Quy hoạch lại Hồ Gươm?

Quy hoạch lại Hồ Gươm?
TP - Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, việc quy hoạch quanh Hồ Gươm cần phải điều chỉnh lại do thiết kế quy hoạch được phê duyệt cách đây 10 năm. Đến nay, bản quy hoạch cũng cần được nghiên cứu xem xét cho phù hợp với thực tiễn.

>> Còn 11 dự án khác muốn 'rào' Hồ Gươm !
>> Toàn cảnh vụ "cao ốc EVN" cạnh Hồ Gươm

Quy hoạch lại Hồ Gươm? ảnh 1
Hồ Gươm. Ảnh: VTC

Bộ Xây dựng bằng Thông báo số 200 (ngày 20/7/2007) cho phép EVN xây dựng Trung tâm Tài chính Thương mại EVN tại 69 Đinh Tiên Hoàng- Hà Nội với nhiều chỉ tiêu quy hoạch vượt xa so với quy hoạch của chính Bộ Xây dựng phê duyệt trước đó.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người trực tiếp chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng và sau đó ra Thông báo số 200.

Ông Chính cho biết: Trong cơ chế đổi mới, Tập đoàn Điện lực (EVN) thấy việc sử dụng một khu đất 14.000m2 ở vị trí đẹp và sinh lợi như thế có giá trị kinh tế rất cao nên họ nghĩ rằng cần làm một trung tâm thương mại có tầm vóc và đóng góp vẻ đẹp cho Thủ đô.

Sau khi nghiên cứu, EVN trình UBND TP Hà Nội xin ý kiến. Hà Nội đồng ý và thấy nếu có trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ như vậy thì làm cho Hà Nội thêm lung linh, đúng mong muốn của người dân và yêu cầu làm việc với Sở QHKT.

Sở QHKT sau khi xem xét thấy một số tiêu chuẩn có khác so với quy hoạch được duyệt năm 1996 và vượt quá thẩm quyền nên xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên Bộ phải giúp tổ chức cuộc họp và ra thông báo số 200...

Bộ chưa báo cáo Thủ tướng…

Điều này có thể được hiểu rằng, Bộ Xây dựng có thông báo 200 với nhiều chỉ tiêu “mới” là do quy hoạch 1996 đã lỗi thời?

Lô đất có mật độ xây dựng theo quy hoạch năm 1996 là 64%, rồi độ cao tối đa 24m, hệ số sử dụng đất 2,39 lần... Tôi từng tham gia quy hoạch Hồ Gươm nên chúng tôi rất tôn trọng bảo vệ cảnh quan Hồ Gươm.

Mười năm qua, việc xây dựng và phát triển các công trình xung quanh Hồ Gươm đã cơ bản tuân thủ quy hoạch. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và đặc biệt là khu vực Hồ Gươm, thì bản quy hoạch cũng cần được nghiên cứu xem xét cho phù hợp với thực tiễn.

Trong lúc quy hoạch cũ còn nguyên giá trị, quy hoạch mới chưa ban hành, vậy Bộ Xây dựng căn cứ vào đâu để đưa ra các chỉ tiêu quy hoạch như tại Thông báo số 200?

Căn cứ trước hết là phải gần đúng với quy hoạch được duyệt và có xem xét đến những công trình bên cạnh. Sau đó, căn cứ trên nghiên cứu đề xuất  bước đầu của tư vấn Pháp & EVN, Bộ XD đã đưa ra các chỉ tiêu quy hoạch tại công trình này, ở phần đường Đinh Tiên Hoàng nên giữ độ cao 16-18m.

Các công trình phía sau có thể cao từ 16-18m tăng dần lên. Tại cuộc họp, chúng tôi có mời nhiều cơ quan chức năng đến dự và phân tích.  Trên cơ sở quy hoạch cũ, điều lệ quản lý của UBND TP Hà Nội và các quy chuẩn và căn cứ vào quá trình phát triển...

Khi ban hành thông báo có nhiều nội dung vượt quy hoạch được duyệt năm 1996, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ?

Chúng tôi muốn quy hoạch quanh Hồ Gươm cần phải điều chỉnh lại vì tầm nhìn lúc đó khác hiện nay. Trong lúc chờ điều chỉnh quy hoạch cũ thì xuất hiện yếu tố này vì vậy chúng tôi buộc phải tiến hành các điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho những dự án cụ thể. 

Có nghĩa là Bộ Xây dựng chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và chưa báo cáo  Thủ tướng Chính phủ?

Vì Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt, quản lý quy hoạch Hồ Gươm và phải chịu trách nhiệm về việc này. Luật Xây dựng quy định, đơn vị nào có trách nhiệm phê duyệt thì có trách nhiệm  điều chỉnh quy hoạch.

Nhưng thưa ông, quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận có ý nghĩa đặc biệt và Thủ tướng là người ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt chứ không phải Bộ Xây dựng có quyền phê duyệt bản quy hoạch này?

Tại giai đoạn này thì chưa có cơ sở để báo cáo Thủ tướng. Khi nào dự án được nghiên cứu xong, chúng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng.

Không thể làm trụ sở trên những lô đất có giá trị (!?)

Quy hoạch lại Hồ Gươm? ảnh 2
Ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Quy hoạch được duyệt năm 1996, nay đã lạc hậu như ông nói, phải chăng chất lượng quy hoạch ngày đó chưa cao?

Rõ ràng quy hoạch lúc đó do tầm nhìn chỉ có vậy. Chưa  hình dung rằng ở đó có thể xây dựng những công trình choáng ngợp.

Nhưng thưa ông, trước đây trong báo cáo của Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Các dự án phải tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt”. Khu đất theo quy hoạch dành làm trụ sở, vậy mà nay Bộ lại cho phép xây dựng Trung tâm tài chính thương mại?

Đây là câu chuyện dài, nhưng theo quan điểm của tôi là không thể để trụ sở trên những mảnh đất có giá trị mà những khu đất này phải trở thành những trung tâm thương mại, dịch vụ. Nếu ta để manh mún thì miếng đất đó không phát huy giá trị, nhân dân không được hưởng lợi từ  những công trình này.

Nhưng dư luận đang lo ngại rằng, nếu như EVN xây được thì rồi sau đó nhiều đơn vị khác cũng xây được và không lâu nữa Hồ Gươm sẽ biến thành ao làng?

Không phải vị trí nào, khu đất nào cũng có thể đề xuất các chỉ tiêu như thế được, vì phải căn cứ nó nằm ở không gian nào, khu vực nào...thì mới có thể xem xét.

Với tư cách Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông có thể cho biết, việc xây dựng công trình Trung tâm thương mại tài chính điện lực như các chỉ tiêu mà Bộ đã chấp thuận có phù hợp?

Về thiết kế đô thị, trong mắt tôi, trong quan điểm của người làm kiến trúc thì chỉ tiêu 54 m là ngưỡng có thể nghiên cứu. Hiện chỉ tiêu này là cơ sở để Hà Nội xem xét làm ngưỡng cho việc nghiên cứu dự án. Được chấp thuận hay không còn tùy thuộc vào dự án cụ thể.

Nhưng để giúp Hà Nội có căn cứ xem xét thì Bộ Xây dựng phải dựa vào cơ sở nào đó chứ?

Trong thông báo tôi nói là có thể. Nhưng cái này phải đưa vào dự án, công trình kiến trúc phải phù hợp với thực tế. Chứ nếu 54 m mà như một bức tường chỉ có gạch đá không thôi thì không thể được.

Xin cảm ơn ông!

-----------------

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Phùng Sưởng
thực hiện

Ý kiến bạn đọc

Quốc Việt, Email: hoangha53@Yahoo.com

Nếu cho là kinh tế là tất cả thì xin chuyển... Hồ Gươm ra chỗ khác 

Tôi là Việt kiều sống tại Hà -Lan sau khi đọc bài báo xin có ý kiến như sau. Có hai giải pháp cho chúng ta chọn lựa đó là :

1. Trung tâm quanh hồ gươm là nơi phục vụ giải trí, du lịch, sinh thái , thư giãn của nhân dân Hà nội cũng như của đồng bào cả nước có dịp về thăm Hà nội văn hiến và bè bạn ở nước ngoài đến thăm Hà nội. Cũng là nơi hẹn hò cho bạn trẻ Hà Nội v.v...

Nếu là giải pháp này thì các cơ quan làm kinh tế phải chuyển ra ngoại ô hay các vùng xa khu trung tâm này giống như Amsterdam của Hà Lan họ chuyển các cơ quan kinh tế ra Rotexdam hay Den hag còn Berlin của Đức họ chuyển kinh tế về Hamburg còn cơ quan chính trị về Bon và Anderwerd của Bỉ thì họ chuyển khu chính trị ngoại giao về Bruxel .

2. Nếu cho là kinh tế là tất cả thì xin chuyển... Hồ gươm và các khu di tích lịch sử ra xung quanh Hà nội. Kinh nghiệm trên thế giới là cái ra đời sau bao giờ cũng phải tôn trọng cái có trước nhất là các công trình lịch sử, văn hóa biểu trưng cho thủ đô và đất nước.

Còn không thể thể lẫn lộn hai thứ hổ lốn vào một chỗ. Nếu như vậy không cần có Bộ Xây dựng, bộ thiết kế, quy hoạch v.v...và v.v...

Chuyện xây nhà cao tầng xung quanh Hồ Gươm là phản mỹ thuật, coi thường lịch sử và văn hóa, thiếu hiểu biết, coi thường nhân dân chứ chẳng đơn thuần là chuyện muốn hay không muốn.

Các bạn đều biết đồng bào cả nước và Kiều bào và người nước ngoài đến Hà Nội là để được ngắm Hồ gươm, thăm quan các di tích lịch sử và văn hóa ngàn năm của Hà nội , hay chùa chiền chứ ai muốn nhìn các nhà cao tầng bê tông nhức mắt ?

Chúng tôi xin Báo cho đăng bài của tôi để bạn đọc cùng bàn luận về vấn đề này ngõ hầu giữ Hà Nội và Hồ Gươm trở về trong bình yên đẹp đẽ như ngày nào của Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn sẵn có.

nguyenquockinh, Email: nguyenquockinh@yahoo.com

Hồ Gươm sẽ trở thành điểm nhấn cho tòa cao ốc EVN

Tôi từng sống và làm việc tại Hà Nội. Kỷ niệm và nỗi nhớ Hà nội lúc đi xa là hoài niệm về Hồ Hoàn Kiếm với không gian thoáng mát, thiêng liêng. Tôi đã dạo bước và đi mua sắm ở các mall của Malaysia, Singapore. Cảm giác tầm mắt bị che khuất, ngột ngạt và lọt thỏm dưới các khối nhà cao tầng.

Tôi may mắn được hai lần đón năm mới ở đại lộ Champs Elysee với Khải Hoàn môn mang nhiều dấu ấn lịch sử. Cảm giác là hoành tráng hiện đại nhưng không thiêng liêng, không "phong thuỷ'' bằng đón Tết ở Hồ Hoàn Kiếm.

Nếu xây toà nhà EVN cao ngất nguởng thì Hồ Hoàn Kiếm trở thành ''swiming pool'' và là ''điểm nhấn'' cho toà cao ốc này thôi.

Ngô Tấn Hiền, Email: hienngotan@yahoo.com

Ước gì được ra thăm Hồ Gươm !

Tôi là một người nông dân sống tại xã vùng ven của TP Đà nẵng , hàng ngày dùng Điện của EVN với giá cao hơn ở TP cho nên hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước gia đình tôi không bao giờ dám mở điện khi mà còn nhìn thấy được, không biết là tiết kiệm được bao nhiêu.

Qua báo chí tôi được biết EVN sắp xây dựng một công trình đồ sộ bên Hồ Gươm Hà nội, nơi gắng liền với bao nhiêu điều huyền thoại về dân tộc và đất nước Việt Nam ta. Mà nghe đâu để làm được công trình nầy EVN phải phá bỏ hàng loạt các công triình kiến trúc mới vừa được nâng cấp tốn cả 1000 tỷ đồng của nhà nước ( hay của EVN thì cũng là tiền của những người dùng điện như chúng tôi ).

Dù ở xa xôi và chưa môt lần ra thăm Hồ Gươm Hà Nội nhưng trong lòng tôi vẫn luôn nghĩ rằng Hồ Gươm là nơi lưu giữ HỒN THIÊNG nước Việt , ước gì tôi không phải trả tiền điện trong 1 năm để đủ tiền ra thăm hồ Gươm Hà nội ( khoảng 600.000 đ ) .

Vậy mà EVN lại phá bỏ đi 1000 Tỷ đồng để làm nên một cái gì đó ngay bên hồ Gươm linh thiêng và quyến rũ của cả môt dân tộc. Trộm nghĩ không lẽ nơi mà các bác lãnh đạo cao nhất đang ở lại không thấy xót xa.

Phận làm công dân tôi xin có vài lời mong quý báo đăng dùm kẻo sau nầy khi đủ tiền ra thăm Hà Nội tôi phải mua tranh để nhìn Hồ Gươm xưa và mua ảnh chụp các cụ Rùa mà hàng ngàn năm trước đã tình nguyện cất giữ Gươm thần để cho đất nước ta được bình yên như ngày hôm nay sao ?

Xin hãy giữ lại những gì có thể cho con cháu mai sau, và cũng giữ được cả 1000 tỷ đồng cho dân cho nước. Kính chào.

Một bạn đọc, Email: tranhung@gmail.com

Tôi đồng ý xây dựng với điều kiện....

Tôi tán thành với những ai muốn xây tòa nhà EVN và những ai cho phép xây tòa nhà EVN với một điều kiện duy nhất: Hãy công khai tranh luận trên TV và dũng cảm từ chức và trước khi xây phải có kế hoạch khả thi: di dời Hồ Gươm đi nơi khác!

Thật hết chỗ nói, văn hiến ngàn năm bị coi thường, không được xâm phạm nơi thiêng liêng nhất của Thủ đô!

Phạm Việt Hưng

Không thể nhân danh đầu tư và phát triển để huỷ hoại văn hoá !

Chẳng lẽ Bộ Xây Dựng không hiểu rằng những "tấm lá chắn" xung quanh Hồ Gươm là phản kiến trúc, phản mỹ quan, phản lịch sử, phản nhân văn ư? Tôi cho rằng Bộ Xây Dựng thừa chuyên môn để hiểu điều đó. Vậy tại sao Bộ Xây Dựng lại chấp nhận những dự án như thế?

Đầu tư để phát triển, đó là điều ai cũng biết. Nhưng chẳng cần có trí tuệ của các kiến trúc sư, bất cứ một người có văn hoá nào cũng đều dễ dàng nhận thấy những "tấm lá chắn" quanh Hồ Gươm là phản văn hoá. Không thể nhân danh đầu tư và phát triển để huỷ hoại văn hoá. Những việc làm như thế này gây nên những nghi ngờ về tính trong sáng của dự án, vì nó bất chấp văn hoá!

Trần Đức Hùng, Email: hungtd.sd@vietsov.com.vn

Không được đụng đến Hồ Gươm !

Tôi là một người phía Bắc. Nghe tin có nhiều ý kiến lại định xây cái này cái kia quanh Hồ Gươm, chẳng hạn " Trụ sở gì của ĐIỆN LỰC ... ". Theo tôi, những Tổng công ty có ý định xây các trụ sở quanh Hồ Gươm v.v... hãy bỏ ý tưởng đó đi, hãy ra ngoại thành mà làm, nội thành Hà nội có tý đất mà mọi cơ quan cứ nhăm nhăm vào đó, buồn quá !

Tôi đề nghị nhân dân Hà Nội hãy kịch liệt phản đối, đặc biệt những vị có chân trong HDND Thành phố phải đưa ra ý kiến có tính luận chứng thuyết phục cơ quan chức năng bỏ ý định phê duyệt dự án đó đi cũng như các dự án khác sau này.

Sau này cũng thế không phê duyệt bất cứ dự án nào, trừ dự án sửa chữa tôn tạo Hồ Gươm như cũ, đẹp hơn, vệ sinh hơn, đáng yêu hơn. Hãy bảo vệ Hà Nội, để " Hà Nội trái tim của bao thời đại ; Hà Nội ... thi ca " mà nhà thơ Trịnh Đường đã viết.

Nguyễn Bình - Hải Dương, Email: binhhdvn@yahoo.com.vn

Hãy có cách nhìn nhận mới với quy hoạch Thủ Đô

Tôi không phải là nhà chính trị, không phải là nhà kinh tế, cũng không phải là Kiến trúc sư,... Tôi chỉ là người ở tỉnh lẻ, nhưng tôi rất yêu Thủ Đô Hà Nội. Tôi không hiểu tại sao người ta lại cứ muốn Thủ Đô Hà Nội là đầu tầu kinh tế ? Bởi muốn là đầu tầu kinh tế thì cái giá phải trả cho nó là không phải nhỏ đâu ? Tất cả chúng ta đều biết điều đó.

Dự án của EVN quanh Hồ Gươm chỉ là một ví dụ cụ thể. Tại sao chúng ta không giữ Thủ Đô Hà Nội chỉ là trung tâm về chính trị và văn hoá, là nơi tập trung các công trình về phúc lợi xã hội và là đầu não về an ninh chính trị,... ?

Hãy đưa các dự án kinh tế có tầm cỡ như của EVN về các tỉnh lân cận để tạo thành các đầu tầu kinh tế mới và để góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh. Trân trọng!

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".