Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi

Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi
TP - Chợ gò Tà Mâu (thuộc Takeo, Campuchia) được xem là rốn buôn lậu. Dọc suốt chiều dài 2km, chợ trời này có tới 19 kho hàng lúc nào cũng đầy ngắc ngứ đồ điện máy, điện tử, điện lạnh, quần áo, mỹ phẩm, thuốc lá...
Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi ảnh 1
Hàng lậu đổ về gò Tà Mâu 

T. “biên giới”, một tay đang làm nhiệm vụ “nằm vùng” ở khu vực giáp đường biên Châu Đốc, An Giang rủ rê tôi lên Gò Tà Mâu du ngoạn. T. “biên giới” gợi ý óc tò mò của tôi rằng ở vùng này không chỉ có hàng lậu mà còn có cả sòng bạc (casino).

Tôi làm một chuyến du ngoạn theo đường “tiểu ngạch” sang bên chợ Gò ngay trong mùa nước nổi… 

Bài 1: “Đệ nhất lậu thị”

“Đệ nhất lậu thị”

Từ thông tin trước chuyến “du ngoạn” mà tôi thu thập được từ cơ quan chức năng có thể hình dung chợ gò Tà Mâu (thuộc Takeo, Campuchia) này như sau: Chợ trời gò Tà Mâu được xem là rốn buôn lậu ở An Giang. Dọc suốt chiều dài 2km, chợ trời này có tới 19 kho hàng lúc nào cũng đầy ngắc ngứ đồ điện máy, điện tử, điện lạnh, quần áo, mỹ phẩm, thuốc lá và đường cát Thái Lan. Với số lượng hàng hóa lớn, chủng loại phong phú nên chợ trời gò Tà Mâu được mệnh danh là “đệ nhất lậu thị”.

Những kho hàng này nằm cách thị xã Châu Đốc khoảng 3km và cách đường biên giới chỉ từ 50 - 100m. Mặc dù đang là cao điểm của mùa mưa, nhưng theo ước tính, mỗi ngày có không dưới 500 lượt người qua lại vận chuyển, mang vác hàng lậu.

Tập trung nhiều vào ban đêm, từ 21 giờ tới 5 giờ sáng, dân buôn lậu đa phần là người địa phương, sống tại các khu vực như: rạch Trắc Ri, ấp II xã Vĩnh Ngươn; khóm Vĩnh Phú, Vĩnh Chánh phường Châu Phú A; khu vực mương Thốt Lốt, mương Sáu Nhỏ (Khóm Vĩnh Tây II, phường Núi Sam). Đáng chú ý, có tới 12 đối tượng là người An Giang nhưng chạy sang gò Tà Mâu lập kho chứa và bán hàng lậu.

Để chuẩn bị cho cuộc “viếng thăm” khu “đệ nhất lậu thị” này, suốt đoạn đường dài hơn 100km từ Cần Thơ lên An Giang, tôi được T. chỉ dẫn mang phong cách đặc trưng của “thổ địa”: Nào là càng tới Châu Đốc, càng phải ít nói; hạn chế tới mức tối đa sử dụng máy ảnh; bởi tất cả người dân ở đây đều có thể là “tai mắt” của buôn lậu… Bởi thế nhiều quán cơm phục vụ dành cho dân xứ khác đến như V.H, T.H.K,…đều được giới buôn lậu cài cắm người làm tai mắt.

Khi xe chúng tôi gần khu vực núi Sam, trên suốt đoạn tuyến quốc lộ 91, tôi  trông thấy nhiều xe gắn máy chở 2 người đeo đầy túi và thùng hàng phóng vèo vèo ngược chiều về hướng Long Xuyên.

T. giải thích, toàn dân cửu vạn làm công cho chủ hàng ở Long Xuyên. Suốt khu vực này đều có “đề lô” (giới cảnh giác cho dân buôn lậu) canh me các lực lượng chống buôn lậu và những chiếc xe lạ với những dấu hiệu “biển xanh”, đặt còi hụ… xuất hiện.

Khi tình hình êm, “đề lô” sẽ báo cho cửu vạn phóng xe, còn không thì nằm ém tại chỗ. T. vốn là dân nghiệp vụ nên giải thích thắc mắc của tôi vì sao không chặn bắt những cửu vạn: “Các lực lượng chống buôn lậu giờ không bắt nóng, không truy đuổi theo xe cửu vạn mà chỉ phục kích canh những điểm hàng về và đánh úp”.

Trước khi cho xe tiếp tục hướng về khu vực phường Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, vùng biên giới giáp ranh Campuchia để sang gò Tà Mâu, T. “biên giới” bảo lái xe rẽ về khu vực chùa Bà.

Tại đây, T. như tay mua sắm sành sỏi, bước vào một gian hàng bán quần áo “si-da” (hàng đã qua sử dụng) thoăn thoắt lựa cho tôi cùng 2 người bạn mỗi người một cái quần short Jeans, cùng với chiếc áo thun màu mè và một đôi dép quai hậu.

Thoắt một cái, chúng tôi biến thành những tay chơi bụi thứ thiệt bằng số tiền chưa đầy 100.000 đồng. “Mấy ông phải lột xác. Chứ mặc đồ như là cán bộ, thì qua đó “làm ăn” được gì. Muốn có thông tin thì phải cải trang. Ở đây dân từ thập phương đổ về đi chùa hay viếng cảnh hoặc đi điều tra buôn lậu, tụi nó biết tất. Không khéo chưa kịp bước đến chợ gò là mình bị ăn đòn te tua rồi chẳng chơi” – Bằng giọng lõi đời, T. nói.

Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có!

Miền Tây Nam Bộ, mùa mưa kéo dài suốt 3 tháng (bắt đầu từ cuối tháng 6 âm lịch) đã biến vùng trũng Đồng Tháp Mười trở thành chảo chứa nước khổng lồ. Chính yếu tố này được xem là “thiên thời địa lợi” cho dân buôn lậu có đất làm ăn.

Thông thường mùa khô, để qua khu vực gò Tà Mâu theo đường tiểu ngạch, khách chỉ cần trả 35.000 đồng cho cuốc xe ôm chạy xuyên qua cánh đồng dài khoảng 2km là đến chợ gò.

Nhưng thời điểm chúng tôi viếng thăm địa danh này đang là mùa nước nổi nên từ bên phía Vĩnh Ngươn nhìn qua gò Tà Mâu chỉ là một trời trắng xóa. Xe chúng tôi đổ ở một “bến thuyền”.

Khi T. “biên giới” xuất hiện, những chủ thuyền nơi này biết nhẵn mặt anh ta. “Hôm nay cuối tuần, anh T. đưa khách đi mua hàng hay qua trường gà?”, một người hỏi. T. “biên giới” đáp ngay: “Cả hai”.

Được đặt máy nổ loại mã lực lớn nên chiếc tắc ráng lướt như bay trên mặt nước. Chưa đầy 10 phút sau, chợ gò Tà Mâu đã xuất hiện trước mặt. Mọi giao dịch thương mại đều diễn ra trên những căn nhà sàn. Khách mua hàng phải leo trên chiếc cầu thang cao hơn 2m mới đặt chân vào các gian hàng. Có hàng chục căn nhà kiểu như thế nằm rải rác khu gò Tà Mâu và đây chính là “đệ nhất lậu thị”.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi bước vào là của một ông chủ trẻ người Châu Đốc sang mở. Diện tích chỉ rộng chừng 30m2 nhưng ngôi nhà này bày đủ thứ thượng vàng hạ cám từ máy tính xách tay hiệu Compaq, Dell, đầu đọc DVD, MP3… đến dàn amply loa khuếch hiệu Boss… Cái nào cũng được bọc túi nylong trắng kín nhằm ngừa “hà bá” xâm nhập.

Hai cái tủ kính trưng bày hàng đống nước hoa đủ loại nhãn hiệu nổi tiếng CK, Boss… đến đồng hồ Omega, Tissot… Ông chủ trẻ cởi trần trông thấy “thượng đế” thì cười toe toét. 

Thấy chúng tôi săm soi cái laptop IBM Pentium II, ổ cứng 10 G, đề giá 3,5 triệu đồng, chủ nhà đồng ý cho thử rồi nối dây điện cắm vô máy tính, màn hình bật sáng trưng.

Còn nhiều loại laptop giá rẻ như cho nhưng được giao kèo chế độ giao dịch “câm điếc”: “Không thử máy, hên xui mua về dùng được thì dùng không dùng được thì làm đồ cho trẻ con chơi.

“Những thứ này tụi em mua hàng “sôn” (mua toàn bộ container hàng nghĩa địa nhập về) ở Nam Vang nên hầu hết đều xài được. Các anh yên tâm” – ông chủ cửa hàng trấn an chúng tôi.

Ở “nhà sàn” này, những hàng xa xỉ phẩm cũng có. Nhưng những thứ này đều có nguồn từ Thái Lan, giá rẻ không thể tin nổi: Một bịch xà phòng Lux 4 bánh giá 15.000 đồng; một vỉ pin Sony nhỏ 10 cục giá 8.000 đồng…

Rời “nhà sàn” này, chúng tôi di chuyển qua nhà sàn khác trên các con xuồng lá mỏng manh do trẻ em người địa phương chở. Tôi cùng T. đi trên một xuồng do “tài xế” là Kên chở.

Bằng giọng lơ lớ tiếng Việt, Kên cho biết năm nay em 14 tuổi. Trông dáng Kên nhỏ thó, da đen sì vì cháy nắng. Kên vừa dùng đôi bàn tay gầy guộc cố chống cây dầm xuống nước để điều khiển chiếc xuồng một cách cực nhọc, vừa kể cho tôi nghe. Hàng ngày nó kiếm cũng được mấy chục ngàn đồng. Kên đang học lớp 4, khi có khách thì nghỉ học, bơi xuồng, không khách thì đi học tiếp.

Còn nữa

MỚI - NÓNG