Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ...

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ...
TP - Dễ non nửa năm tôi mới lại ghé qua Hội trường Ba Đình (HTBĐ). Cái mới thấy ngay là hàng chục hay hàng trăm đây, những gốc thụ mộc, choai choai lẫn lụ khụ đã được đánh số bằng màu sơn trắng. Gộc xà cừ cành lá rườm rà ngay chỗ cổng ra vào chỗ hông đường Bắc Sơn dễ chừng bốn chục năm tuổi được đánh số 01.
Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ... ảnh 1
Mặt tiền Hội trường Ba Đình

Tản bộ trong khuôn viên một hồi tôi loáng thoáng thấy những con số khoanh sơn trắng 50-53, rồi 60... chắc không dừng lại ở con số đó? Để làm chi vậy? Anh cán bộ bảo vệ cho hay, có thể là đốn đi và có thể là giữ lại theo quy hoạch!

Cũng là phải nhẽ cả. Ta làm chi bây giờ cũng phải theo quy hoạch (tất nhiên nên tránh quy hoạch treo từng làm khổ dân) chứ chẳng thể bừa với ẩu được. Chắc quy hoạch khác kế hoạch ở chỗ ấy?

Đến như thứ thụ mộc vô tri kia đang còn có số lẫn phận nữa là? Dễ ngày thường, thứ thụ mộc này những là tỏa mát, che nắng, chắn gió làm sinh sắc thêm cảnh quan chắc chả mấy người để ý?

Tôi không rõ mai kia trong danh mục những thứ được giữ lại để sung vào nhà Bảo tàng của QH có gốc nào đã hết hoặc tiếp tục những nhiệm kỳ tỏa mát làm đẹp ấy không?

Khuôn viên Ba Đình ắng lặng. Những cụm cỏ gianh cỏ gà mới chỉ có vài tháng vắng hơi người qua lại và xén tỉa đã nhổng đã vồng lên chờm hờm chắn gần kín các lối đi.

Cái giống cỏ hoang ấy, ngày thường ngó đến là hiền lành khuôn phép, thậm chí còn khiêm cung làm nền để tôn thêm sắc thắm của giống hồng gai lẫn màu trắng ngà của những hàng ghế đá.

Thế mà mới bẵng đi ít ngày việc chế ngự xén tỉa mà đã hỗn hào thứ bản năng hoang dại lập tức trùm lút làm những khóm hồng đâm ra bấy bớt lẫn yếu thế! Nhưng nào có hề chi, chỉ ít ngày nữa những thứ thảo mộc mà để người nhớ lẫn quên này sẽ biến hết. Để nhường chỗ cho việc xây dựng.

Trí nhớ lại bừng lên một chi tiết. Tấm ảnh ở một kỳ họp QH nào đó, tôi ghi lại tấm hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh là nhà thơ Tố Hữu đang thả những bước chầm chậm trên lối đi mà có đám cỏ gianh đang chờm hờm ra kia, hiện giờ tấm ảnh ấy hẵng còn.

Nhớ thêm bữa ấy, đám báo chí có hỏi cảm tưởng của Võ Đại tướng khi lần đầu nghe cái câu hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu.

Mới như vừa hôm qua thôi mà bây giờ tất tật đã là quá vãng! Lại lẩn thẩn nhớ thêm câu trời thu xanh vàng nắng Ba Đình... của thi sĩ kiêm Phó Thủ tướng.

Bữa nay là ngày cuối của tháng 9 âm lịch đúng Tiết lập đông nhưng sắc xanh trên đầu Ba Đình vẫn vòi vọi chứ chưa nhuốm gam xám muôn thuở của cữ đông.

Ánh nắng lọt qua những tàn cây tãi xuống khắp khuôn viên không hề bất động mà chợt như có chi đó đang rung rung. Mãi lúc này tôi mới nhận ra tiếng cu đang gù. Mà chả phải độc âm. Mà là một chùm ba, bốn.

Cái giống cu gáy cu cườm (con nào cũng đeo một chuỗi hình cườm trên cổ nên có tên ấy) chúa là hay lên giọng và rất bắt tai người nghe vào cữ nắng hanh hanh vàng này đây. Mà muốn thưởng thứ ấy là phải dạt mãi về mạn trung du thì mới có.

Chao ơi ngay giữa Hà thành ninh ních âm thanh của người lẫn xe cộ mà chợt được thưởng giọng cu cườm này thì lãi quá! Mà đâu chỉ thưởng bằng tai.

Thấy tôi cứ giương mãi cặp mắt kèm nhèm về phía chùm âm thanh như châu gieo thoa ném ấy, cậu Huy trong bộ phận bảo tàng của QH kéo tay tôi đấy đấy...

Mãi một hồi tôi mới nhận thấy một đôi cu cườm trên nhánh nhãn đang gù đối với một đôi khác trong lùm xà cừ mà chả nhìn thấy được. Thấy tôi suỵt Huy đừng kéo tay với lại nói khe khẽ thôi thì Huy cười toáng lên cho hay ở khu vườn này các giống chim rất là dạn người.

Nhát đến như cu cườm cũng thế. Tinh là giống hoang cả. Có nuôi, có chăm bẵm cho ăn uống gì đâu. Thế nhưng chúng rất dạn người. Lắm buổi chúng vẫn sà xuống cùng bầy sẻ khắp sân. Có người bên mà vẫn gù thật lực. Lại chợt nhớ câu "nó đi nhặt thóc quanh bồ công văn". Chim trong thơ ấy chắc là giống bồ câu chứ chẳng phải cườm thế này?

Chợt nhớ một buổi trà dư nhân chuyện chim chóc mạn đồng rừng với cụ Kim Lân. Cụ có cho hay cái giống cu cườm là khoảnh lắm, tiết tháo lắm. Đi kiếm ăn hay có biểu diễn gù giếc là tinh đi lẻ chứ không quần cư với giống loài nào nhất là loài ri chim sẻ mà các cụ ví là cái giống tiểu nhân!? Thế mà ở khu khuôn viên này có khác...

Bằng cớ là giống sẻ tiểu nhân cứ suốt ngày lích chích bên cạnh giống cu cườm bệ vệ? Đất lành chim đậu hay ở ngoài khoảng xanh kia, bất thần lại nhô ra những tay bặm trợn lăm lăm khẩu TOZ8 thể thao lùng săn tất tật các giống điểu ở Hà thành?

... Đã hẹn với một anh trong đội bảo vệ rằng nhằm cái buổi tháo ghế trong hội trường thì ới cho một tiếng thế mà vẫn trật! Vậy sáng nay lại thêm cảm giác gần như hoang lạnh khi đứng giữa Hội trường mênh mông.

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ... ảnh 2
Những gốc cây được đánh dấu.

Nhiều buổi cũng đứng thế khi QH tan họp nhưng là giữa cái vắng lặng có đèn có ghế chỉ là không có người thôi chứ chẳng phải bặt vắng trống trơn không bàn ghế lẫn đèn đuốc thế này!

Dưng mà cũng phải thôi, cái ghế trong này cũng như một số cây ngoài kia, dường như chúng đã hết nhiệm kỳ, xong phận sự...

Hôm sau tôi có sang nơi tập kết đội hình ghế tháo ra từ Hội trường Ba Đình hiện bày, nói đúng hơn là được cất ở một cái kho lớn của quân đội bên Gia Lâm. Chỉ là cất tạm vì thiếu nơi chứa. Đợi mai kia nhà QH xây xong sẽ có diện tích hợp lý cho Bảo tàng.

Tôi không rõ trong số đó bao nhiêu chiếc sẽ được sử dụng tiếp, nói theo kiểu tếu táo của anh bạn đồng nghiệp cùng đi là được “bầu” lại, nhưng mục đích chính vẫn là cất giữ để mai kia sung vào đội ngũ hiện vật của Bảo tàng QH.

Ngó những hàng ghế dành cho Đoàn chủ tịch, ghế dành cho khách mời trong nước lẫn ngoài nước, ghế dành cho đại biểu dự thính... và lô ghế dành cho báo chí... hình như đến thời điểm này, tất tật đang quần tụ lẫn bình đẳng san sát bên nhau.

Kho ghế này là cả một kho chuyện. Tôi nghe phong thanh chiếc ghế dành cho Bác Hồ trong Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964 hình như đang còn mà chỉ thất lạc đâu đó sắp tìm ra?

Có cái ghế này thì còn. Đó là một chiếc ghế quá khổ. Chả là trong lần Đại hội Đảng IV năm 1976, có một đại biểu trong đoàn đại biểu của Đảng anh em châu Phi (xin bạn đọc cho phép tôi không nói tên cụ thể cá nhân lẫn Đoàn ĐB ấy) số đo vòng 3 hình như hơi bị lớn nên không vừa với tất tật các kích cỡ ghế hiện có ở Việt Nam.

Ban tổ chức đành phải gấp rút đóng chiếc ghế này sau khi đã đo đạc theo cách ướm bằng mắt! Thế mà vừa in. Vì độc đáo thế nên chiếc ghế nọ được giữ lại phòng khi có sự quá khổ của khách quốc tế nào nữa chăng? Nhưng từ bấy (năm 1976) cho đến nay chiếc ghế vẫn để trống thế! Với bạn bè quốc tế, người xứ mình bao giờ cũng tận tình chu đáo là thế!

Không phải chỉ có ghế. Phụ trách gìn giữ toàn bộ cơ ngơi này là chị Toàn, ĐBQH khóa X. Từ một cô giáo ở đất Chí Linh, Hải Dương, nay chị Toàn chững chạc ở vị thế sắp phụ trách cả một nhà bảo tàng của QH.

May cái là chị học ngành cận-hiện đại của Khoa Sử Đại học Tổng hợp nên khi được phân công đảm nhận công việc này cũng đỡ bỡ ngỡ. Nhưng công việc phải đảm trách chả đơn giản chút nào.

Chi tiết chị nhắc lại cho tôi làu làu điểm 2 Điều 2 Nghị quyết QH ngày 2-4-2007 rằng Triển khai xây dựng nhà QH bảo đảm cao nhất chất lượng thi công an toàn thuận tiện cho hoạt động của QH và cần được triển khai đồng bộ với việc bảo tồn di tích lịch sử đủ biết chị đã đau đáu với việc mình được giao như thế nào. Mà nhân sự của bộ phận mai kia sẽ là Bảo tàng hiện chỉ có 6 người.

Làm cách gì thì làm, nhưng những giá trị lịch sử của HTBĐ không mất đi mà được bảo tồn bằng hiện vật, hình ảnh, mô hình trong Bảo tàng. Công việc hiện tại đã và đang ráo riết tiến hành là xây dựng mô hình HTBĐ. Xây dựng phim tư liệu lịch sử về HTBĐ. Lựa chọn hiện vật và tổ chức hội thảo khoa học để xác định hiện vật HTBĐ. Lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử HTBĐ.

------------------

* Còn nữa

Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.