10 năm Internet Việt Nam:

Gặp người 'tín chấp' chức vụ để VN vào Net

Gặp người 'tín chấp' chức vụ để VN vào Net
TP - Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Mai Liêm Trực- người vừa được CLB các nhà báo CNTT bình chọn là người có ảnh hưởng nhất đối với Internet Việt Nam, để tái hiện về thời kỳ thuyết phục mở Internet ở nước ta 10 năm trước đây.
Gặp người 'tín chấp' chức vụ để VN vào Net ảnh 1
TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

Quá trình thuyết phục mở Internet ở Việt Nam được xem như cuộc đấu tranh đầy những trăn trở, lo âu giữa tư duy cũ và tư duy đổi mới.

Cuối cùng, Việt Nam cũng bước kịp lên “chuyến tầu xa lộ thông tin” toàn cầu.

“Tín chấp” chức vụ thuyết phục mở Internet

Nếu ai đó cho rằng,  ông là người “mở đường” cho Internet vào Việt Nam, ông có đồng ý?

Thật ra có rất nhiều người tham gia vào quá trình đưa Internet vào Việt Nam.

Thời đó, cũng có nhiều người mong muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn. Là người trong cuộc, tôi đánh giá chúng ta không thể sớm hơn được. May mắn là năm 1997, chúng ta cho mở Internet, mà không bị chậm đi mấy năm.

Nếu chậm mở Internet, đương nhiên chúng ta sẽ bị lạc hậu và đất nước sẽ tụt hậu. Tôi cho rằng, việc đưa Internet vào Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất trong vấn đề đổi mới và chuẩn bị hội nhập quốc tế.

Có thông tin nói rằng, thời đó để thuyết phục mở Internet ông đã phải “tín chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng của mình?

Lúc đó, thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Internet Việt Nam gồm: Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; tôi làm Tổng cục trưởng  Tổng Cục Bưu điện, anh Nguyễn Khánh Toàn - Thứ trưởng Bộ Công an, anh Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ KHCN. Chúng tôi đã báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị.

Thường vụ Bộ Chính trị đã đặt ra câu hỏi nếu mở ra có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? 

Khi đó, anh Khánh Toàn có nói, về văn bản quản lý Internet rất chặt chẽ. Thường vụ Bộ Chính trị hỏi tiếp, nhưng trên thực tế thì sao?

Lúc đó, tôi đứng lên báo cáo rằng đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa các bộ như: Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thông tin rất chặt chẽ. Nhưng trong triển khai, thực tế điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ sẽ không thể nào chặn được hết được những thông tin độc hại trên Internet.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại này. Sau đó thường trực Bộ Chính trị đã đồng ý cho mở Internet và yêu cầu chúng tôi trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Tất cả anh em chúng tôi kéo đến nhà riêng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng đã đồng ý cho mở Internet. Tuy nhiên, khi ra về thì Thủ tướng có vỗ vai tôi nói: “Cố gắng quản lý cho tốt chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới ra sao”.

Thời đó, tôi thấm nhuần câu nói của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là: “Nếu làm việc mà cứ cúi nhìn vào “chân ghế” của mình thì chẳng làm được việc gì cả”.

Tôi cũng đã xác định, nếu mở Internet mà có việc gì xảy ra, mình sẽ phải là người lãnh trách nhiệm đầu tiên và phải sẵn sàng chấp nhận những trách nhiệm này.

Thời đó, lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước quyết định cho mở Internet không phải chỉ nghe về những cái lợi của Internet và những giải pháp ngăn chặn tiêu cực của nó, mà quan trọng đó là niềm tin vào những người thực thi chủ trương này.

Tôi cũng may mắn là có sự tin cậy nên đã dám nói một cách mạnh mẽ và tự tin để thuyết phục mở Internet mà không sợ có sự hiểu lầm.

Khi ông “tín chấp” để thuyết phục cho mở Internet, có lúc nào ông có  lo lắng đến yếu tố rủi ro hay không?

Tôi cho rằng, người lãnh đạo thì chỉ cần thấy đúng khoảng trên 50% người đồng ý là phải quyết, chứ để mọi người nhất trí thì mới quyết thì không cần đến lãnh đạo nữa.

Cho nên, bất cứ một quyết định gì cũng phải chấp nhận độ rủi ro của nó. Lúc đó, về mặt cá nhân tôi không có gì phải lo lắng cả. Nhưng tôi có lo lắng bởi những ảnh hưởng không tốt của Internet đối với xã hội mà mình chưa thể lường trước hết được.

Lúc đó ông tin vào “bức tường lửa” chặn các thông tin độc hại bao nhiêu phần trăm, và tin vào người sử dụng bao nhiêu phần trăm? Khi đó, “bức tường lửa” có là giải pháp về tâm lý để các ông thuyết phục mở Internet?

Thời điểm đó, tôi đã phát biểu nhiều trên báo chí, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ thì “bức tường lửa” không phải là mục đích chính của quản lý, nên không ảo tưởng rằng có thể ngăn chặn được tất cả. Thế nhưng, nhiều người vẫn nghĩ là “bức tường lửa” có thể ngăn chặn những thông tin độc hại.

Khi mới mở, số thuê bao Internet còn ít, nên “bức tường lửa” có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi không sử dụng “bức tường lửa” như là tấm bình phong phóng đại, tô mầu để thuyết phục mở Internet.

Tôi đã phát biểu rằng, muốn quản lý được Internet phải có 3 yếu tố. Thứ nhất, bằng yếu tố kỹ thuật là “bức tường lửa” và các phần mềm khác. Thứ hai, phải quản lý bằng hành chính thông qua các văn bản thể lệ nghiệp vụ khai thác. Thứ ba, quan trọng nhất là vấn đề dân trí.  

Áp lực

Năm 1997, VNPT vẫn độc quyền và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Chính phủ cũng như đối với xã hội. Vậy khi Tổng cục Bưu điện cho mở thị trường Internet, ông có bị “áp lực” gì không?

Tại sao lĩnh vực Internet lại được chọn làm tiên phong cho việc mở cửa thị trường thời đó?

Chủ trương của Chính phủ mở cửa thị trường nói chung và thị trường viễn thông nói riêng đã có từ năm 1995. Nhưng suốt 2 năm, việc triển khai chủ trương này rất khó khăn, nhưng Tổng cục Bưu điện rất quyết tâm mở cửa thị trường này.

Đối với Internet có những thuận lợi hơn viễn thông do yêu cầu bức thiết phải mở cửa của xã hội. Vả lại, thời kỳ đó chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực này.

Mặc dù VNPT có mạng lưới đã được số hóa và sẵn sàng hạ tầng để phát triển Internet, nhưng những lực lượng là giới khoa học, nghiên cứu lại tham gia mạnh mẽ nhất về thử nghiệm công nghệ để mở Internet.

Internet khác ở viễn thông là chỉ phức tạp về vấn đề quản lý dịch vụ và nội dung thông tin, còn về kỹ thuật không quá phức tạp, đầu tư không nhiều nên nhiều doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ này.

Việc Tổng cục Bưu điện có bị áp lực gì hay không khi mở Internet? Tôi phải khẳng định là có, nhưng không nhiều. Lúc đó tôi phải dùng Ban Điều phối Quốc gia về Internet để Tổng cục Bưu điện cùng một ngày cho cả 4 nhà cung cấp là VNPT, FPT, SPT và NetNam hoạt động.

Thời đó cũng có ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam. Vậy ý kiến này có gây áp lực lớn cho các ông hay không?

Thật ra lúc đó ý kiến phản đối việc đưa Internet vào Việt Nam cũng có, nhưng không nhiều, nhưng lại có nhiều ý kiến lo ngại kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Ai cũng nghĩ Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi.

Vì vậy, vấn đề ở chỗ liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Chúng tôi cảm nhận Internet có nguy cơ chậm được mở và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.

Vì vậy, chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng, để mở Internet rồi tính tiếp. Vì vậy, khi làm Nghị định 21 về quản lý Internet có rất nhiều tranh cãi.

Cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sốt ruột cho việc đổi mới nên đã phải quyết định đây là nghị định tạm thời về quản lý Internet để nếu có gì thì tiếp tục điều chỉnh.

Bây giờ chúng ta xem lại nghị định này cũng thấy nhiều quan điểm quản lý rất kỳ cục như: Các cơ quan Đảng và lực lượng vũ trang không được kết nối Internet.

Sau đó, chúng ta tiếp tục chứng minh vai trò và hiệu quả của Internet và tiếp tục thuyết phục cho ra Nghị định 55. Tôi cho rằng, nếu thời đó chúng ta chậm mở Internet 3- 4 năm nữa không biết Việt Nam sẽ lạc hậu đến mức nào.

Sau 10 năm phát triển Internet còn có điều gì làm ông còn băn khoăn theo kiểu “giá như” hay không?

Những gì mà Tổng cục Bưu điện thời đó đã làm là hết sức mình, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Lúc đó mở cửa Internet cũng là một bước để Tổng cục mở tiếp thị trường viễn thông.

Anh em chúng tôi bây giờ không còn băn khoăn gì về chuyện thời đó đã không làm hết mức để phát triển Internet. Đó là cuộc vật lộn với những khó khăn mà trước mắt là khó khăn về nhận thức và tầm nhìn có nguy cơ hạn chế sự phát triển không chỉ riêng về Internet.

Cảm ơn ông!

Nhật Minh
Thực hiện

Gặp người 'tín chấp' chức vụ để VN vào Net ảnh 2
Internet đã mang lại cho người sử dụng máy tính nhiều tiện ích

21,24% dân số Việt Nam sử dụng Internet

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến cuối tháng 11/2007, đã có 5.013.156 thuê bao Internet với 17.872.165 người sử dụng, chiếm 21,24% dân số. Số thuê bao Internet băng rộng đã đạt con số 1.157.930.

Số liệu thống kê chính thức của VNNIC cho thấy tổng băng thông kênh kết nối quốc tế của Việt Nam là 10.508 Mbps; tổng băng thông kênh kết nối trong nước là 25.412 Mbps. Tổng lưu lượng trao đổi qua trạm trung chuyển VNIX đạt 12761309 G. Đã có 54.739 tên miền .vn được cấp phát.

Cho đến thời điểm này, có 7 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ Internet, trong đó Tập đoàn BC&VT Việt Nam, chiếm trên 54% thị phần, Viettel (15,66% thị phần); FPT (17,25%); SPT (3,65%); OCI (2,74%); Netnam (1,51%); EVNTelecom (4,84%).          

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.