Không đồng tình cổ phần hóa ĐH công lập

Không đồng tình cổ phần hóa ĐH công lập
TP - Chủ trương CPH mới chỉ dừng lại ở mức “sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị, nếu được đồng ý mới thiết kế cụ thể hướng triển khai như thế nào” như lời một lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ vấn đề này.

Theo tin từ Bộ GD&ĐT, trong các ngày  từ 17-19/2, sẽ diễn ra hội nghị quan trọng về chủ trương xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và y tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, được biết, trong các nội dung xã hội hóa giáo dục có một nội dung mới là thí điểm cổ phần hoá tại một số trường đại học.

Chủ trương này đi ngược với đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân

(Ông Phạm Minh Hạc- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam đương nhiệm)

Chủ trương này đã có một con đường vòng từ trước nhưng chưa “chào đời” được. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khoá X đã đưa ra chủ trương thí điểm cổ phần hóa (CPH) trường Đại học (ĐH) công lập;

Chính phủ đã từng giao Bộ GD&ĐT làm đề án này; theo dự kiến ban đầu đưa ra 15 trường; cách đây 5 tháng Hội Cựu giáo chức toàn quốc đã gửi công văn lên Chính phủ với ý kiến hoàn toàn phản đối chủ trương này.

Cách đây 1 tháng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, khi làm việc với Ban Tuyên giáo T.Ư, cũng đã đặt vấn đề: thí điểm thì làm thử ở  1-2 trường  ĐH, đâu phải thí điểm một lúc tới 15 trường.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt, thay mặt MTTQ VN chính thức phát biểu không đồng tình với chủ trương này và các đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 12) cùng quan điểm như vậy. Đó là tất cả những điều tôi biết về dư luận đối với chủ trương này.

Ở Việt Nam đã cho phép mở trường tư thục nhưng ngay cả chủ trương đề ra là đến 2010 có 40% sinh viên học trường tư thục thì các trường ĐH dân lập (hiện nắm giữ 13-15% sinh viên) cũng cho rằng không thể thực hiện được.

Đối với CPH nhiều người cho rằng, thực chất là tư nhân hoá trường học - người ta bỏ tiền ra mua, ai có nhiều tiền, nắm giữ phần lớn cổ phần sẽ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và trường đó hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận (người ta bỏ vốn phải kinh doanh để có lãi).

Và như vậy, không thể nào đảm bảo mục tiêu giáo dục trong từng trường và cả hệ thống GD, hệ thống đại học. Bất cứ hoạt động nào đều có mục đích của nó.

Mục đích số một của những người bỏ tiền ra là lợi nhuận; mục đích của trường học là đào tạo con người. Hai thứ đó không thể đứng cùng nhau - yêu cầu quá trình dạy và học có đặc thù riêng mà người ta phải đầu tư để thỏa mãn. 

Thực tiễn các trường ĐH dân lập cho thấy, có những trường lãi rất nhiều, hàng mấy chục tỷ đồng nhưng sinh viên vẫn phải đóng nhiều tiền và học hành chất lượng lại chẳng ra sao.

Thật đáng ngạc nhiên là các nước bỏ tiền ra làm GD&ĐT  cho tốt lên và rất tốt;  còn ta, đang đi ngược lại, cứ thu tiền, thu tiền...; bây giờ lại còn CPH thì rất tai hại.

Đã từng có hiện thực về việc CPH bệnh viện Bình Dân sau khi bị nhân dân phản đối, chủ trương đó đã bị huỷ bỏ.

Nói tóm lại, CPH trường ĐH là đi ngược lại bản chất tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà mà nhân dân ta đã hy sinh, đã dày công vun đắp trong 60 năm qua. Một nước XHCN tốt đẹp mà đem CPH trường học thì đi ngược lại đường lối của Đảng và Nhà nước và ngược lại lợi ích của nhân dân.

Chưa thấy nước nào làm như vậy!

(GS Phạm Phụ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục)

Chúng ta mới chỉ có trường công lập và tư thục, chỉ có khái niệm sở hữu nhà nước hoặc tư nhân. Ngày nay thế giới còn có thêm khái niệm sở hữu cộng đồng trong đó tài sản không phải của nhà nước, không thuộc một cá nhân nào. 

Chính vì vậy, trong thực tiễn GD hiện nay có sự tách rời nhất định giữa người cung cấp tài chính cho giáo dục, người cung cấp dịch vụ GD và người hưởng thụ dịch vụ GD.

Người ta cũng thường gọi tên trường ĐH theo người thành lập trường hoặc người vận hành; chẳng hạn như Trường tư thục vận hành bởi một hội đồng trường, gồm những cá nhân độc lập vẫn được gọi là trường tư thục mặc dù ngân sách chủ yếu từ nhà nước, ví dụ như trường SMU (Singapore) hoặc IUB (Đức)... Những trường đó ngân sách chủ yếu của nhà nước nhưng được vận hành bởi một hội đồng trường.

Việt Nam chưa quen, chưa hiểu rõ nên mới đặt vấn đề CPH trường ĐH. CPH để biến thành Cty (mua cổ phần là vì lợi nhuận) thì thật chẳng hay.

Trên thế giới vẫn có những trường vì lợi nhuận nhưng trọng số thấp (tỷ lệ thấp); thường là những trường không chiếm một vai trò quá quan trọng trong nền GD ĐH; cũng gọi là trường tư nhưng là trường độc lập , tài sản cộng đồng và không vì lợi nhuận...

Trong hoàn cảnh các nước châu Á có các trường vì nửa lợi nhuận (semi-for-profit) người bỏ tiền vào trường được hưởng tối đa khống chế 15% mức lợi nhuận tối đa có thể rút  (so với 10% lãi suất ngân hàng chẳng hạn), còn lại nhập vào sở  hữu cộng đồng.

Việt Nam chưa quen với cách làm đó nhưng lại muốn huy động các nguồn lực xã hội nên mới đặt vấn đề CPH. Tôi không dám nói biết hết, nhưng quả thực chưa thấy nước nào chuyển trường ĐH công thành trường tư,  trừ một vài trường nhỏ ở TQ.

Tóm lại, nếu CPH theo nghĩa “nửa vì lợi nhuận” thì chỉ làm với các trường ĐH tương đối nhỏ không có vị trí quan trọng, nghiêng về dạy nghề thôi và không CPH với những trường lớn có vị thế trong hệ thống ĐH.

Chuyển tài sản Nhà nước vào tay tư nhân

(Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương)

Chúng ta không thể CPH trường ĐH được vì trong Luật GD không có quy định nào về điều này. Nếu tiến hành CPH thì phải có khung pháp lý, phải sửa Luật GD. Nếu CPH mà không có khung pháp luật thì dẫn đến hiện tượng tương tự như nhiều doanh nghiệp nhà nứơc mắc phải: Mất hết tài sản nhà nước…

Ví dụ, trường ĐH NT chẳng hạn, nếu CPH, không có quy định cụ thể về định giá thế nào, nhà bao nhiêu, các tài sản khác định giá bao nhiêu.

Nếu nói về đường lối chính sách thì Nghị quyết 2 T.Ư khóa 8 vẫn chưa thừa nhận GD&ĐT là dịch vụ thương mại. Vì vậy nếu CPH thì thừa nhận GD là dịch vụ thương mại hay sao?

Một điều khác: CPH sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như: Bắt buộc các trường ĐH phải tính đến lỗ lãi, người ta phải tìm cách nào đó để có nguồn thu, giải quyết đầu ra thế nào đó để có thuận lợi. Đầu ra ở đây là vấn đề cấp bằng và quản lý rất khó khăn...

Một bài toán khó giải

(Ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN)

Nếu CPH một số trường, tuỳ thuộc từng ngành nghề, chắc chắn chúng ta sẽ phải giải bài toán lớn về CP: Chỗ nào nhà nước nắm giữ, chỗ nào CP... để có những trường là trụ cột thuộc về nhà nước quản lý.

Như thế dần dần sẽ có sự cạnh tranh, không còn sự bao cấp cho các trường ĐH. Để tránh tiêu cực như dư luận đặt vấn đề thì phải chuẩn bị kỹ vì đây, nếu có, là  những “doanh nghiệp” đặc biệt nên phải đầu tư công sức để định giá tài sản. Về vấn đề chất lượng cũng sẽ có sự cạnh tranh - doanh nghiệp nào đào tạo tốt sẽ tồn tại.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.