Thực trạng buồn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kỳ 2: Không giải quyết kịp thời, 'cái sảy nảy cái ung'

Kỳ 2: Không giải quyết kịp thời, 'cái sảy nảy cái ung'
TP - Một số người nhân thân tốt, động cơ ban đầu chính đáng, nhưng vướng vào khiếu nại, tố cáo kéo dài khiến họ bức xúc, có hành vi quá khích.

>> Kỳ 1: Cán bộ làm ngơ, dân biết nhờ ai?

Trong cáo trạng truy tố họ ra tòa, vụ việc họ khiếu nại, tố cáo đúng sai ra sao, cũng như việc giải quyết vì sao bị kéo dài, thường không được xem xét đến - Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chỉ tập trung làm rõ hành vi quá khích, để có đủ căn cứ  truy tố họ ra tòa.

Kỳ 2: Không giải quyết kịp thời, 'cái sảy nảy cái ung' ảnh 1 Kỳ 2: Không giải quyết kịp thời, 'cái sảy nảy cái ung' ảnh 2
Khác với những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp như Ngọc “xa lộ" (ảnh trái), ông Ngô Ngọc Lâm khi ra trước tòa tỏ ra rất ân hận. (ảnh phải)

Vì đâu mà “hủy hoại tài sản”?

Trong vụ án đập phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu (phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội), Ngọc “Xa Lộ” - tay trùm giang hồ gớm mặt - chỉ là kẻ đánh thuê, hành sự theo đơn đặt hàng.

Nguyên nhân ban đầu không liên quan đến các băng nhóm lưu manh, côn đồ. Chỉ là tranh chấp ngõ đi giữa gia đình anh Nguyễn Việt Sơn và gia đình anh Trần Việt Dũng.

Điều đáng buồn là đơn thư khiếu nại đã được đôi bên gửi đến các cơ quan chính quyền phường Trung Phụng và quận Đống Đa từ nhiều năm, trước khi vụ án xảy ra, song không được giải quyết dứt điểm, những biện pháp ngăn chặn cũng không được thực hiện triệt để.

Qua việc đưa vụ án ra xét xử công khai, nhiều người đã biết, trước khi gia đình anh Sơn thuê côn đồ đập phá ngôi nhà cấp 4 và bờ tường gạch của gia đình anh Dũng xây trên phần đất tranh chấp, UBND phường Trung Phụng đã ra quyết định đình chỉ xây dựng bờ tường cũng như quyết định yêu cầu gia đình anh Dũng tháo dỡ ngôi nhà đó, trả lại nguyên trạng như khi tranh chấp mới phát sinh. Thật đáng buồn là việc này chỉ nằm trên giấy chứ không được thực hiện trên thực tế.

Trước hôm xảy ra vụ đập phá tài sản, hợp đồng thuê ngõ đi tạm của nhà anh Sơn với gia đình khác sắp hết hạn, và gia đình ấy đã nói để anh Sơn biết họ sẽ không cho thuê tiếp.

Điều này thực sự gây bức xúc cho gia đình anh Sơn - nhà không có lối vào thì đi lại ăn ở ra làm sao?! Đây là nguyên nhân chính, là “giọt nước tràn ly” khiến anh Sơn phải tìm đến những biện pháp bị pháp luật nghiêm cấm, cụ thể là thuê lưu manh côn đồ phá hủy tài sản của anh Dũng đêm 23/5/2006.

Trong vụ án, còn một tình tiết nữa rất đáng được nói đến. Đó là không chỉ gia đình anh Sơn thuê côn đồ đập phá tài sản của gia đình anh Dũng, mà hồ sơ vụ án còn cho thấy trước đó, gia đình anh Dũng cũng đã cậy một đám “đầu gấu” từng có thâm niên vào tù ra tội để trông nom phần tài sản đã xây dựng trên khu đất tranh chấp.

Hậu quả của vụ án này, không chỉ những kẻ côn đồ trực tiếp phá nhà dân phải ra toà lĩnh án, mà một số người trong gia đình anh Sơn vốn có nhân thân tốt, có nhu cầu về ngõ đi có thể nói là chính đáng, đã phải sa vào vòng tù tội.

Không những thế, một cán bộ công an từng có nhiều thành tích cũng trở thành đồng phạm với đám côn đồ. Theo hồ sơ, trước khi nhận lời “giúp” gia đình anh Sơn, cán bộ công an này đã xem qua hồ sơ, cũng đến quan sát thực địa, rồi đánh giá việc xây dựng của gia đình anh Dũng là “không thể chấp nhận”.

Tuy nhiên, để giải quyết cái việc “không thể chấp nhận” ấy, cán bộ công an đó đã tự cho phép mình làm những việc hoàn toàn không trong khuôn khổ của Luật Khiếu nại tố cáo và các quy định pháp luật khác, hậu quả là cũng phải trả giá bằng những năm tháng tù đày.

Và vì đâu “gây rối trật tự công cộng”?

Một vụ án khác, mới được xét xử sơ thẩm trong tháng 10 vừa qua, đó là vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà các bị cáo là một số thương binh ở Hà Nội và Hà Tây.

Bị cáo chính của vụ án là ông Ngô Ngọc Lâm, một thương binh 2/4 thường trú tại Hà Nội đã khá quen thuộc với nhiều cơ quan đài báo trong nhiều năm qua, do ông Lâm chính là nguyên đơn trong vụ khiếu nại kéo dài liên quan đến Dự án Cáp treo chùa Hương, từng được nhiều tờ báo đăng tải.

Lật lại những bài báo cách đây dăm năm, người ta nhận thấy những khiếu nại của ông Lâm (và một số người được ông Lâm đại diện quyền lợi) không phải không có cơ sở. Và người ta cũng nhận thấy, việc giải quyết, xử lý khiếu nại của ông Lâm bị kéo dài, khiến nhiều cấp, nhiều ngành phải vào cuộc, có lúc Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo.

Đã có thời gian ông Lâm chuyển từ khiếu nại hành chính sang khởi kiện hành chính, hai cấp toà đều ra bản án có lợi cho việc khiếu nại của ông Lâm...

Tuy nhiên, vụ việc luôn có những diễn biến phức tạp. Một số nội dung ông Lâm tố cáo (đã được báo chí đăng tải), chỉ khi Dự án Cáp treo chùa Hương đi vào hoạt động, mới bước đầu được kết luận, và dĩ nhiên trở thành “chuyện đã rồi”.

Một số cơ quan, cá nhân trong tỉnh Hà Tây không chỉ chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại, mà còn tỏ ra thiếu khách quan. Những điều này khiến ông Lâm cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của ông và một số thương binh không được bảo vệ.

Bức xúc với nhận định đó, lại thêm tính nóng nẩy, và phần nào đó là “bệnh công thần”, ông Lâm và một số thương binh đã tự cho phép mình đi quá xa, phạm vào hành vi “gây rối trật tự công cộng” (mục đích cũng chỉ là để gây sức ép cho việc giải quyết khiếu nại sớm có kết quả), dẫn đến phải chịu sự xử lý của pháp luật hình sự.

Trong vụ án này, còn một bị cáo khác cũng rất đáng chú ý, đó là bà Nguyễn Thị Hiền, thường trú tại TX Hà Đông, một người được hưởng chế độ như thương binh do đã tham gia TNXP và bị thương trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo bản Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tây, ngoài những hành vi hỗ trợ tích cực cho ông Lâm trong việc đòi hỏi quyền lợi đối với Dự án Cáp treo chùa Hương, bà Hiền còn một số hành vi gây rối khác tại UBND TX Hà Đông và UBND tỉnh Hà Tây.

Theo bản cáo trạng, những vụ “gây rối” đó đều xuất phát từ việc bà Hiền khiếu nại quyền lợi của gia đình bà (hoặc hộ cho gia đình người khác), và do khiếu nại bị kéo dài, chậm trễ trả lời, bà Hiền đã có hành vi “gây rối” để gây áp lực mong “đẩy nhanh tiến độ”!

Tại phiên toà sơ thẩm, các luật sư bào chữa cho ông Lâm, cũng như các luật sư bào chữa cho bà Hiền cố gắng chứng minh những đòi hỏi, khiếu nại của ông Lâm, của bà Hiền không phải không có căn cứ; việc trả lời, giải quyết cho họ bị kéo dài; các luật sư đề nghị HĐXX coi đây là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tuy nhiên, dường như trong những vụ án kiểu này, những trình bày phân tích như vậy đã là quá muộn, không phải là lúc là nơi để được lắng nghe để được xem xét nữa...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG