Sẽ dán tem xe gắn máy để kiểm soát khí thải

Sẽ dán tem xe gắn máy để kiểm soát khí thải
TP - Nếu Chính phủ phê duyệt đề án kiểm soát khí thải, sẽ có tem dán lên xe máy phân biệt xe sạch và xe “bẩn”. Những xe “bẩn” sẽ bị xử phạt...
Sẽ dán tem xe gắn máy để kiểm soát khí thải ảnh 1

Xe máy quá niên hạn, gây ô nhiễm môi trường vẫn tham gia giao thông sẽ bị phạt. Ảnh: Phạm Yên

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tại những thành phố lớn, do Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Chương trình không khí sạch Việt Thụy Sỹ tổ chức ngày 22/1.

PV Tiền phong đã trao đổi với Cục trưởng Đăng kiểm - Trịnh Ngọc Giao, xung quanh vấn đề này.

Ông Giao nói: Nhiều nơi đi trước ta khá lâu trong việc thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe máy. Như Đài Loan phải thực hiện trong 10 năm mới kiểm soát xong khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Đài Loan được đánh giá có môi trường đô thị sạch, dù có hơn 3 triệu xe máy lưu hành.

Với Việt Nam, nếu thực hiện lộ trình thực hiện, dự kiến đầu tiên sẽ kiểm tra xe trên 10 năm tuổi tại 5 thành phố lớn; năm 2010, kiểm tra xe trên 7 năm tuổi; năm 2011, kiểm tra xe trên 5 tuổi và năm sau nữa kiểm tra xe trên 3 tuổi.

Tôi nghĩ, xe máy trên 3 tuổi chưa phải kiểm tra định kỳ vì vẫn có chế độ bảo dưỡng xe mới. Sau 3 năm, khi xe bắt đầu xuống cấp, mới cần kiểm tra.

Lộ trình thực hiện kiểm tra và bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng, phối hợp giữa các ban ngành chức năng thế nào, thưa ông?

Nếu chúng tôi xây dựng đề án thì sẽ tổ chức: Đầu tiên làm ở các trung tâm đăng kiểm, các trung tâm bảo dưỡng xe máy của các công ty sản xuất xe máy có các trạm bảo dưỡng sửa chữa. Cục sẽ trình Bộ GTVT bắt buộc phải có các trạm này.

Sẽ có 2 lộ trình như sau: Một là, nhanh thì có thể thực hiện từ 1/1/2009 nếu như Chính phủ phê duyệt đề án vào tháng 9/2008. Muộn hơn, có thể là 1/7/2009 hoặc 1/1/2010 lấy ý kiến các ngành và công luận.

Hiện, Chính phủ giao Bộ GTVT, và Bộ lại giao Cục kiểm soát khí thải tại 5 thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Sau khi làm xong 5 thành phố này sẽ triển khai các tỉnh thành cả nước.

Chế tài xử phạt người vi phạm sẽ  thế nào?

Chưa thể đưa ra mức phạt cụ thể lúc này nhưng chắc chắn lực lượng cảnh sát sẽ làm việc đó. Lực lượng cảnh sát môi trường đã được thành lập, nếu xe đến thời kỳ kiểm định mà chưa có tem (dự kiến sẽ đưa ra 2 loại tem xanh và tem vàng hoặc tem đỏ và tem xanh).

Loại tem xanh là xe sạch hẳn, 3 năm tuổi đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Trong đề án, đề xuất phạt xe “bẩn” khi lưu thông không có tem kiểm định sẽ bị phạt 300 nghìn đồng, trong khi mức bảo dưỡng khoảng 50 nghìn đồng.

Hiện, Nghị định 146 không có mức xử phạt này nhưng nếu đề án được thông qua thì quyết định của Chính phủ đã có, không cần sửa nghị định.

Kiểm soát xe nhưng nếu chất lượng nhiên liệu không đảm bảo thì sao, thưa ông?

Hiện, chúng ta đã đưa ra các loại nhiên liệu đảm bảo tiêu chuẩn Euro 2. Trong tương lai, nhiên liệu phải đạt chất lượng cao hơn. Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt thì chắc chắn sẽ có tiêu chuẩn nhiên liệu do sự phối hợp giữa Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng với TCty xăng dầu đưa ra.

Về niên hạn xe máy, hiện chúng tôi cũng đang bàn nhưng việc này không đơn giản. Khu vực phía Nam, xe máy cũ còn rất nhiều. Thậm chí, những xe sản xuất từ những năm 1970 giờ vẫn lưu thông nên đặt ra niên hạn xe máy sẽ gây khó khăn với người dân nghèo.

Đầu tiên, vẫn cứ phải kiểm tra; sau đó mới ép để đưa những xe quá cũ về vùng sâu, vùng xa. Tại các thành phố lớn, dứt khoát xe máy phải sạch để giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Cám ơn ông!

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 20 triệu mô tô và xe máy. Dự báo năm 2010, lượng xe máy lưu hành trong cả nước sẽ khoảng 24 triệu xe. Đến năm 2015, dự báo lượng xe máy lưu hành trong cả nước khoảng 31 triệu xe.

Hầu hết môtô, xe máy sử dụng từ trước đến nay là loại có kết cấu công nghệ lạc hậu và phát thải gây ô nhiễm lớn. Đa số môtô, xe máy trên 3 năm sử dụng hiện nay không đạt chuẩn khí thải. Bình quân có khoảng 59,33% môtô, xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải tại Hà Nội và 57,84% không đạt tại TP HCM.

Tại một số nút giao thông lớn trong đô thị, nồng độ khí CO và NO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Phát thải do môtô, xe máy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân (mỗi năm có tới 626,8 người chết và 1547,6 người bị mắc bệnh hô hấp) và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các thành phố lớn.

Nếu như năm 2004, Hà Nội mất khoảng 19 triệu USD/năm, TP HCM khoảng 49 triệu USD/năm thì đến năm 2005 con số thiệt hại đã tăng lên chóng mặt: TP Hà Nội thiệt hại khoảng 22 triệu USD và TP HCM 52 triệu USD...

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.