Người phụ nữ Israel mê hội họa Việt

Người phụ nữ Israel mê hội họa Việt
TP - “Tôi có thể đối thoại với hội họa Việt Nam” - Raquelle Azran tự hào khoe như vậy khi chị đang tất bật chuẩn bị cho cuộc triển lãm “Phụ nữ vẽ, vẽ về phụ nữ”, cuộc giao lưu hội họa đầu tiên giữa các họa sỹ Israel và Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 6/12 đến 12/12.
Người phụ nữ Israel mê hội họa Việt ảnh 1
Raquelle Azran tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong buổi khai mạc triển lãm “Phụ nữ vẽ, vẽ về phụ nữ”

Với lưng vốn hơn 500 bức họa của các họa sỹ Việt Nam, người phụ nữ Israel này đã trở thành một trong số ít các chuyên gia nước ngoài về mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Đam mê từ tranh Phái

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Raquelle Azran đã biết đến hội họa đương đại của Việt Nam qua tranh của Bùi Xuân Phái khi chị tới thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chính những nét đẹp thuần khiết, đầy vẻ Á Đông trong tranh của người họa sĩ lừng danh đất Việt đã khiến chị tò mò tìm hiểu và nghiên cứu. Azran cho biết, chị đã học hỏi được rất nhiều từ tranh của Bùi Xuân Phái và trở thành người sưu tập tranh của các họa sỹ Việt Nam từ đó tới nay.

Học nhiều ngành tại một trường đại học ở Paris nhưng Azran lại mê đắm với hội họa Việt Nam ngay từ lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Chị nhận thấy cái độc đáo của hội họa Việt Nam chính là sự hòa quyện và giao thoa của kỹ thuật cũng như cảm thức hội họa của cả phương Đông và phương Tây. Đó là nét Á Đông ở màu sắc, chất liệu nhưng nét cơ bản lại là của hội họa phương Tây.

Kể từ khi làm quen với giới mỹ thuật Việt Nam, Azran như chú ong cần mẫn và  đến nay, chị đã sưu tập được hơn 500 bức tranh, chủ yếu là các bức vẽ của các họa sỹ lão làng Lưu Công Nhân và các họa sỹ mới nổi như Vũ Thu Hiền, Đinh Thị Thắm Poong và Mai Đắc Linh. Những bức tranh này đã được giới thiệu tại các triển lãm tranh của Raquelle Azran ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là New York, cửa ngõ giao thương cho những sáng tạo tràn vào nước Mỹ.

Càng làm việc với các họa sỹ Việt Nam, Azran lại càng cảm thấy mình may mắn khi được chứng kiến sự phát triển của hội họa đương đại Việt Nam. Đặc biệt, Azran rất ấn tượng với các nữ họa sỹ Việt Nam. Chính vì thế, từ năm ngoái tới giờ, chị đã tới Việt Nam và tìm hiểu về các nữ họa sỹ.

Chị đã phát hiện ra điều thú vị về sự phát triển của các nữ họa sỹ Việt Nam và đã nuôi ý tưởng tổ chức một cuộc giao lưu hội họa giữa các nữ họa sỹ Việt Nam và Israel. Ý tưởng đó đã trở thành hiện thực vào ngày 6/12 vừa qua khi triển lãm “Phụ nữ vẽ, vẽ về phụ nữ” chính thức được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chị nhận xét: “Ở Việt Nam, tôi đã nhận thấy phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Hàng thế kỷ nay, họ lao động rất vất vả, chăm lo cho gia đình. Trong những năm gần đây, vai trò và vị trí của những nữ hoạ sỹ tại Việt Nam đã dần được khẳng định. Tôi rất vui mừng khi nhận thấy hiện nay đang có rất nhiều những nữ họa sỹ xuất sắc khác nữa”.

Hà Nội đã trở thành ngôi nhà thứ ba của Azan sau Tel Aviv, quê hương chị và New York, nơi chị làm việc. Chị nói: “Tôi đã đi nhiều thành phố ở Việt Nam nhưng Hà Nội làm tôi mê đắm hơn cả. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về Hà Nội từ phong cảnh đến con người và ẩm thực...”.

Mỗi lần trở lại Hà Nội, Azran rất thích thú đi bộ dạo quanh khu phố cổ và đặc biệt là chị rất thích tới chơi nhà những họa sỹ Việt Nam để tìm hiểu cũng như đưa ra những lời khuyên giúp họ những định hướng sáng tác nghệ thuật.

Đọc những lời bình luận về những bức tranh sẽ trưng bày tại triển lãm “Phụ nữ vẽ, vẽ về phụ nữ”, độc giả có thể tự cảm nhận được sự hiểu biết của Raquelle Azran đối với các họa sỹ này như thế nào.

“Thật thú vị khi so sánh những hình ảnh phụ nữ trong hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt: tranh khỏa thân cỡ lớn của Hoffman và những nét tinh tế trong tranh của Lưu Công Nhân; nét hiện đại trong tranh của Behrman với những hình ảnh mang đậm tính tâm linh giao hòa giữa quá khứ và hiện tại ở tranh Vũ Thu Hiền;

những nét đời thường thân thuộc trong tranh của Zeevi đặt cạnh những phụ nữ dân tộc với núi rừng của Thắm Poong; ảnh chụp những vũ công theo trường phái Ấn tượng của Folberg nổi bật bên cạnh những hình ảnh ước lệ trong tranh sơn mài của Trịnh Tuân;

những hình khối trẻ trung và sung mãn trong tranh sơn dầu của Thảo Ngọc đối lập với các khuôn mặt dạn dày nắng gió trong tranh của Schloss...”.

Muốn mang hội họa Việt Nam ra thế giới

Có thể nói, Azran là một trong những người đầu tiên sưu tầm và giới thiệu hội họa Việt Nam với thế giới. Kể từ năm 1990 đến nay, chị luôn theo sát quá trình phát triển của nền hội họa này. Chị muốn thông qua những tác phẩm của các họa sỹ Việt Nam để nói với thế giới rằng, đó là một đất nước hòa bình và đang phát triển.

Chính Azran đã đứng ra tổ chức nhiều triển lãm tranh cho các họa sỹ Việt Nam như triển lãm solo đầu tiên của họa sỹ Phan Cẩm Thượng tại Singapore năm 1998.

Triển lãm của hai nữ họa sỹ Việt Nam là Vũ Thu Hiền và Đinh Thị Thắm Poong năm 2005 tại  Viện bảo tàng nghệ thuật phương Đông Wifrid tại Israel cũng do Azran đứng lên tổ chức. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm này đã được chọn để triển lãm khắp nước Mỹ trong vòng hai năm, bắt đầu từ tháng 1/2007.

Ngoài các triển lãm hội họa tại New York (Mỹ) và tại Israel, Raquelle Azran còn đưa hội họa Việt Nam tham gia nhiều hội chợ nghệ thuật quốc tế tại London (Anh), Miami (Mỹ).

Azran hy vọng những bức tranh Việt Nam trong các gallery ở nước ngoài sẽ là những món quà đối với những người chưa từng đến Việt Nam cũng như chưa từng biết đến hội họa Việt Nam. Những bức tranh này sẽ giúp khán giả có thể giao tiếp với bức tranh và đồng cảm với họa sỹ cho dù mỗi người đều đến từ một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Azran khẳng định: “Hội họa là một phương thức kết nối nhân loại, và tôi nghĩ hội họa Việt Nam đã làm việc đó rất thành công. Hơn tất cả, tôi muốn giới thiệu về một Việt Nam hòa bình, phát triển với bạn bè thế giới”.

MỚI - NÓNG