Nếu cá sấu sổng thoát ra sông, hồ sẽ cực kỳ nguy hiểm

Nếu cá sấu sổng thoát ra sông, hồ sẽ cực kỳ nguy hiểm
Ông Đỗ Quang Tùng, Chánh văn phòng Cites Việt Nam - cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, thuộc Bộ NN&PTNT cho biết như vậy, sau sự cố hàng loạt cá sấu của trại nuôi Yang Bay (Khánh Hòa) bị sổng chuồng vào ngày 10/11. 

>> Truy tìm cá sấu sổng chuồng vì lũ
>> Cá sấu sổng chuồng : Người dân bắt được rồi ... xẻ thịt

Nếu cá sấu sổng thoát ra sông, hồ sẽ cực kỳ nguy hiểm ảnh 1
Cá sấu bò lên rừng.

Ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm khi cá sấu nuôi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên?

Cá sấu là loài ăn thịt, sẽ rất nguy hiểm khi chúng thoát ra ngoài sông hồ. Nếu có người xuống tắm hoặc có những hoạt động dưới nước thì không biết sẽ xảy ra những nguy cơ gì.

Tại các nước, xung đột giữa cá sấu và người vẫn xảy ra. Ví dụ Australia mỗi năm chết vài chục người vì cá sấu tấn công.

Theo tôi biết, phía tỉnh Khánh Hòa đã ra cảnh báo cho người dân sống xung quanh khu vực. Tỉnh đã huy động gồm cả quân đội công an, các ngành khác để bắt bằng được số cá sấu sổng chuồng.

Cá sấu không phải là loài bé, rất dễ phát hiện. Mặt khác, nếu nó thoát ra môi trường khác ngoài môi trường nó đã sống thì tập tính sẽ thay đổi. Lúc đó, nó sẽ hay nổi lên hoặc làm gì đó khác lạ, người dân do đó dễ phát hiện. Tôi tin là họ sẽ bắt nhanh số cá sấu này.

Trường hợp không bắt hết, khả năng số cá sấu sót lại thích nghi với môi trường tự nhiên như thế nào?

Đối với con vật, nếu bố mẹ được nuôi nhốt, thế hệ con mang trả về rừng thì khả năng thích nghi với môi trường rất kém. Năm 2000, Cites Việt Nam đã tổ chức đưa trả tự nhiên một số cá sấu thuần chủng nước ngọt, thả về vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện nay đàn cá sấu đó đang sinh sản tốt. Nhưng đến nay đã 7 năm, chúng vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với tự nhiên.

Hiện cả nước có bao nhiêu cơ sở nuôi cá sấu?

Hiện nay ở Việt Nam nuôi rất nhiều cá sấu nước ngọt, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Số trang trại và hộ nuôi gia đình phải lên đến trên 1.000. Tuy nhiên, số trang trại nuôi mang tính công nghiệp không nhiều lắm, chỉ khoảng 20, còn lại chủ yếu là hộ nuôi gia đình hoặc nuôi vệ tinh cho các trang trại lớn.

Việc quản lý, giám sát các trang trại, hộ nuôi gia đình được thực hiện như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, tất cả loài động vật hoang dã khi muốn nuôi phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm sở tại. Những tỉnh thành không có Chi cục thì đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp chỉ định.

Người nuôi phải đảm bảo các điều kiện như chuồng trại an toàn, giữ vệ sinh môi trường, nguồn gốc vật nuôi rõ ràng và hợp pháp. Ngoài ra, tùy từng loài còn có một số điều kiện về sinh sản.

Chi cục Kiểm lâm địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát việc thực hiện các điều kiện trên. Về phía Bộ Nông nghiệp, ngay trước mùa lũ (vào tháng 4) đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với các trang trại nuôi động vật hoang dã.

Qua kiểm tra, ngành kiểm lâm đã phát hiện những sai phạm gì từ phía người nuôi?

Chúng tôi đã phát hiện một số hộ nuôi cá sấu ở đồng bằng sông Cửu Long có chuồng trại chưa chắc chắn. Cũng có nhiều nhà hàng mang cá sấu về nuôi một thời gian để thịt, nhưng không khai báo.

Nếu cá sấu sổng thoát ra sông, hồ sẽ cực kỳ nguy hiểm ảnh 2
Ông Đỗ Quang Tùng.
Ảnh: VnExpress.

Trường hợp cá sấu sổng chuồng của trang trại Yang Bay, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

Việc cá sấu sổng khỏi trang trại xây kiên cố Yang Bay là do thiên tai, xảy ra ngoài ý muốn, bất khả kháng, nên không lường hết được.

Trong tình hình lũ lụt, không nên đổ lỗi cho bộ nào, trước mắt phải giúp địa phương khắc phục hậu quả và giúp người dân tránh được những thiệt hại có thể xảy ra do cá sấu sổng chuồng. Còn trách nhiệm của ai đã có cơ quan nhà nước làm rõ.

Sau sự cố cá sấu trên, Văn phòng Cites và Cục Kiểm lâm sẽ có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho các trang trại và người dân xung quanh?

Chúng tôi sẽ kiểm tra và có những biện pháp đảm bảo an toàn đối với những trại ở gần nơi có thiên tai. Cụ thể, Cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các Chi cục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ trại nuôi xem có phù hợp với quy trình quy phạm về chuồng trại hay không?

Riêng Cites, chắc chắn sẽ đi kiểm tra điểm ở một số nơi. Nếu các cơ sở không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường thì trước mắt yêu cầu phải hoàn thiện trại nuôi. Nếu trong thời hạn nào đó mà không hoàn thiện thì sẽ tước giấy phép nuôi và tịch thu cá sấu.

Thực sự, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng rất đầy đủ, nhưng thực thi rất khó. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan khác chưa hiệu quả. Một mình kiểm lâm đâu làm nổi.

Bởi việc gây nuôi động vật hoang dã mang tính kinh tế, việc tịch thu cá sấu sẽ ảnh hưởng đến người nuôi và sẽ có phản ứng. Văn phòng Cites Việt Nam lại chỉ có 4 người, trong khi các nước khác, như văn phòng Cites của Campuchia phải 40 người.

Theo Hồng Khánh
VnExpress

MỚI - NÓNG