Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (tiếp theo)

Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (tiếp theo)
TP - Ông Kim Nam kể: Năm 1976, tôi ra quân với quân hàm thượng sỹ. Tôi về mà không kịp báo cho người nhà đi đón. Cuốc bộ từ ga Việt Trì về khu tập thể Văn phòng Tỉnh ủy đã 4 giờ sáng.

>> Kỳ trước

Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (tiếp theo) ảnh 1
Bác về Phú Thọ

Tôi lặng đi trước sân, khi thấy ánh đèn phòng làm việc của bố vẫn sáng. Tự dưng bố ra mở cửa. Nhìn thấy tôi, bố như rùng mình chạy lại ôm lấy tôi, vỗ vỗ lên chiếc ba-lô đầy bụi sau lưng tôi, mãi sau bố mới thốt nên lời.

- Thế là con đã trở về nhà... cảm ơn con…

Đỡ cho tôi chiếc ba-lô trên lưng, bố khệ nệ mang nó vào nhà. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra, tóc bố đã bạc trắng, người gầy như gốc cây khô. Lúc nắm tay tôi bố đã nắm luôn cả chiếc đồng hồ. Hai bố con tôi ngẩn lặng. Điểm nhịp thời gian vang lên tiếng kim loại păng păng lạnh tanh.

Đặt chiếc ba lô lên góc bàn, bố lặng lẽ đi pha cho tôi cốc sữa nóng.

- Còn sau đó, khi anh đã xuất ngũ ấy ? Ông cụ có định hướng cho anh công tác gì không ?

Ông Kim Nam vuốt mái tóc hoa râm, cười.

- Trước kia ông cụ đã không định hướng cho chúng tôi thì nay làm gì có chuyện đó. Bố tôi đã từng nói, nghề nghiệp nào thích hợp với mình nhất, mình làm việc giỏi  nhất, hiệu quả nhất, thì hãy theo nghề đó, xã hội sẽ ghi nhận những cống hiến thực chất, chứ không phải một cái nghề hình thức…

Năm đó tôi được đi ôn thi vào Đại học kỹ thuật Quân sự, nhưng ra quân muộn, nên lỡ làng. Sau, tôi xin vào phục vụ ngành Công an.  Tiếp đó thì đi học…

Ngồi nhìn ra bờ ao vắng lơ thơ ngọn mai dương, ông Kim Nam bỗng mơ màng. Một nụ cười tiết chế.

Mới đây, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, nhân dịp làm một phóng sự về Kim Ngọc, đã ghi hình tờ báo N.D ngày trước có đăng bài của đồng chí Trường Chinh phê phán khoán hộ...

- Nhưng khi Kim Ngọc về hưu, và anh cũng đã trưởng thành. Chẳng lẽ bố con lại không bao giờ tâm sự với nhau về vấn đề ấy sao?

- Không. Chưa một lần. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu chân lý sẽ phải đi đường vòng. Ông hoàn toàn thanh thản và yên tâm. Khi về hưu, ông chỉ quan tâm nhất là kiếm được chỗ đất rộng, áp dụng mô hình vườn - ao- chuồng truyền thống...

Có tiếng ôtô đổ cát sỏi cuối đường cây hoa sữa, lạt sạt nhức răng. Tiếng kìm cộng lực cắt sắt làm cốt tấm đan cồn cột, ông Kim Nam nhấp nhổm ngó ra ngoài.

Ông bảo chỉ xin nghỉ mươi ngày về trông coi việc xây lại nguyên mẫu ngôi nhà thực sự là của riêng bố mẹ, sau một đời cống hiến. Nhưng để tiếp tục câu chuyện với ông, thì, tôi thấy cũng lắm ngại ngần sẽ gây cho ông.

- Sống với bố nhiều, anh có biết ông cụ ghét ai nhất không? Yêu ai nhất không ?

Xòe hai bàn tay, ông Kim Nam như mở cả lòng.

- Thì, bố tôi cũng chỉ là người có xương thịt bình thường. Yêu nhất thì tôi không biết, ghét nhất thì tôi cũng không biết. Nhưng có việc này là hoàn toàn xác thực, hễ mỗi lần nghe đài, đọc báo thấy ta chạy đi Đông Âu xin viện trợ lương thực, thực phẩm thì bố buồn thỉu.

Ông ngồi mãi một chỗ, cười buồn, thốt lên một câu: “Sống trên thóc gạo mà phải đi xin..., thóc gạo ở ngay trong lòng dân, sức dân. Sao không nghĩ cách làm cho người dân nhiều thóc gạo, mà lại kìm hãm người dân, rồi lại nhân danh người dân mà đi xin người ta. Sao không nghĩ cách không phải đi xin. Đồng tiền có mắt. Hạt gạo có chân. Miếng ăn đi ăn xin thì còn đắng mãi về sau…”.

Ông Lê Dân, một lão thành cách mạng thì hay nhắc lại kỷ niệm thế này. Hồi Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc, đi ngang qua khu văn phòng, thấy có một căn nhà gác nhỏ, bán âm, bán dương trên sườn đồi.

Gọi là hai tầng cũng đúng, mà một tầng cũng không sai, vì nó chỉ rộng thoáng ở phía trên,  bên dưới không khác gì tầng hầm. Mẹ và chúng tôi chỉ được ở dưới tầng hầm đó.

Ý của bố tôi là vì cả nhà sống ở khu văn phòng, rất bất tiện cho công việc nghị sự kín. Ông sợ chúng tôi còn bé, hay nghe lỏm nên bảo Văn phòng xây như vậy cho cách biệt hẳn.

Ngôi nhà hiện nay vẫn còn trên đồi Tỉnh ủy. Nhưng hôm Bác Hồ về thăm thấy vậy đã phê bình: “Sống với vợ con thì phải ở cùng, chứ sao tách biệt như thế này?”. Thế là ngay sau buổi chiều Bác xuôi, bố tôi cho dọn nhà xuống khu các chú cảnh vệ…

Tôi nhớ lại, năm 1980, đơn vị chúng tôi đã được ông Lê Dân bố trí cho ở nhờ tòa nhà làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũ, khi đã chuyển sang làm khu điều dưỡng cán bộ trung ương.

Cái nhà nhỏ hai tầng nọ thì được bố trí cho tiểu đội nuôi quân và làm kho thực phẩm. Mấy vị sĩ quan mỗi lần xuống nhà bếp kiểm tra đều nói, xuống nhà ông Kim Ngọc. Có lẽ hai cái nhà đó vẫn là một.

Đang vui chuyện thì có người ở ngoài sân nói với vào.

- Ông Kim Nam ơi, lúc nãy có người ở trong Tam Quan ra gửi cho ông quà đây này…Nhà ông đi vắng tôi nhận hộ...

Đáp lễ người hàng xóm xong, ông Kim Nam giải thích với tôi.

- Gà quê, quà của mấy cơ sở cũ nơi đã từng nuôi giấu bố tôi những năm trước cách mạng. Chắc biết tin mẹ tôi sửa nhà, họ gửi để thắp hương cho cụ…

Tôi nói vui:

- Dân nuôi cách mạng từ trứng nước, đến khi cách mạng thành công mà vẫn được dân chăm nuôi. Hẳn là phải có mối thâm tình sâu sắc …

Ông Kim Nam gật đầu.

- Những người nuôi giấu bố tôi trong thời kỳ bí mật đều là người quen biết từ thuở tá điền. Ngoài lý tưởng cách mạng, trước hết đó là sự tin yêu giữa con người với con người. Dù sau này bố làm đến Bí thư Tỉnh ủy thì mối quan hệ với những người cũ chẳng có gì thay đổi.

Họ có thể đến nhà tôi bất cứ lúc nào. Có gì ăn nấy. Và bố đi công tác qua nhà họ, thường tạt vào thì ngồi bệt xuống hè, kéo cao ống quần hút thuốc lào, cầm củ sắn củ khoai vừa ăn vừa hỏi chuyện công việc.

Nhiều bạn cũ, người cơ sở cũ ái ngại bảo rằng, ông bây giờ đã khác, chúng tôi phải giữ nề giữ nếp để cho ông cái uy còn làm việc nước. Bố phẩy tay, làm gì thì làm, cũng có lúc tôi phải ngồi xuống đất như ai. Tôi cũng sẽ phải về hưu. Tôi phải chuẩn bị sự về hưu cho tất cả mọi người đàng hoàng, trong đó có tôi.

Người vừa mang biếu con gà lúc nãy chính là con của người đã từng nuôi bố trong nhiều năm. Nhưng một đận, bố đi trưng thu tiền của địa chủ trong vùng tề, chẳng may bị chó cắn nơi mắt cá chân.

Giặc đuổi rát, bố tìm về cơ sở thì người chủ gia đình bỗng chắp tay lạy xin mời bố đi chỗ khác lánh. Bố thất vọng bỏ đi, nhưng người đó đã kịp ném vào chiếc nón mê của bố một đồng tiền.

Hòa bình, người năm xưa đã chối bố một lần tìm cách lánh mặt. Nhưng bố đã chủ động đến nhà, động viên người đó ra công tác ở Mặt trận Tổ quốc huyện. Vì bác ấy cũng là người có công.

Nhiều người nhắc lại chuyện cũ, bố gạt đi. Người ta chỉ chối mình có một lần, còn bao nhiêu lần trước người ta đã vì mình mà khốn khổ. Giặc nó mà phát hiện ra, thì cũng nguy hiểm đến tính mạng gia đình họ. Mình có phải lúc nào cũng tốt một trăm phần trăm đâu...

Nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10 (tiếp theo) ảnh 2
Ra đồng thăm lúa

5. Những ngày sóng gió

Ông Nguyễn Thành Tô, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh    ủy Vĩnh Phúc,  kể lại:

- Tôi được làm việc với Bí thư Kim Ngọc nhiều năm. Tôi là giáo viên dạy Kim Ngọc văn hóa từ lớp 5 đến lớp 7. Dạy Kim Ngọc tiếng Nga để ông có vốn tối thiểu giao tiếp với các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ đang làm cố vấn kỹ thuật ở nông trường Tam Đảo và công trình thủy lợi Đại Lải.

Trong hai năm ông đã hoàn thành những yêu cầu do mình tự đề ra, mà chỉ tranh thủ học lúc ngồi trên xe ôtô khi đi xuống cơ sở.

Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại cho ông những kiến thức toán, văn, ngoại ngữ trong không gian chật chội, ồn, bụi, nóng như lò sấy thuốc lá của chiếc xe Gat 69 thời đó.

Hôm nào không bận thì về khuya ông mới gọi tôi lên kiểm tra những bài tập ông đã làm. Tôi tuy là thầy dạy văn hóa cho ông, nhưng để ứng xử có văn hóa hoặc tư cách đạo đức, phong cách làm việc thì tôi lại là học trò ông. Tôi là học trò ông ngay cả khi lúc ông đã mất.

Ở Kim Ngọc, lúc nào cũng toát ra một phông văn hóa hòa trộn quê kiểng lẫn đương đại. Nó cho ông vẻ tự tin, điềm tĩnh sâu sắc một cách bí hiểm, dù ông không phải là người có bằng cấp cao.

Bởi ông được chiêm nghiệm kiểm chứng qua chính những gì ông thấy và nếm trải. Đó không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm có được từ những giọt mồ hôi, mà còn mùi máu chiến trận cùng với niềm yêu thương, trách nhiệm với đồng loại. Lúc nào ông cũng ở trạng thái đăm chiêu, lo nghĩ.

Ngay cả lúc ông cười vui, thì ánh mắt ông vẫn vướng bận những điều gai gợn nào đó. Mặc dù vóc dáng ông tầm thước, mang bệnh dạ dày nhưng tôi luôn bị ám ảnh vì sự to lớn ở nơi ông. Cái cảm giác ông thân thiết đấy và cũng xa lạ đấy, ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Phải chăng có một sự cô đơn vĩnh cửu đã chiếm hữu ông?

Ông Nguyễn Thành Tô như đang sống lại thời quá khứ.

- Làm thư ký cho Kim Ngọc nghĩa là luôn bị động trong sự chủ động, các loại văn bản lúc cũng phải bày sẵn trên bàn với những số liệu luôn luôn cập nhật.

Kim Ngọc có thể bất ngờ hỏi về một số liệu nào đó. Và cũng ngay tức thì cầm văn bản đó xuống thẳng cơ sở kiểm tra. Ông yêu cầu tôi bố trí thời gian biểu như sau: 1/3 đi cơ sở. 1/3 đọc các loại sách báo, văn bản. 1/3 hội họp…

Tôi băn khoăn, chẳng lẽ người thư ký tận tuỵ của Kim Ngọc chỉ nhớ những chuyện sự vụ ấy thôi? Cuộc sống thường nhật của một con người nói lên nhiều điều hơn các tấm huân huy chương ngợi khen công trạng.

- Nhiều lắm, rất nhiều chuyện đời thường về Kim Ngọc, nhưng có thấy nhà báo nào hỏi đến đâu. Hồi còn đang học tiếng Nga, lúc rảnh rỗi thỉnh thoảng Kim Ngọc cũng mời chuyên gia xuống Đồ Sơn nghỉ ngơi.

Trong đoàn bạn có nữ chuyên gia nông nghiệp, thường xuyên làm việc với Kim Ngọc. Họ hay tranh luận, gần như là cãi nhau về phương thức canh tác. Nhưng nữ chuyên gia ấy lại rất mến Kim Ngọc.

Trong một lần đi Đồ Sơn, cô nghĩ đây là dịp thể hiện thiện chí, giải tỏa những bất đồng trong công việc. Buổi chiều, cô choàng tấm khăn lớn mời Kim Ngọc ra bãi biển đi dạo.

Cả hai đi thong dong trên bãi cát trước bàn dân thiên hạ đang ngụp lặn, thì nữ chuyên gia, bất ngờ, trút bỏ khăn, nắm lấy tay ông mời xuống biển tắm.

Bị bất ngờ Kim Ngọc ú ớ vẫy vẫy tôi lại “giải cứu”. Nữ chuyên gia sững sờ vì tự ái, nhưng khi nhìn thấy hai thầy trò bỏ chạy hớt hải thì chị bỗng cười khanh khách, thanh thản.

Về đến khách sạn tôi mới thấy lo lo liền hỏi.

- Phụ nữ châu Âu rất thẳng thắn, chân tình… Đáng lẽ thủ trưởng nên cùng xuống tắm. Làm người ta phật ý, sợ ảnh hưởng đến công việc….

Tháo giày, ngồi co hai chân lên mặt ghế mềm Kim Ngọc vuốt mồ hôi tóc, đăm chiêu. Gương mặt ngăm ngăm đen của ông ưu tư.

- Kể ra thì không nên phản ứng căng thẳng như thế. Nhưng ngặt nỗi, người mình thì nhỏ, gầy, đã thế lại còn đen ngấm đen ngầm. Chân tay như cái cẳng sậy. Bệnh dạ dày nó hành tớ tiêu tán hết cơ bắp rồi… Người nước mình mà đủ ăn đủ mặc thì cũng đẹp chẳng kém gì họ...

Thời gian trước khi tiến hành khoán thí điểm, hầu như không ngày nào ông không đi cơ sở. Theo sát ông bao giờ cũng một thư ký, một lái xe, một bảo vệ và một cán bộ tổ chức đi cùng. Hôm đó về kiểm tra ở Yên Lạc, xe qua bãi chăn thả trâu bò, cỏ thì tốt mà trâu bò gầy nhom. Kim Ngọc lệnh dừng xe.

Ông bước xuống băn khoăn nhìn đàn trâu bò bị lũ trẻ buộc quanh gốc cây phi lao, với một đoạn thừng hơn hai mét. Cỏ xung quanh bị chúng gặm sát đất. Còn cỏ ngoài tầm với của mõm trâu mõm bò thì vẫn mơn mởn. Chúng tôi lục tục bước xuống sau. Lại gần một chú bé chăn trâu, ông hỏi.

- Cháu đi chăn trâu sao không chăn dắt cho nó ăn cỏ. Buộc thế kia để nó chết đói à.

- Không chết được đâu ông ạ, nó chỉ gầy thôi.

- Cháu cởi chạc thả trâu ra đi…

- Cháu chả dại, nhỡ trâu liếm một hai cây lúa là tuần đồng túm cổ chúng cháu phạt tiền, phạt công điểm nặng lắm, lấy tiền mua rượu uống. Họ đang rình chúng cháu đằng kia kìa…

Người Bí thư thở dài định đưa tay cởi sợi chạc trâu ra khỏi gốc phi lao, thì đứa trẻ giãy lên.

- Ông mà cởi trâu ra, nó ăn lúa thì bố bầm cháu đánh cháu chết.

Kim Ngọc dẫn đoàn công tác đi bộ tắt ngang đồng vào làng. Từ đằng xa, đã thấy lố nhố bà con, người ngồi, người đứng dưới bóng đa giữa làng. Những âm thanh uể oải, chuyện phiếm những cái cười góp tẻ nhạt. Khói thuốc lào chờn vờn bay dưới bóng cây. Quang gánh, thừng chão, liềm hái, xe cải tiến làm thành chiến lũy quây xung quanh mọi người.

- Chú Tô, đồng hồ chú mấy giờ…

- Dạ, 2 giờ 25 phút hơn một tí ạ…

Kim Ngọc chẹp miệng.

- Bát cơm bưng tận miệng mà còn bỏ kia. Giờ này mà nhà nông vẫn ngồi vểnh râu cằm, bắt chấy cho nhau…

Không hiểu sao Bí thư, Chủ tịch xã, Ban quản trị HTX đã biết Bí thư tỉnh ủy đột kích về kiểm tra đang kéo nhau một đoàn gần hai chục người tong tả đi đón, kéo thành một dây trên bờ ruộng. Rối rít. Tay xoa xoa. Chân lón xón. Kim Ngọc, chỉ tay ra ngoài đồng.

- Ban chủ nhiệm về làm việc với tôi. Còn tất các cả các anh cùng dân ra đồng mà gặt lúa cho tôi nhờ…

Tất cả dạ ran nhưng không ai ra đồng mà vẫn rồng rắn nối đuôi theo.

Ngồi phịch xuống chiếc ghế băng, Kim Ngọc vơ chiếc quạt lá rách tướp, lạch xạch, phảy mồ hôi. Ai đó đưa cho ông chiếc quạt lành lặn hơn. Tức thì ông giật lấy, túm cả hai chiếc quạt, dằn mạnh trên mặt bàn bóng lộn.

- Sổ sách của HTX đâu? Phương án ăn chia thế nào cho tôi ngó qua một chút.

- Dạ báo cáo Bí thư thủ trưởng, chưa xong ạ…

- Chưa xong tôi cũng xem.

Ai đó ôm ra một chồng sổ sách, bìa xanh bìa đỏ, giấy kẻ, giấy không kẻ như sấp vàng mã. Kim Ngọc ngồi im, liếc qua chồng sổ sách, ông rút ngay tập sổ mới nhất, ít cong mép nhất, vỗ túi tìm kính. Quên kính ở đâu đó, ông đưa cho tôi.

- Chú xem nhà nào nhiều công điểm nhất, nhà nào ít công điểm nhất. Nhà nhiều vì sao mà nhiều, nhà ít vì sao mà ít. Rồi xem luôn hộ tôi số công điểm của tất cả những ai là người  HTX hôm nay có mặt ở đây….

Chưa cần tôi đọc hết cuốn sổ, ông đã nói ngay.

- Nhà nhiều công điểm, chắc chắc là các ông trong Ban chủ nhiệm, các ông bà đội trưởng, còn ít công cán nhất hẳn là gia đình bộ đội gia đình neo đơn - Nhìn quanh ông bảo cần gặp người đàn ông mũi đỏ hái rau cúc tần làm dồi lúc nãy. Hấp tấp ngoài giếng  chạy vào, trên tay vẫn nắm rau chưa rửa, người đàn ông mũi đỏ e dè.

- Dạ, ông cho gọi con ạ…

- Ông với con gì. Ai cho anh xưng con với tôi. Tôi hỏi anh, hôm nay hái rau cúc tần làm dồi, anh có được tính công điểm không?

Anh ta nhìn quanh cầu cứu, nhưng tất cả đều cúi mặt hoặc lảng đi.

- Dạ, con có được tính công chứ ạ. Nếu không chấm công cho con thì đời nào con ra đây phục vụ các ông ban quản trị ạ…

- Hôm nay có việc gì mà mổ lợn? A, thì ra các anh lấy cớ duyệt phương án ăn chia nên mổ lợn đánh chén với nhau…

Kim Ngọc đứng dậy ra ngoài hiên, nới cúc áo. Mãi sau ông mới quay vào, lia mắt suốt lượt.

- Cứ giong công phóng điểm thế này thì một công sao mà không âm lạng thóc, không âm xu âm hào. Đáng lẽ ra một ngày công của người làm ruộng phải ăn được mấy ngày. Tại sao đất ruộng 5% thì năng suất 200kg một sào mà HTX lại chỉ có 50 kg một sào?

Câu hỏi nằm ở đâu đó trong đầu ông rồi mà cũng có thể nó ở ngoài đồng lúa. Mãi sau, tôi mới nghe thấy ông lẩm nhẩm: “Không, lỗi không ở những người này…”.  

Ông Nguyễn Thành Tô hắng giọng, hết mở ra lại cuộn vào tờ báo Nhân Dân, như là những nếp nhăn trong trí ông đang khép mở về những hình ảnh xưa. Tôi tò mò hỏi.

- Thế bữa cơm chiều đó thì thế nào ạ.

Ông Tô cười khì.

- Thì chúng tôi về văn phòng. Cơm nhà. Trên đường về ông Ngọc vẫn chưa hết bực. Ông bảo, hôm nay mà cánh ta ở lại ăn cơm, thì thể nào bọn họ cũng quyết toán là tiếp Bí thư mổ lợn.

Nhưng mà cũng tội, không có gì sang trọng bằng miếng ăn mà cũng không gì nhục hơn miếng ăn. Kỷ luật người vì miếng ăn thì có nên không nhỉ. Dù sao thì cũng phải nhắc bên kiểm tra, kiểm tra vụ này… Mai ta đi khảo sát tiếp vùng bà con dân tộc…

Chiếc xe Gát 69 vừa đỗ xịch trước cửa nhà ăn, mọi người lục tục kéo xuống, Kim Ngọc bỗng kéo áo tôi chỉ tay.

- Tô nhìn xem có thấy gì không ?

Hướng theo tay Bí thư, tôi chỉ thấy cậu bảo vệ kiêm tiếp phẩm, đang ngồi lau xe đạp.

- Dạ thì cậu ấy lau xe đạp thôi ạ. Có gì đặc biệt đâu thủ trưởng

- Ai chả biết nó lau xe. Nhưng là nó lau xe đạp nào nào? Xe đạp riêng của nó. Cậu không thấy nó quấn bông vào tăm tre lau từng kẽ nan hoa mắt xích kia à? - Kim Ngọc lẩy mấy câu thơ: Xe tư thì giữ như vàng/ Lau từng mắt xích kẽ nan, tai hồng/Xe công về quẳng xó nhà / Quét bằng chổi sể dội vài ba thau…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG