Thực trạng buồn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kỳ 1: Cán bộ làm ngơ, dân biết nhờ ai?

Kỳ 1: Cán bộ làm ngơ, dân biết nhờ ai?
TP - Khiếu nại, tố cáo kéo dài, không được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, của công dân không được bảo vệ. Nhiều người đứng đơn khiếu nại, tố cáo rơi vào cảnh cơ cực, trớ trêu.
Kỳ 1: Cán bộ làm ngơ, dân biết nhờ ai? ảnh 1
Đã có hàng loạt tờ báo đăng bài về vụ việc thi hành án của ông P., trong đó có Tiền phong

Có người nhân thân tốt, động cơ tốt, nhưng thiếu kiềm chế có hành vi quá khích phải xử lý hình sự. Lại có cả một số người lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hãm hại, vu khống người khác, cũng không được xử lý dứt điểm.

Đó là những thực trạng buồn đang tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

“Không chờ nữa, vì đã già”!

Cách đây ba năm, tòa soạn giao cho chúng tôi lá đơn khiếu nại và các tài liệu đính kèm, đóng thành quyển sách khổ A4 gáy dày hự. Đơn của một trí thức cao tuổi tên là P., sống tại TP HCM (theo đề nghị của ông P., bài viết này chúng tôi để tắt tên).

Ông P. phản ánh vụ việc Cty của con trai ông vay tiền ngân hàng, có đem thế chấp bộ giấy tờ ngôi nhà đứng tên vợ chồng ông, hiện vợ chồng ông vẫn đang ở ngôi nhà đó. Khi Cty của con trai ông P. phá sản, ngân hàng kiện ông P. ra tòa, yêu cầu ông bán nhà để thanh toán nợ.

Hai cấp tòa đều xử ngân hàng thua kiện. Bởi Cty con trai ông P. đăng ký hoạt động theo mô hình trách nhiệm hữu hạn, HĐXX cho rằng con trai ông chỉ phải chịu trách nhiệm trả nợ theo phần vốn góp trong Cty; khi những Cty kiểu này phá sản, trách nhiệm thanh toán nợ như thế nào đã được pháp luật quy định; theo đó, cả hai HĐXX của hai cấp tòa không thể buộc ông P. phải bán nhà để trả nợ cho con ông.

Bản án đã có hiệu lực. Song ngân hàng không thi hành. Họ giữ rịt bộ giấy tờ nhà! Ông P. buộc phải khởi tiếp vụ kiện khác, yêu cầu ngân hàng phải trả ông giấy tờ nhà. Vụ kiện sau cũng qua hai cấp xét xử, ông P. là người vẻ vang thắng lợi.

Nhưng ngân hàng vẫn cầm chặt giấy tờ nhà. Còn cơ quan thi hành án thì nại ra tới 1001 lý do để... không thi hành án! Ông P. làm không biết bao đơn kiến nghị, khiếu nại, gửi nơi này nơi khác (thế nên mới có quyển sách dày hự gửi đến báo Tiền phong), sự việc vẫn không có gì thay đổi.

Sau khi Tiền phong đăng bài phản ánh, góp thêm một tiếng nói hy vọng việc thi hành án sẽ biến chuyển, lâu lâu chúng tôi lại gọi điện vào TPHCM, hỏi thăm công việc đến đâu. Lần nào cũng nghe ông P. đáp: “Hổng có gì mới hà. Thi hành án trong này nói còn chờ hướng dẫn của Bộ. Bộ thì vẫn không có ý kiến cụ thể”.

...Sát Tết năm ấy, Bộ Tư pháp gặp mặt tất niên các nhà báo. Không khí vui vẻ có trà thơm bánh ngọt lại cả phong bì lì xì nữa, chúng tôi đem vụ việc ông P. ra trình bày với Bộ trưởng Uông Chu Lưu.

Bộ trưởng tỏ ra ngạc nhiên và đáp luôn là ngay sau buổi gặp mặt báo chí, ông sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để kéo dài thêm nữa.

Về đến toà soạn, chúng tôi phấn khởi lập tức gọi điện cho ông P. Đầu dây đằng kia im lặng hồi lâu mới thấy ông P. đáp: “Không chờ được nữa chú ơi. Tôi năm nay 75 tuổi rồi. Mượn lại giấy tờ, bán nhà, trả cho ngân hàng một khoản. Còn thì mình đi mua chỗ khác. Xong xuôi cả rồi”.

Chuyện của ông P. ngẫm thấy buồn. Nhưng mà, có lẽ cũng chưa buồn bằng chuyện ông La Phúc Nguyên ở Đồng Nai, dưới đây.

Từ “người có công” thành “kẻ giả mạo”?

Đó là trường hợp mẹ của ông La Phúc Nguyên - cụ bà Mai Thị Yêm - trú tại ấp 2, xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, đã được Tiền phong phản ánh trên nhiều số báo.

Cụ Yêm là vợ liệt sỹ, bản thân cụ được Nhà nước cấp bằng chứng nhận người có công với cách mạng, được hưởng chế độ đối với gia đình liệt sỹ và người có công, được chính quyền địa phương xây tặng nhà tình nghĩa...

Tuy nhiên, nhiều năm qua, cụ Yêm có đơn khiếu nại về việc tiền chế độ liệt sỹ của chồng cụ và tiền chế độ người có công với cách mạng của cụ, có một số khoản chưa đến được tay gia đình cụ. Sau khi cụ Yêm mất, việc khiếu nại được con trai cụ - ông La Phúc Nguyên - tiếp tục.

Đơn thư của cụ Yêm và ông Nguyên, sau nhiều năm trời ắng lặng đâu đó, cuối cùng cũng được UBND và các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai giải quyết.

Tuy nhiên (lại là tuy nhiên) việc giải quyết mới dừng lại ở lời hứa “Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh rà soát lại chế độ, chính sách, đề xuất với UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm” - trích biên bản cuộc họp liên ngành cuối năm 2005, do ông Chánh văn phòng UBND tỉnh chủ trì.

Thế rồi, trong khi chờ người ta “rà soát” lại chế độ cho bố mẹ mình, ông Nguyên bất ngờ được báo chí địa phương “bêu dương”, cho rằng ông đã “làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ gia đình chính sách”, hiện cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ để xử lý theo pháp luật(?!).

Sau những ngỡ ngàng, hoang mang, ông Nguyên phẫn nộ làm đơn khiếu nại việc đưa tin mà theo ông là hoàn toàn sai sự thật. Báo chí địa phương có văn bản trả lời, rằng họ lấy tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, và cơ quan này hiện vẫn khẳng định thông tin cung cấp là đúng, nên không có căn cứ để cải chính, xin lỗi ông Nguyên.

Tiền phong đã đăng bài “Cần sớm phục hồi danh dự và chế độ cho gia đình ông La Phúc Nguyên”, nêu rõ những chứng cứ đã được Ban thi đua khen thưởng T.Ư phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh Thừa Thiên - Huế (quê gốc của cụ Yêm) và Ban thi đua khen thưởng tỉnh Đồng Nai kết luận, để khẳng định hồ sơ liệt sỹ và người có công của bố, mẹ ông Nguyên là đúng pháp luật.

Tiền phong (và nhiều tờ báo khác) đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo kéo dài gần chục năm nay của gia đình ông Nguyên, đặc biệt là cần sớm phục hồi danh dự cho họ, khẳng định rõ họ không phải là những “kẻ giả mạo”.

Sau khi đăng bài, đến nay Tiền phong (cũng như nhiều tờ báo khác) chưa nhận được hồi âm từ chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.

... Trước khi bài báo này lên trang, chúng tôi lại gọi điện vào cho ông Nguyên. Người nông dân bố là liệt sỹ, mẹ là người có công ấy tỏ ra rất bức xúc: “Tui vẫn mang tiếng là người làm giả mạo hồ sơ.

Tủi cho vong linh cha mẹ tui quá chú ơi. Gọi điện lên tỉnh hỏi bao giờ trả lời khiếu nại của tui, họ bảo cứ chờ, đang xác minh. Họ chả cho biết phải chờ đến bao giờ”. 

(Còn nữa)

Tổ PV ANQP

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.