Về Nam Định đất văn nhân

Về Nam Định đất văn nhân
TP - Không hiểu sao cho đến tuổi  gần lục tuần tôi mới đến Nam  Định... Tôi đã đến Nam Định ba ngày vào dịp cuối năm 2007, để rồi ám ảnh mãi với miền đất văn nhân này.  
Về Nam Định đất văn nhân ảnh 1
Tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo ở trung tâm TP Nam Định

1. Không hiểu sao cho đến tuổi  gần lục tuần tôi mới đến Nam  Định. Có lẽ tôi tuổi Trâu, lại sinh  buổi chiều, trâu về chuồng, nên rất ngại đi xa nhà. Tính tôi lại nhát, không dám xuất hiện chốn đông người. 

Bởi thế mà bạn thân là nhạc sĩ Huy Tập ở thành Nam cứ tha thiết giục  tôi đến  Nam Định mấy lần, tôi vẫn hứa mà ngại không dám đến.

Sợ phiền toái bạn bè.  “Anh mà đến xứ này, anh  sẽ yêu không dứt ra được !”- Huy Tập bảo thế.

Và tôi đã đến Nam Định ba ngày vào dịp cuối năm 2007, để rồi ám ảnh mãi với miền đất văn nhân này. Mấy năm trước tôi có được bạn bè gửi vô Huế tặng cho vài tập tạp chí Văn nhân, của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định.

Đọc cái tên tạp chí tôi cứ băn khoăn vì nghe nó sao sáo thế nào ấy. Nhưng mấy ngày đến Nam Định, tôi mới vỡ ra rằng, cái tên  tạp chí ấy  rất hay, rất đúng, vì Nam Định là đất văn nhân từ trong thăm thẳm lịch sử…

Dọc đường từ Hà Nội về Nam Định, tôi đã lục lọi trong trí nhớ mớ kiến thức lịch sử hổ lốn chữ được chữ mất  của mình, lọc ra được đôi điều kiến thức về Nam Định để làm vốn ứng đối khi cần thiết.

Thời Nhà Nguyễn, Nam Định là một trong 3 thành phố lớn nhất nước ta, chỉ sau Huế và Hà Nội. Ở Nam Định có Cột cờ, giống Cột cờ Hà Nội, xây từ thời vua Minh Mạng. Nam Định có Văn Miếu, có trường thi hương, thi hội. Chính Nguyễn Du đã thi đậu ra làm quan thời vua Tự Đức từ Trường thi này.

Nam Định có nhà máy dệt do Pháp xây dựng từ 100 năm trước, người lao động ngành dệt năm cao nhất, chiếm hết  một phần ba dân số thành phố, là trung tâm dệt may lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời chống Mỹ. Chỉ chừng ấy thôi đã xứng danh là một đô thị lớn, có tầm ảnh hưởng đến cả nước.

Nam Định là quê hương của Trần Hưng Đạo và nhiều tướng tài họ Trần. Thời hiện đại, Nam Định đã sinh ra rất nhiều nhà lãnh đạo tài ba của Đảng như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ… Nhưng thôi, không ai có thể kể hết lịch sử, dù chỉ là lịch sử một vùng đất nhỏ!

2. Ngay buổi chiều đầu tiên tôi đã được Nhà Văn hóa Trung tâm cho xe chở tôi và Huy Tập đi thăm mộ nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính, ở làng Thiện Vịnh, xã Công Hòa, huyện Vụ Bản, cách Nam Định  gần chục cây số. Nguyễn Bính là số một Việt Nam về thơ làng quê.

Về Nam Định đất văn nhân ảnh 2

Thi sĩ Nguyễn Bính

Ông có rất nhiều bài thơ hay về Huế như: Giời mưa ở Huế, Xóm Ngự Viên, Người con gái lầu hoa, Vài nét Huế, Hoa với rượu… viết trong đợt hành phương Nam của nhà thơ đầu những năm 40 của thế kỷ trước.

Giời mưa ở Huế  sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày/ Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói/ Trời mờ ngao ngán một loài mây/ Trường Tiền vắng ngắt người qua lại / Đập Đá mênh mang bến nước đầy/ Đò vắng khách chơi nằm bát úp/ Thu về lại giở gió heo may…

Bởi thế phải đến  thắp nhang lạy ông là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Và tôi đã toại nguyện. Mộ nhà thơ được xây ngoài vườn nhà rất khang trang. Trong nhà là bàn thờ, những kỷ vật của Nguyễn Bính. Tôi và Huy Tập thắp nhang lạy Nguyễn Bính rồi ghi vào sổ lưu niệm.

Theo Huy Tập kể thì trước đây là ngôi nhà cũ của  gia đình, lúc Nguyễn Bính đi xa, người em ở. Để có được ngôi nhà lưu niệm nhà thơ tài hoa,  gia đình đã bàn với ông em đi làm nhà ở chỗ khác, anh em góp tiền sửa sang xây lại ngôi nhà cũ thành nhà  lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính. Ở xứ ta mộ nằm giữa làng quê đầm ấm  thân thuộc châu thổ Sông Hồng này cũng hạnh phúc lắm lắm...

Bái biệt Nguyễn Bính, chúng tôi về trung tâm thành phố, nơi có tượng đài Trần Hưng Đạo cao sừng sững vừa mới dựng năm năm trước. Ở vườn cây cạnh tượng Đức Thánh Trần là mộ nhà thơ Tú Xương.

Ngôi mộ được xây  rất khang trang nằm giữa không gian cây cỏ, hoa lá thoáng đãng đầy chất thơ. Trên bia mộ có khắc câu thơ trong bài Sông Lấp. Đêm nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Đó là không gian đẹp nhất thành phố Nam Định.

Nhắc đến Tú Xương, không ai không nhớ những câu thơ khắc tạc vào lòng người: Quanh năm buôn  bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng… Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không; hay “Đi hát mất ô”: Sợ khi rày gió mau mưa/ Lấy gì đi sớm về trưa với tình.

Tú Xương là một “người ham chơi”, gọi theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Người “chơi” là người “biết”. Nguyễn Công Trứ chơi, Hồ Xuân Hương chơi, Nguyễn Du chơi,Trịnh Công Sơn chơi, đến cả Thánh Gióng cũng là một tay chơi  thượng hạng. Cưỡi ngựa sắt, nhổ tre ngà đánh xong giặc rồi, không thèm xưng vua xưng  tướng, mà bay lên trời chơi với Thiên Hoàng mây gió!...

Bởi vậy mà khi tỉnh quyết định xây mộ cụ Tú, Hội Văn nghệ tổ chức Hội thảo về  thơ , câu đối cụ Tú, tôi nghe nói  có quan chức  đã phát biểu bừa rằng: “Cụ Tú lười học, thi ba lần không đỗ cử nhân, ham tom chát ả đào. Người như vậy không xứng đáng để tôn vinh”.

Người ta nghĩ thế vì người ta không biết độ lớn của những “người ham chơi” lừng lững ấy. Nguyễn Công Hoan gọi cụ Tú là “Thần thơ thánh chữ”.

Nhà văn Nguyễn Tuân thì viết: “Tú Xương, một người thơ, một nhà thơ vốn có nhiều công đức trong trường kỳ xây dựng lâu đài ngôn ngữ Việt…”. Tú Xương thi hỏng vì chất thi sĩ lãng tử của ông không hợp với phép tắc xã hội cũ!

Mộ cụ Tú được tỉnh Nam Định đầu tư xây rất  đàng hoàng, đầu hướng về hồ Vị Xuyên, hồ đẹp nhất Nam Định.  Người dân kể rằng, đây là một khúc sông Lấp xưa. Thời cụ Tú, sông bị lấp cạn, nay người ta tổ chức đào thành hồ để tạo lá phổi cho thành phố, đồng thời để lưu dấu một dòng sông  dù đã bị lấp nhưng đã để lại tên trong lịch sử thơ ca.

Người ta lấy tên làng Vị Xuyên của  cụ Tú để đặt tên hồ. Đó cũng là tên của một phường - phường Vị Xuyên.

Buổi sáng hôm sau, tôi và vợ chồng Huy Tập- Hải Yến dậy sớm  đi bộ thể dục quanh hồ Vị Xuyên. Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác cụ Tú Xương cũng đang đi bộ trò chuyện với mình. Vì cụ mất đúng một thế kỷ rồi, nên cụ không  biết bữa nay có chuyện người thành phố đi bộ sáng tối:

Hồ Vị Xuyên rạng ngày sương khói

Cụ Tú  từ ngôi mộ bên hồ bước ra chống gậy đi bộ với chúng mình:

Cụ hỏi : - Anh chị đi hát về phải không ?

Phố ả đào gần lắm

Đêm xưa ta thường đi hát đến sáng mới về

Có bữa mất ô, mất cả miếng phong tình rất đượm…( NM)

Cụ Tú Xương không có nhà lưu niệm như Nguyễn Bính. Huy Tập dẫn tôi đến ngôi nhà 280 phố Minh Khai, giới thiệu đây là  ngôi nhà  mà nhà thơ Tú Xương đã ở. Những năm đầu thế kỷ 20, Tú Xương và vợ là bà Phạm Thị Mẫn rất đau khổ vì quá tin bạn mà mất nhà.

Bố một nơi, con một nơi/ Bấm tay tháng nữa hết năm rồi/ Văn trường ngoại hạn quan không chấm/ Nhà của giao canh nợ phải bồi/ Tin bạn hóa ra người thất thổ/ Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi…

Tú Xương mất nhà là do con một người bạn lớn lên Nam Định học, nhưng ăn chơi cờ bạc, nợ nần, mới đến năn nỉ cụ Tú cho mượn văn tự nhà đất để vay tiền trả nợ.

Vì là con người bạn thơ làm quan to, nên cụ Tú tin bạn. Nhưng vay được tiền rồi thì thằng trác táng ấy lại nướng sạch  tiền vay vào sòng bạc, rồi chuồn đi đâu không ai biết. Thế là cụ Tú mất nhà!

Vợ chồng con cái  đang bơ vơ chưa biết tính sao thì gia đình đằng vợ gọi cho một ngôi nhà phố Hàng Nâu, chính là ngôi nhà 280 Minh Khai bây giờ. Ngôi nhà  rộng khoảng bốn mét phố, cửa sắt lùa. Nhưng trong nhà cũng không có kỷ vật gì của cụ Tú cả. Sở hữu ngôi nhà bây giờ là cháu nội cụ  tên là Trần Thị Liên và ông Trần Ngọc Thành.

Được bố vợ cho nhà, Tết năm đó, Tú Xương cảm kích lắm, bèn làm một câu đối, rồi mời vợ đối, bà không đối, ra ngoài  Giêng, cụ Tú mới  xuất thần ứng tác vế đố thứ hai.

Câu đối như sau: An đắc thiên vạn  gian tịnh vô hàn sĩ. Thường như nhị tam nguyệt hà tất thiên thai (tạm dịch: Nếu có ngàn vạn gian nhà thì không còn ai là kẻ sỹ nghèo nữa. Khi nào tiết trời cũng như tháng hai tháng ba thì cần gì phải tìm đến chốn thiên thai).

Đúng như khẩu khí của Đỗ Phủ khi bần hàn trong lều cỏ Tứ Xuyên trong bài thơ Mao ốc vi thu phong sở phá (Mái tranh bị gió thu thổi vỡ): Mong sao nhà lớn có ngàn gian / Giúp cho hàn sĩ trên đời đều hân hoan….

Theo các nhà thơ Nam Định thì đây là câu đối hay nhất trong hàng trăm câu đối của cụ Tú. Câu đối này được cụ Tú treo trang trọng trong  phòng văn, rất  nhiều  bạn bè đến thăm đọc và nhớ. Sau khi hai cụ mất, không biết câu đối thất lạc đi đâu.

Anh em Văn nghệ Nam Định đã cùng nhau phục chế được câu đối quý giá đó, với mong ước biến ngôi nhà 280 Minh Khai thành nơi thăm viếng của khách văn.

Ký của Ngô Minh
(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.