Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời
TP - Véo tai, cốc đầu, dùng thước kẻ quật vào tay, đầu, là chuyện như cơm bữa ở... lớp học. “Hôm nào cũng có bạn bị đánh ạ. Bạn lớp trưởng cũng bị cô cốc đầu. Cháu thấy bạn ấy giật nảy mình, mắt đỏ đầy nước” - một bé thành thật.

> Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời ảnh 1

Bé Đỗ Ngọc Bảo Trân vẫn mê man bất tỉnh tại bệnh viện vì bị cô giáo dùng băng keo dán miệng. Ảnh: Lê Nguyễn

Bi kịch của Cu Tũn

Với Cu Tũn bốn tuổi, trú ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, đến hay không đến trường, nỗi sợ hãi như nhau. Nó không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bấu víu vào bác nó vốn không có con. Không biết may mắn hay bất hạnh khi mẹ nó cũng là cô giáo.

Bị bạn lấy đồ chơi, nó cầu cứu: “Mẹ ơi”. Cô giáo phụ trách lớp nó với hơn 30 đứa trừng mắt: “Ở đây không mẹ con gì sất. Thưa cô! Gọi đi”. Cu Tũn ngơ ngác: “Mẹ…”.

Cô giáo đập tay cái rầm xuống mặt bàn: “Đã bảo mà, có nghe không? Tôi không có mẹ - con gì với anh ở đây”.

Về nhà, “bốp, bốp, bốp. Búng mãi không hết bát cơm. Tao bảo có ăn không”. “Thưa cô, con…”. “Á à. Mày lại thầy cô với tao à”. Người phụ nữ trẻ xách cổ áo sau của Cu Tũn, nhấc nó lên khỏi mặt đất như như nhấc một con chó con ra ngoài sân. Bác nó chạy ra đỡ và trách: “Cô xách thế, nghẹn cổ nó thì sao”.

Người viết bài này biết được câu chuyện trên sau khi thắc mắc và tìm hiểu vì sao Cu Tũn toàn gọi bác ruột nó và vợ bác là cha, mẹ. Tôi trò chuyện và gợi hỏi thì nó bảo: “Ở lớp hay ở nhà, cháu đều sợ mẹ”.

Mẹ nó nhỏ nhắn, ưa nhìn, gốc Hà Nội, về làm dâu gia đình cũng gốc Hà Nội mà có tứ đại đồng đường cùng sinh sống. Hầu như ai trong căn nhà nền nếp ấy cũng ủng hộ “thương cho roi cho vọt”!

Chả hiểu sao, mẹ nó được cô hiệu trưởng phân công phụ trách lớp có nó. Có lẽ cả cô hiệu trưởng và mẹ nó chẳng quan tâm đến hậu quả của cách thức giao tiếp đặc biệt giữa hai mẹ con nó ở lớp.

Một hôm, nhân hai bác cháu Cu Tũn đến nhà tôi chơi, tôi hỏi: “Sao cháu không đi với mẹ”. “Mẹ cháu đây này” - Nó chỉ vào bác dâu nó. “Còn mẹ ở nhà là cô giáo”.

Tôi hỏi: “Cháu thích mẹ là cô giáo hay thích cô giáo là mẹ?”. “Cháu thích mẹ là mẹ. Cô giáo ác lắm”.

Có lẽ, mẹ Cu Tũn và cô hiệu trưởng càng không quan tâm đến việc nó chứng kiến cảnh mẹ nó đánh đòn, dọa nạt các bạn khác trong lớp. Trung Thu vừa rồi, Cu Tũn đến chơi với con gái tôi trạc tuổi nó. Đột nhiên con bé khóc ré mách bà nội: “Anh Tũn đạp con”. “Sao cháu lại đánh em?”. “Cháu đang làm thầy giáo, em Tẹo là học trò mà”.

Gặp Hoa, mẹ Cu Tũn, tôi hỏi: “Thế bạn không sợ sau này nó lớn lên không gọi bạn là mẹ nữa à?”. “Chả nhẽ lúc đó nó không phân biệt nổi ai là mẹ. Còn không đánh, làm sao dạy bảo được, nhất là lớp có mấy chục đứa.

Từng đấy ngựa non, không roi vọt có khi cả ngày không xong bữa trưa. Đấy là em chưa kể ở lớp còn đánh nó tợn hơn để cho mọi người thấy em không thiên vị với con mình” - Hoa nói.

"Thế không sợ đánh các cháu thành thương à? Người ta kiện cho thì khốn” - Tôi cật vấn. Hoa đáp: “Đánh vừa phải thôi chứ. Không để lại thương tích là được. Mà nhiều đứa, lắm lúc chưa đánh, em dọa còn chết khiếp ấy chứ lị”.

Biết nhưng im lặng vì sợ bị trù

Những 'chiêu' dạy trẻ ngược đời ảnh 2
Ảnh minh họa của Khều

Ra đòn, lắm khi khó tránh khỏi quá tay để lại thương tích như trường hợp Long “còi” mới đây ở Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi trưng biển là trường điểm nằm trong dự án các trường liên kết của UNESCO (Tổ chức Văn hóa-Khoa học&Giáo dục của Liên Hợp Quốc).

Long “còi” nhất lớp nhưng nó hiếu động như mọi đứa trẻ khác. Cô phó hiệu trưởng đi qua thấy nó nghịch quá, nhắc nhở. Cô đi khỏi, đâu lại vào đấy. Cô P. chủ nhiệm xấn đến, véo tai nó một cái.

Thằng bé không kêu một câu nào, chạy vọt ra sân trường. Nước mắt dàn dụa, nó nói với bạn: “Tớ vừa bị cô giáo véo tai. Đau quá”. “Ôi, chảy máu rồi”. Vào lớp, chỉ bạn lớp trưởng dám thưa: “Thưa cô, bạn Long bị chảy máu tai ạ”. Cô P. vội vàng đưa Long ra y tế nhà trường.

Chiều hôm đó, khi đến đón nó, mẹ nó thấy thương tích còn đó. Thay vì gặp cô giáo, gặp ban giám hiệu, mẹ nó gặp trưởng đại diện phu huynh. Đúng ra là than phiền vì, ngay sau đó, mẹ nó yêu cầu với vị đại diện không được nói với nhà trường.

“Cô giáo biết rồi trù thì khốn”, người đàn bà mảnh mai công tác ở một cơ quan nhà nước tỏ ra nhìn xa trông rộng.

Véo tai, cốc đầu, dùng thước kẻ quật vào tay, đầu, là chuyện như cơm bữa. “Hôm nào cũng có bạn bị đánh ạ”. Cô đánh thành quen đến mức “bạn lớp trưởng mỗi lần nhắc nhở các bạn khác cũng lấy thước gõ vào đầu, vào tay các bạn. Hôm qua chính bạn lớp trưởng cũng bị cô cốc đầu. Cháu thấy bạn ấy giật nảy mình, mắt đỏ đầy nước”.

“Sao các cháu không lên mách cô hiệu trưởng?”. “Mẹ cháu bảo làm thế cô sẽ đánh đau hơn. Rồi cô trù. Mà trù là gì hả bác? Có phải cô sẽ biến cháu thành chuột chù không?”.

Một thằng bé lớp bán trú xin cô về nhà buổi trưa đưa ra lý do ở lớp không ngủ được. “Cháu quen trước khi ngủ thường “giãy đành đạch”. Ăn xong, lên bàn. Cô không cho phép ai cựa quậy. Bạn nào cựa, cô đánh ngay. Cháu nằm im nhưng khó chịu vô cùng. Không thể ngủ được”.

Tìm hiểu cách ứng xử của cô giáo khi trẻ có lỗi hoặc khi họ không hài lòng với chúng, chúng tôi thấy, nhiều cô giáo sử dụng các hình phạt khác nhau đối với các cháu trong những trường hợp như vậy.

Sách báo rồi nghiên cứu cũng như kinh nghiệm cho thấy, phụ nữ thường có tính kiên nhẫn, chịu đựng hơn nhiều so với nam giới. Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi chứng kiến và kể ở trên cũng như ở mấy bài sau, không hiểu sao, lại chưa phản ánh được những điều đó.  

(Còn nữa)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý: Phạt là bắt phải chịu một hình thức xử lý nào đó vì mắc lỗi (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001).

Gần nghĩa với khái niệm phạt là khái niệm trừng phạt. Trừng phạt là dùng hình phạt trị kẻ có tội (Sách đã dẫn).

Như vậy, phạt và trừng phạt là những hình thức kỷ luật dành cho những người có những hành vi sai trái. Nhưng về mặt xã hội, trừng phạt có ý nghĩa mạnh hơn so với phạt.

Trong giáo dục, động viên, khen thưởng và kỷ luật là những phương pháp thường được sử dụng để tác động đến đối tượng. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống, kỷ luật, trong đó có trừng phạt, có tác dụng tích cực, mạnh mẽ hơn phương pháp thứ nhất.

Những tác dụng đó bao gồm, thứ nhất, để người mắc lỗi nhận thức rõ về lỗi của mình; thứ hai, làm cho họ xấu hổ, thậm chí thấy mất danh dự vì lỗi lầm của mình để không mắc lỗi nữa; ngoài ra nó còn có tác dụng răn đe những người khác để họ không mắc vào những lỗi như vậy.

Ngày nay, kết quả nghiên cứu hiệu quả của các phương pháp giáo dục trên đã chỉ ra tác động ngược lại của những biện pháp kỷ luật không tích cực nói chung và các hình thức trừng phạt nói riêng.

Chẳng hạn, nó làm giảm lòng tự trọng của trẻ, kích thích sự giận dữ và mong muốn chạy trốn khỏi môi trường giáo dục, nó dạy trẻ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

 Quốc Dũng

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.