Mắm có dòi, vẫn là... lựa chọn 'số 1'

Mắm có dòi, vẫn là... lựa chọn 'số 1'
TP - Hàng trăm bao nilông loại 50kg đựng mắm tôm chưa được chế biến, nằm chỏng chơ hứng chịu các đợt triều cường lên xuống bị nhiễm bẩn. Hàng chục lu mắm tôm thành phẩm ruồi nhặng bám đầy.
Mắm có dòi, vẫn là... lựa chọn 'số 1' ảnh 1
Những bao mắm bỏ ở cạnh gốc cây, rác bẩn và nhà vệ sinh tại cơ sở        ở số 10

Cảnh tượng đó đã được chúng tôi ghi lại khi vào cơ sở phân phối mắm tôm cho địa bàn TPHCM ở số 10 đường 37, khu phố 8- phường Linh Đông- quận Thủ Đức.

Tại cơ sở nhếch nhác, ẩm thấp sau đợt triều cường vừa rút đầu tháng 11 này là hàng trăm bao mắm dãi dầm với mưa nắng, nằm lăn lóc bị rác bẩn cùng đất cát bám đầy. Có nhiều bao mắm nằm ngay cống rãnh thoát nước, trong bụi cây và bãi rác.

Bà Đặng Thị Tiếu - chủ cơ sở cho biết, mắm tôm sống vừa nhập về từ các vựa mắm ở Vũng Tàu, Phan Thiết và Nha Trang nên chưa chế biến và phân phối kịp, vì thế, đợt triều cường mới đây nhấn chìm hàng trăm bao mắm. Tuy nhiên, theo bà Tiếu rất may, nước bẩn của đợt triều cường chưa xâm nhập vào các bao mắm bị “ngâm” bởi mắm được gói kỹ bằng nhiều bao ni lông (!?).

Tại một góc rác thải từ các hộ gia đình đổ ra, nằm cạnh một con rạch nước đen ngòm chảy qua sau vườn bốc mùi thối nồng nặc là hơn 20 bao mắm loại 50kg đã có dòi. Trong khi đó, do diện tích khiêm tốn, mắm lại tập kết về nhiều nên để tràn cả ra khu vực gần nhà vệ sinh.

Gần như ngóc ngách nào của cơ sở này đều có sự hiện diện của mắm. Mỗi lu mắm thành phẩm đều nằm chỏng chơ, không được che đậy. Điều khiến người chứng kiến phải rùng mình là những lu mắm này lại được để cạnh những bể nước ngâm tre làm chổi bị tre thối.

Mắm có dòi, vẫn là... lựa chọn 'số 1' ảnh 2
Mắm tôm đầy dòi rất dễ nhiễm vi trùng tả

Theo bà Tiếu, số mắm từ các bao đựng mắm dầm mưa dãi nắng này sau khi được đổ ra từng chum lớn để phơi rồi chiết vào từng can nhựa khoảng 20 lít, từng bao nilông nhỏ để xuất bán.

Tuy nhiên, theo chủ cơ sở này, hơn một tuần nay lượng mua mắm từ các đại lý, các cơ sở kinh doanh ăn uống có sút giảm nên mắm chưa bán được. Vì vậy, đành phải để chúng nằm ngổn ngang giữa những nơi dơ bẩn.

Theo quan sát của chúng tôi, trước khi xuất bán, chủ cơ sở này chỉ việc rửa sạch phần ngoài của bịch và bao nilông, còn phần mắm bị dòi sẽ được “lọc” lại thông qua một tấm lưới nhỏ. Phần mắm chảy xuống vẫn được đóng bịch bán đi.

Bà chủ cơ sở này cho rằng, mỗi kilôgam mắm sau khi chế biến sẽ được bán với giá 4.000 đồng. “Mỗi ngày chúng tôi xuất bán cho các đại lý ở các chợ lớn ở thành phố như Bà Chiểu, Bình Triệu, Hóc Môn, Bình Tây khoảng 200kg. Đó là chưa kể một lượng hơn 100kg/ngày bán cho các quán nhậu thịt chó, quán ăn bún riêu...” - Bà Tiếu không giấu giếm.

Vẫn theo bà Tiếu, mắm của bà được coi là lựa chọn “số 1” tại thành phố hiện nay, bởi nguồn gốc mắm từ các vựa mắm nổi tiếng, sạch nên nhiều người thích. 

MỚI - NÓNG