Không được biến Hồ Gươm thành 'vũng'

Không được biến Hồ Gươm thành 'vũng'
TP - Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cùng với một số công trình xấu xí hiện có, việc thêm một công trình nặng nề như tòa nhà của EVN, sẽ biến Hồ Gươm thành “vũng”.

> Còn 11 dự án khác muốn 'rào' Hồ Gươm!

Không được biến Hồ Gươm thành 'vũng' ảnh 1
Hồ Gươm. Ảnh: icentre.spb.ru

Tôi phản đối!

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện: Tôi phản đối dự án xây dựng Trung tâm Tài chính Thương mại của EVN bên Hồ Gươm. Đây là dự án quá đồ sộ, có hệ số sử dụng đất quá cao, mật độ xây dựng tăng. Cái đó nói lên sự “chất tải” lên khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trong khi, khu vực này là khu không gian tĩnh lặng, văn hoá.

Tại Hồ Gươm, chỉ có hai khu vực có dải đất ven hồ rộng là khu vực Intimex và khu vực trước 69 Đinh Tiên Hoàng. Đây là nơi để người dân thư giãn. Vì vậy nếu “chất tải” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian tĩnh lặng.

Hơn thế, khu vực này có nhiều di tích như Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu... Việc có thêm một công trình nặng nề, cộng với một số công trình xấu xí hiện có, sẽ không chỉ biến Hồ Gươm thành “ao làng” mà thậm chí còn biến Hồ Gươm thành “vũng”. Điều này là không thể được.

Theo tôi, nhìn về mặt tổng thể, quanh Hồ Gươm có quá nhiều hoạt động thương mại mà khu dành cho hoạt động văn hoá lại quá ít. Đất quanh hồ giá trị như vàng và chúng ta cũng nên sử dụng theo giá trị vàng của nó.

Ví như nên thành lập các cơ sở văn hoá, triển lãm, bảo tàng trưng bày, quảng trường để trao đổi gặp gỡ dành cho đại đa số người dân khi đến Hà Nội, chứ không nên dành để buôn bán.

Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy giá trị kinh tế trong khai thác khu đất thì theo tôi, đây là sự nhầm lẫn, chỉ nhìn một cách cục bộ. Nếu nhìn tổng thể toàn bộ Hồ Gươm hay phạm vi Hà Nội thì cách suy nghĩ như vậy không thể chấp nhận được.

Nói quy hoạch năm 1996 lỗi thời(?). Đúng, có thể lỗi thời nên người ta cần điều chỉnh quy hoạch. Thế nhưng, mục tiêu bảo vệ di sản văn hoá, tinh thần của bản quy hoạch thì không thay đổi.

Nếu có điều chỉnh, cũng là để làm tốt mục tiêu đó lên, chứ không phải là chúng ta cho phép các chỉ tiêu quy hoạch mới có thể phá nát mục tiêu này. Để làm được việc này, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải có tâm và có tầm nhìn tổng thể.

Không được biến Hồ Gươm thành 'vũng' ảnh 2 Không được biến Hồ Gươm thành 'vũng' ảnh 3
KTS Nguyễn Trực Luyện Ông Phạm Sỹ Liêm

Ngành điện đừng làm mất đi truyền thống

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Trước hết, chắc nhiều nhân viên Cty Điện lực Hà Nội không tán thành dự án vì: Đây là nơi Bác Hồ đã đến thăm ngành điện. Hiện, nhà máy điện Yên Phụ đã bị xoá sổ, mất sứ mệnh lịch sử rồi. Nếu vị trí này cũng mất đi nữa thì truyền thống ngành điện Hà Nội sẽ tiêu tan mất.

Tôi thấy rằng, ý kiến của họ là đúng. Ở đây chúng ta phải có cái gì đó ghi nhận lại sự đóng góp của ngành điện. Tôi nghĩ ngành điện không nên làm mất đi truyền thống của chính mình.

Hồ Gươm và khu vực xung quanh không chỉ của Hà Nội mà là của cả nước. Đây là di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc. Xung quanh Hồ Gươm có nhiều công trình có ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa, lịch sử... Khu vực này đã có quy hoạch. Người ta làm quy hoạch để không ai được tuỳ tiện xâm phạm.

Tuy quy hoạch không phải là cái gì bất biến. Nhưng có điều khi xem xét lại quy hoạch cũng cần có những thủ tục nhất định chứ không phải tuỳ tiện.

Riêng ý kiến cá nhân tôi, Hà Nội nên đổi cho EVN một khu đất khác ở ngoại ô, và khu đất hiện có cạnh bờ hồ sẽ làm công viên. Trụ sở Hà Nội nằm giữa hai công viên sẽ làm nổi bật vị trí cơ quan quyền lực Thủ đô.

Hơn thế, nếu có công viên này sẽ làm cho không gian từ quảng trường Nhà hát Lớn cho đến quảng trường Ngân hàng rồi đến công viên này ngày càng gần gũi liên thông. Trong công viên có thể giữ lại một phần làm bảo tàng, nơi ghi dấu Bác Hồ đến thăm...

Trong quy hoạch người ta gọi là không gian dân sự để mọi người có thể giao lưu chứ không phải toàn là hệ thống giao thông như hiện nay.

Phùng Sưởng ghi

MỚI - NÓNG