Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa

Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa
TP - Nhiều chuyện tưởng không thể tin được vẫn đang xảy ra lúc này lúc khác tại nơi được coi là uy nghiêm như ở tòa án, thậm chí tại ngay các phiên tòa xét xử dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.

Phiên tòa hình sự sơ thẩm hôm ấy do TAND quận Hai Bà Trưng - Hà Nội mở công khai. Hai bị cáo bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản công dân” đều đã có tiền án tiền sự, sau khi bị bắt đều nhận tội.

Một người bị giam ở Quảng Bình, một người bị giam ở Hà Nội. Quá trình bị bắt, tạm giữ, tạm giam, họ luôn bị cách ly. Vụ án còn một bị cáo nữa, nhân thân tốt, bị truy tố về tội “tiêu thụ của gian”; chứng cứ để truy tố chủ yếu là lời khai của hai bị cáo kia.

Bị cáo thứ ba được tại ngoại. Anh ta kêu oan, và luật sư của anh ta đưa ra một số tình tiết cho thấy lời kêu oan là có căn cứ.

HĐXX quyết định cách ly hai bị cáo đang bị tạm giam để thẩm vấn. Đây là việc được nhiều người chờ đợi, bởi như vậy mới có điều kiện làm rõ lời kêu oan của bị cáo thứ ba.

Phần thẩm vấn đang dở dang thì... chuông reo. HĐXX quyết định tạm dừng, để tiếp tục vào đầu giờ buổi chiều.

Các Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trong các phiên tòa.

Tuy nhiên, chính ở khâu được xem là “đột phá điểm” của cải cách tư pháp, lại đang bộc lộ những tồn tại, những khiếm khuyết rất cần được sửa chữa.

Hai bị cáo đang bị tạm giam được giao cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp (CSHTTP) dẫn giải về trại tạm giam, đầu giờ chiều lại dẫn giải ra. Và thế là người ta thấy họ được... khóa chung một khóa số 8. Tay trong tay, họ líu ríu cùng nhau leo lên xe thùng.

Chả ai biết trong cái “thùng” hết sức kín đáo ấy, hai gã trộm chuyên nghiệp tâm sự với nhau những gì. Buổi chiều, tuy tiếp tục bị cách ly, song việc thẩm vấn họ không còn chút thông tin nào hấp dẫn, bởi lời khai của họ giống hệt nhau!

Hiện ngày càng có nhiều phiên tòa HĐXX cách ly các bị cáo để thẩm vấn. Thường đó là những vụ vẫn còn nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, thậm chí bị can, bị cáo kêu oan, có đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ tiến hành tố tụng. Với những phiên tòa ấy, rõ ràng việc cách ly các bị cáo với nhau, hoặc với nhân chứng, là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, hiện thiếu những quy định nếu phiên tòa kéo dài nhiều buổi hoặc nhiều ngày, thì việc cách ly bị cáo ngoài những giờ xét xử được duy trì như thế nào.

Từ vụ án nêu trên, thiết nghĩ khi thấy cần cách ly các bị cáo, HĐXX phải yêu cầu lực lượng CSHTTP bố trí đủ lực lượng, phương tiện để cách ly họ ngay từ khi dẫn giải từ trại tạm giam, tránh trường hợp tréo ngoe “sáng cách ly - trưa chung khóa” như vừa kể trên.

Nhân vật “trông chẳng giống ai”?

Phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Bắc Giang mở tháng 6/2006, xử vụ “trộm cắp cổ vật”. Thời hạn điều tra bị vi phạm, một bị cáo chết trong quá trình tạm giam, các bị cáo khác sức khỏe yếu. Họ kêu oan, phiên tòa là cơ hội minh oan cho họ. Vụ án đã thu hút đông đảo người dân trong tỉnh đến theo dõi.

Người viết bài này cùng một số nhà báo từ Hà Nội lên Bắc Giang, tới đầu TX đã nhận thấy an ninh đang được thắt chặt. Khu vực tòa án đông nghẹt người dân, ngoài cảnh sát hỗ trợ tư pháp (CSHTTP), có rất đông Công an tỉnh Bắc Giang tham gia giữ gìn trật tự.

Giữa không khí trang nghiêm ấy, giữa những cuộc tranh luận “nảy lửa” của công tố viên và luật sư ấy, phòng xử án lại xuất hiện một nhân vật khá đặc biệt.

Cậu chàng gầy như cò hương này độ ngoài đôi mươi, tóc lút gáy, áo hoa, quần loe, thoải mái loẹt quẹt đôi dép lê đi đi lại lại giữa khu vực HĐXX, công tố viên, luật sư, các bị cáo. Có lúc cậu ta còn cầm trên tay điếu thuốc lá cháy dở...

Cậu ta làm công việc gì? Mỗi khi có ai cần micro, cậu ta bèn tiến đến đưa micro cho người ấy, việc của cậu ta chỉ là thế.

Giờ giải lao, tôi tò mò tìm hiểu cậu chàng “trông chẳng giống ai” này là cán bộ tòa án hay... ở đâu ra? Một cảnh sát cho biết cậu ta là dân cho thuê loa đài đám cưới.

Phiên tòa này đông người tham gia tố tụng, lại bắc thêm loa ra sân để nhân dân theo dõi, tòa không đủ trang âm nên thuê của cậu ta. Trong phiên tòa, cậu ta có nhiệm vụ “bảo hành sản phẩm”. HĐXX chắc cũng thấy tiện nên để cậu ta kiêm luôn việc... chuyển micro cho người này, người kia.

Rõ ràng sự xuất hiện của cậu ta đã làm giảm không khí trang nghiêm của phòng xử án. Từ câu chuyện nhỏ này, vấn đề đặt ra là: Trong các phiên tòa, có cần người bảo vệ kiêm phục vụ các yêu cầu của chủ tọa phiên tòa, đơn giản như đưa chai nước uống cho HĐXX, hoặc chỉ dẫn CSHTTP phòng để cách ly bị cáo?

Thực ra, trước khi thành lập CSHTTP, các phiên tòa thường có một vài người bảo vệ, kiêm thực hiện những công việc “lặt vặt” như vừa nêu trên. Từ khi có CSHTTP, tòa án không bố trí nhân viên bảo vệ trong các phòng xét xử nữa. Tuy nhiên, CSHTTP chỉ chuyên tâm vào việc giám sát bị cáo và giữ trật tự phiên tòa, nên HĐXX thiếu người để nhờ vả những việc lặt vặt.

Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các khách sạn, đội ngũ bảo vệ ăn mặc rất oách, nào mũ kê pi, nào ngù vai, nào thắt lưng, lại toàn người cao to, nên trông rất uy nghiêm. Trong khi đó, tòa án là cơ quan rất cần sự uy nghiêm thì đội ngũ bảo vệ lại đang có trang phục thiếu nhất quán.

Chả nói đâu xa, ngay bảo vệ của TANDTC, hoặc Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, hiện có người mặc đồng phục, có người mặc thường phục. Mà cũng chẳng ai rõ đồng phục của họ, theo quy định của ngành, thì là như thế nào? 

--------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.