Người dân kiệt sức vì lũ dồn dập

Người dân kiệt sức vì lũ dồn dập
TP - Chỉ chưa đầy một tháng trong năm nay, có tỉnh miền Trung phải hứng chịu 5 cơn lũ dồn dập, trận sau lớn hơn trước, khiến hàng vạn hộ dân vơi dần khả năng chịu đựng. Lụt mới chồng lên lụt cũ làm cho đời sống người dân lâm cảnh kiệt quệ.

Bằng thuyền nhỏ của người dân khu vực 4 - Xuân Phú (Huế) từ sáng sớm 12/11, chúng tôi tìm cách len lỏi vào các vùng bị ngập sâu ở khu vực Nhất Đông (An Đông). Mọi hoạt động giao thông trong vùng của hơn 300 hộ dân nơi cuối nguồn sông Như Ý đã bị tê liệt hoàn toàn.

Đầu thôn Nhất Đông, cả vùng dồn dập tiếng trống. Thì ra, cây cầu duy nhất nối thành phố với “vùng sâu” này đang có nguy cơ bị cuốn trôi do lũ tràn về quá dữ dội. Cả thôn đã huy động lực lượng ra cứu hộ, nhưng cuối cùng cây cầu bê tông vững chãi vẫn bị lụt cuốn sập. Nhiều thanh niên trong thôn vì cứu cầu suýt bị lũ cuốn trôi.

Sống bên cạnh cây cầu Nhất Đông, chị Hoàng Thị Ty không giấu được sự lo lắng, không còn cầu, nay mai con em trong vùng không biết làm thế nào để sang bờ bên kia để đến trường; nếu đi đường vòng phải mất nửa ngày, việc qua lại làm ăn của hàng trăm hộ dân sẽ ra sao?...

Đây là đợt lũ thứ năm, nhà ở gần sông, cả năm lần gia đình chị Ty phải dắt díu nhau đi “tạm trú” nơi khác vì nhà cửa bị ngập lụt lên đến cửa sổ. Chồng làm thợ hồ, vợ bán cháo bánh canh chạy gạo hàng ngày, nhưng hơn nửa tháng nay hai người chỉ đi làm vẻn vẹn có 10 ngày, tiền công không đủ đong gạo, thời gian còn lại phải lo vật lộn với lũ lụt.

Khi chúng tôi ghé nhà chị Ty vào buổi trưa, cả gia đình phải ăn tạm nồi cháo nguội lạnh không bán được, còn thừa lại từ sáng hôm trước. Anh Tuyến chồng chị Ty than thở, dân vùng lũ dường như đã kiệt sức, hũ gạo dần vơi theo ngày lụt vì không đi làm được.

Theo anh Tuyến, dù có gạo, nhiều người dân cũng phải nhai mì tôm sống, vì bếp núc không biết kê vào đâu để nấu. Đồ đun cũng hết sạch do đã dồn cho những trận lụt trước.

Ông Nguyễn Thạnh ở cùng thôn cho biết, tình cảnh gia đình chị Ty cũng là thực trạng chung của nhiều hộ dân vùng lũ. Lũ đến người dân trong vùng gác lại chuyện mưu sinh để lo đi sơ tán, chưa kịp ổn định lại cuộc sống sau cơn lũ cũ lại tất tả di dời khi cơn lũ mới ập đến. Trong nhà có được con gà, con heo nuôi phòng khi túng thiếu, nhưng người dân đành phải bán non, bán tháo để đề phòng lũ lụt cuốn đi mất.

Người lớn khổ vì chuyện áo cơm đã đành, con trẻ cũng nhọc nhằn với việc học. Gần một tháng nay, trẻ em vùng lũ TT- Huế nói chung và tại Nhất Đông nói riêng, chỉ được đến trường hơn 15 ngày vì lý do lụt lội.

Từ Nhất Đông, chúng tôi quay về thành phố, chỉ sau một buổi sáng, toàn bộ những dãy nhà hai bên đường Nguyễn Lộ Trạch đều bị ngập sâu từ 0,5 - 2m. Trên gương mặt của nhiều người dân ven đường nặng trĩu nỗi lo.

Không lo sao được, vì đây là trận lụt được dự báo có mức nước tương đương với cơn đại hồng thủy lịch sử tháng 11 năm 1999, nhiều mối hiểm nguy đang rình rập ở phía trước.

Quảng Nam: Dân trèo nóc nhà kêu cứu !

Người dân kiệt sức vì lũ dồn dập ảnh 1
Quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng cứu trợ dân vùng lũ phường Hòa Xuân sáng 12/11

Cho đến sáng 12/11, lũ lụt đã chia cắt hoàn toàn tỉnh Quảng Nam. Mức nước cũng như cường suất lũ lần này là chưa từng xảy ra. Đường quốc lộ bị ngập, đồng thời tất cả các tuyến QL, tỉnh lộ, liên huyện đã bị cô lập, gây tắc nghẽn giao thông, hàng ngàn phương tiện bị kẹt phải nằm lại trên đường. CSGT đã cấm đường từ sáng 12/11.

QL 1A tại Vĩnh Điện, nước ngập sâu 2m. Vùng  tây Quế Sơn, nước ngập gần đến đường dây điện cao thế...

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Phó Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Người dân tại Điện An (Điện Bàn), Cẩm Kim, Cẩm An (Hội An) đã điện vào máy ông, kêu cứu rằng, họ chỉ còn cách trèo lên nóc nhà. Nước quá lớn, chảy xiết, không tàu thuyền nào đến được.

Thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ làm hơn 30.000 ngôi nhà của người dân ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An bị ngập sâu từ 1 đến 2,5 m, nhiều nơi nước ngập sâu trên 3 mét!

Tại TP Tam Kỳ, nước lũ chia cắt nhiều đoạn trên đường Phan Chu Trinh (QL 1A), Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du. Nhiều khu dân cư các xã, phường vùng Đông của TP đã bị ngập sâu trong lũ.

Ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch xã Duy Hải (Duy Xuyên) thông báo, sáng 12/11, nước lớn chảy xiết đã làm 75 tàu thuyền của ngư dân Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Triều (Thăng Bình) đang neo đậu tại khu tránh bão Hồng Triều (Duy Nghĩa) bị đứt dây, trôi dạt.

Thông tin từ UBND tỉnh, đã có gần 50 tàu đã được lực lượng cứu hộ BĐBP lai dắt về đậu từ Cù Lao Chàm, còn lại, đang nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, theo ông Thống, khả năng tìm kiếm được là rất khó bởi nước quá lớn, có thể các tàu trên đã  bị  chìm.

Tại Thị xã Hội An nước lũ đã đạt đỉnh 3 m, chính quyền đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 3.000 người già và trẻ em tại vùng trọng điểm lũ là Cẩm Kim, Cẩm Châu và Cẩm Nam đến nơi an toàn; trưng dụng 32 tàu công suất lớn của ngư dân, 5 ca nô của lực lượng vũ trang cùng 20 xe khách để di dời dân và cứu hộ các di tích.

Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ tịch tỉnh cho biết, đã kiến nghị với Trung ương chi viện máy bay trực thăng, xe lội nước để ứng cứu dân khi cần thiết. Hôm nay, Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Nam 30 tấn mì ăn liền.

Trong ngày 12/11, gần 60.000 học sinh trên địa bàn tỉnh đã nghỉ học để phòng tránh rủi ro trong lũ.

Đà Nẵng: 15 xã bị cô lập hoàn toàn

Mờ sáng 12/11, 50 cán bộ chiến sĩ CA huyện Hòa Vang đã phải chặn ngang QL 1A cung đoạn ngã ba Cẩm Lệ, bởi xã Hòa Phước gần như chìm trong biển nước. Xe khách, xe tải lưu thông Bắc Nam nối đuôi nhau hàng đàn nằm “bẹp gí” ở Cẩm Lệ, hàng ngàn hành khách phải dừng lại ở Đà Nẵng, nhiều khả năng thời gian bị kẹt sẽ kéo dài.

Tại chân cầu Cẩm Lệ, hàng ngàn người dân trong “đất liền” đứng ngóng về phía phường Hòa Xuân, nơi đang chìm trong biển nước, ở đó, gần 13.000 người dân đang chờ cứu giúp.

Hơn 12h trưa, chúng tôi lên thuyền máy của UBND quận Cẩm Lệ, mang theo mỳ tôm, nước uống trực chỉ Hòa Xuân. Bà Phan Thị Mẽo một mình chèo thuyền ra nhận mỳ tôm, nước ngọt, thảng thốt: “Còn hơn cả trận lũ năm 1999. Khốc liệt quá!”.

Thuyền lướt qua toàn bộ địa bàn phường, hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong mênh mông nước. Heo, gà, vịt... quang quác một vùng, rác rưởi, đồ vật gia đình trôi lềnh bềnh. Trời vẫn mưa quay cuồng, nước vẫn chưa có dấu hiệu xuống.

Gia đình cuối cùng còn “cố thủ” trong nhà, hy vọng nước xuống là gia đình ông Nguyễn Văn Lượng (thôn Cổ Mân). Tuy nhiên, đến 15h30, 5 người trong nhà đã phải lên thuyền sang ngôi nhà 2 tầng bên cạnh. Cô con gái bơi lên thuyền, run rẩy: “Nước lên nhanh quá, cả nhà bơi không kịp, may có thuyền đến”.

Gần 16h, chúng tôi giong thuyền trở ra, trời lại mưa xối xả, ngoảnh mặt nhìn lại, Hòa Xuân chỉ còn là một chấm đen giữa sóng bạc trắng xóa...

Cuối ngày hôm qua, tin từ Ban PCLB TP Đà Nẵng cho hay, đã có gần 100 ngàn dân ở 15 xã, phường của huyện Hòa Vang và 2 quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị cô lập hoàn toàn.

UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo dốc toàn lực ứng phó với trận lũ lịch sử. Các lực lượng như quận đội, công an, Hải quân vùng 3, QK V, Tiểu đoàn cảnh sát cơ động... đã đưa những phương tiện như xe tải, ca nô, thuyền máy... vào các vùng bị chia cắt để khẩn trương đưa dân đến nơi an toàn.

Hôm qua, 12/11, Đà Nẵng đã có 2 người chết do nước lũ cuốn trôi. Đó là chị Trần Thị Đông (29 tuổi) là CN nhà máy dệt Hòa Thọ và anh Lê Văn Quý (Hòa Châu - Đà Nẵng)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.