCS Việt Nam – Angieri ở quận Thanh Xuân tan học vẫn hồn nhiên mua thịt nướng ngay cạnh cổng trường.

Theo ông Nguyễn Thành Kỳ- Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, trường Đặng Trần Côn có một học sinh nhập viện vì tiêu chảy, hiện chưa xác định được có phải là bị tiêu chảy cấp hay không.

Sẽ có công văn khẩn

Hà Nội : Báo động vệ sinh bếp ăn nhà trường ảnh 2
Không găng tay, khẩu trang (trường Bạch Mai)   Ảnh: Minh Thùy

Trước tình hình dịch bệnh tiêu chảy cấp vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 3227/SGD&ĐT-VP chỉ đạo phòng giáo dục các quận, huyện và trực tiếp là các trường học trên địa bàn Hà Nội trong công tác “Tăng cường VSATTP, phòng các bệnh truyền qua thực phẩm”.

Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thức ăn ở một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội còn chưa được chú trọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Kỳ cho biết: “Các trường đã có chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền và vệ sinh. Sở GD&ĐT đã giao trách nhiệm trực tiếp tới hiệu trưởng của từng trường.

Theo nguồn tin riêng, tôi cũng được biết có một số trường quản lý chưa đến nơi đến chốn, còn chưa đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến, không dùng khẩu trang, găng tay khi nấu ăn và chế biến thức ăn ngay trên sàn bếp. Sở GD&ĐT sẽ sớm có công văn khẩn gửi các trường yêu cầu thực hiện, nhất thiết phải có đầy đủ trang phục bảo hộ, và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm’’.

Cũng theo ông Kỳ, trong văn bản gửi các trường ngày 30/10, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường kết hợp với chính quyền địa phương dẹp hàng ăn vỉa hè ngay cổng trường nhưng khi kiểm tra hiện trạng này vẫn còn tồn tại. Bộ phận có chức năng kiểm tra như y tế quận, huyện, ban quản lý thị trường quận, huyện sẽ đôn đốc thường xuyên. Nhiều phụ huynh còn chủ quan, chưa nghĩ tới tính nghiêm trọng của nạn dịch.

Theo kết quả thanh tra của Sở GD&ĐT hiện có 3 trường hợp học sinh ở các trường tiểu học Định Công, tiểu học Đặng Trần Côn, Trung cấp Nông nghiệp vào nhập viện vì tiêu chảy.

Ngay khi phát hiện, phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã đình chỉ bếp ăn bán trú của trường tiểu học Định Công. Hiện tại, đối tượng mà Sở GD&ĐT quan tâm nhiều nhất đó là các trường nhỏ lẻ, mẫu giáo hay tiểu học dân lập.

Khi biết các nhân viên trong các nhà bếp ở một số nơi chưa có ý thức là thường xuyên phải dùng găng tay, khẩu trang, ông Kỳ nói:  “Để giải quyết vấn đề này chúng tôi sẽ có những cuộc kiểm tra đột xuất hơn nữa để lập biên bản những trường vi phạm“.

Ông Lã Quý Đôn - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên - đơn vị đầu mối về y tế trường học của Bộ GD&ĐT cho biết, trước nguy cơ dịch tiêu chảy cấp đang có diễn biến phức tạp, Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên mới soạn thảo công văn khẩn về phòng chống dịch tiêu chảy cấp và bệnh tay - chân - miệng, trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để ban hành. Ngoài ra, Bộ cũng đang soạn thảo văn bản gửi các Sở GD&ĐT, yêu cầu rà soát, đề xuất các giải pháp và báo cáo với UBND tỉnh, thành phố, nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong y tế trường học.

“Bộ cũng đang soạn thảo công văn để gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ đạo các ban ngành địa phương phối hợp với ngành giáo dục cải thiện vấn đề vệ sinh trường học, tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí, trang thiết bị và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề y tế trường học” - Ông Đôn nói. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.