Không thể dùng biện pháp 'sốc' với dân

Không thể dùng biện pháp 'sốc' với dân
TP - Về đề xuất thu phí giao thông giờ cao điểm của Cục Đường bộ, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cảnh báo: Nếu áp dụng các biện pháp trên dễ gây “sốc” cho người dân.

>> Sẽ phải nộp phí giao thông trong giờ cao điểm?

Học thứ Bảy, Chủ nhật, nghỉ… 2 ngày thường

Không thể dùng biện pháp 'sốc' với dân ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí giao thông vào giờ cao điểm dễ gây "sốc" cho người dân. Ảnh: Phạm Yên

Sáng 22/11, Cục Đường bộ VN tổ chức cuộc họp xung quanh vấn đề này với sự có mặt của đại diện TP Hà Nội, TP HCM và các chuyên gia ngành GTVT. Ý kiến thì nhiều, nhưng xem ra cũng phức tạp và rối như...ùn tắc giờ cao điểm.

Ông Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ (CA TP HCM) có ý kiến na ná Cục Đường bộ khi nêu 2 giải pháp: Cho phương tiện cá nhân vào thành phố giờ cao điểm có thu phí. Có như vậy, các phương tiện sẽ phân tán các giờ khác nhau.

Ưu điểm của giải pháp này là, người dân không phải làm việc lệch giờ, lệch ca. Việc này cũng nhằm đánh vào túi tiền người tham gia giao thông. Trước đây, TP HCM đã nghiên cứu thực hiện với xe tải khi vào nội thành. Tuy nhiên, việc bố trí các điểm thu phí là một vấn đề.

Giải pháp thứ 2 là, hạn chế xe mô tô, xe gắn máy hoặc vẫn cho đăng ký mới nhưng phải có xe cũ chuyển vùng hoặc bị thải loại thay thế; tổ chức lại các tuyến đường bằng cách tạo ra nhiều đường một chiều, cấm rẽ trái.

Ông Dương Hồng Thanh-Phó GĐ Sở GTCC TP HCM lại nói: Năm 2004, UBND TP HCM đã từng trình một đề án đề xuất tổ chức lại giao thông từ 2005 đến 2010. TP HCM cũng từng có nghị quyết liên tịch yêu cầu một số người dân dùng xe buýt đi làm nhưng cuối cùng chưa thực hiện được.

13 khu công nghiệp được gửi thư đề nghị sử dụng phương tiện công cộng chở công nhân đi lại thì đều phản ứng cho rằng chính quyền không tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Thậm chí Sở GTCC TP HCM và các ngành liên quan từng dùng xe buýt và cô bảo mẫu đến tận nhà đón các cháu bé mẫu giáo nhưng không được các bậc phụ huynh hưởng ứng.

Phương thức thu như ông Thanh đề xuất : Xe đăng ký mới  giao cho bên CSGT thu, xe cũ thì giao cho chính quyền địa phương hoặc thu qua các đại lý bán xe.

Về phía Cục Đường bộ VN, ông Nguyễn Văn Quyền-Phó Cục trưởng có ý kiến là nên tập trung vào giải pháp hành chính-kinh tế một cách khả thi. Theo đó, ông Quyền dẫn ra các phương thức như sau: Mềm hóa việc buộc học sinh, sinh viên đi xe buýt bằng cách cho sinh viên  học vào thứ Bảy, Chủ nhật và nghỉ bù vào... 2 ngày thường; giờ đi học và giờ kết thúc muộn hơn (khoảng 7 giờ).

Ông Quyền đề xuất giảm giá xe buýt hoặc miễn phí cho người đi lại vào giờ thấp điểm, ngược lại sẽ tăng giá vé vào giờ cao điểm. Tuyên truyền để tăng tỷ lệ người đi bộ, tuy nhiên phải đảm bảo vỉa hè và cầu vượt cho người đi bộ.

Về biện pháp kỹ thuật, nên tăng tiêu chuẩn về khí thải; giới hạn hạn sử dụng cho xe ô tô con, mô tô (xe cá nhân dùng) bằng cách áp niên hạn sử dụng (Luật hiện nay chỉ quy định niên hạn với xe vận tải khách).

Chu kỳ đèn tín hiệu giao thông tuy ở các mức khác nhau nhưng chưa phù hợp lưu lượng người qua lại giờ cao điểm. Có đại biểu dự họp thậm chí còn đề xuất là, cứ mạnh dạn triển khai dù dư luận thế nào.

Không thể áp dụng cách làm của nước ngoài

Có nhiều ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cảnh báo: Nếu áp dụng các biện pháp trên dễ gây “sốc” cho người dân. Trong khi Quốc hội và Chính phủ có xu hướng bỏ phí và lệ phí cho người dân thì Cục lại đề xuất ban hành phí đăng ký phương tiện, nhất là mức thu nêu ra lại khá cao.

Nếu hạn chế phương tiện cá nhân ở 2 thành phố lớn thì người dân lại về tỉnh khác đăng ký và đưa xe vào thành phố lưu thông. Ông Hùng cho rằng không thể lấy chuẩn của Singapore để áp dụng cho Việt Nam vì Singapore chỉ nhỏ như một tỉnh của nước ta.

Ông Lý Duy Tuấn- Viện Chiến lược và Phát triển GTVT có ý kiến: Không thể áp dụng cách làm của thủ đô Băng Cốc của Thái Lan vì họ đã phải chi tới 42 tỷ USD để cải thiện tình hình giao thông qua triển khai 7 đại dự án.

Nhiều chuyên gia khác cũng không đồng ý với đề xuất của Cục Đường bộ vì đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, “đánh” vào người dân. Trong khi nguyên nhân ùn tắc giao thông phải giải quyết ở tầm vĩ mô như việc quy hoạch đô thị. Cụ thể là chuyển các cơ quan, trường học, nhà máy... ra ngoại thành. Chủ trì cuộc họp, Phó Cục trưởng Đường bộ VN Nguyễn Văn Thanh cũng có ý kiến: Giải pháp tổng thể là quy hoạch.   

Cuộc họp đề xuất giải pháp này để lấy ý kiến cho đề án chống ùn tắc giao thông trình Bộ GTVT. Theo ông Trần Ngọc Thành –Phó Vụ trưởng Vận tải có thể ngày 15/12 tới đây, Bộ GTVT sẽ trình đề án này lên Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.